Làm thêm giờ phải bảo đảm sức khoẻ, quyền lợi cho người lao động

NDO -

NDĐT- Chiều 12-6, thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến tranh luận chung quanh việc mở rộng khung thoả thuận giờ làm thêm trong các trường hợp đặc biệt từ tối đa 300 giờ lên 400 giờ/năm. Đa số các đại biểu cho rằng, việc làm thêm giờ cần bảo đảm sức khoẻ và quyền lợi của người lao động, đặc biệt là đối với công nhân.

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Dương, phát biểu.
Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Dương, phát biểu.

“Công nhân cần làm thêm chứ không có nhu cầu làm thêm”

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Dương - một tỉnh phát triển công nghiệp với gần 1,2 triệu lao động, cho biết, từ thực tiễn địa phương, qua tiếp xúc làm việc lấy ý kiến doanh nghiệp của người lao động, đại biểu khẳng định rằng nhu cầu làm thêm giờ là nhu cầu có thực từ hai phía, người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp may mặc, giày da, chế biến gỗ và một sống ngành khác.

Về phía người sử dụng lao động, đây là các doanh nghiệp sản xuất gia công hàng xuất khẩu nên phụ thuộc vào đơn hàng, cần sự linh hoạt trong bố trí sản xuất và có sự thiếu hụt tạm thời về lao động. Tiền lương trả cho người lao động những doanh nghiệp này chỉ cao hơn mức lương tối thiểu vùng không đáng kể do sử dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo, chủ yếu do doanh nghiệp tự đào tạo nghề trong quá trình làm việc.

“Tiền lương không đủ sống là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người lao động muốn làm và phải làm thêm giờ để bảo đảm cuộc sống, dành một phần tích lũy khi còn trẻ. Lưu ý, nhu cầu làm thêm giờ chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp thâm dụng lao động mặc dù số lượng doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ ít so với tổng số doanh nghiệp nhưng số lượng lao động chịu sự tác động lại lớn”, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh nêu ý kiến.

Theo đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, việc làm thêm giờ quá nhiều sẽ gây ra hệ lụy lớn vì người lao động không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, không có thời gian chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, giao lưu và học tập. Nhưng nếu không mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong khi nhu cầu làm thêm có thực từ hai phía thì doanh nghiệp vẫn tổ chức làm thêm và thiệt hại cuối cùng sẽ thuộc về người lao động.

Từ những phân tích trên, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh cho rằng, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa theo phương án của Chính phủ trình tại Điều 108 dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần được đặt trong mối tương quan giữa thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, phải hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Đồng thời, quy định của pháp luật cần hướng đến việc chấm dứt nhân công giá rẻ, lương không đủ sống như các ngành lao động thông dụng hiện nay, cần tăng cường trách nhiệm quản lý của Nhà nước để bảo đảm các quy định của pháp luật được thực thi nghiêm túc.

Làm thêm giờ phải bảo đảm sức khoẻ, quyền lợi cho người lao động ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đoàn TP Hồ Chí Minh, phát biểu.

Cùng có quan điểm là người công nhân cần làm thêm do đồng lương quá thấp không đủ trang trải cuộc sống nhưng đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, lại có góc nhìn khác.

“Nếu hỏi công nhân có nhu cầu làm thêm không, theo sự hiểu biết của tôi nếu nói rằng công nhân có nhu cầu làm thêm thì rõ ràng hiểu không đúng bản chất vấn đề. Nhưng công nhân cần làm thêm không? Công nhân cần. Cần để làm gì? Cần để có thêm thu nhập, vì đồng lương, thu nhập hiện nay so với trang trải, nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người công nhân còn quá eo hẹp, thiếu thốn nên người công nhân cần có thu nhập thêm để trang trải điều đó. Quốc hội phải đưa ra chính sách để người công nhân làm ít giờ nhưng lương, thu nhập tăng lên”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ý kiến.

Tiền lương làm thêm giờ cần được tính luỹ tiến

Đề cập đến quyền lợi của người lao động khi làm thêm giờ, nhiều đại biểu cho rằng, cần quy định cụ thể tổng số giờ làm tối đa của người lao động trong một ngày, một tuần cũng như trong một tháng để tránh tình trạng tăng giờ làm thêm tập trung vào một số tháng liên tục trong năm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.

Song song với đó, các đại biểu đề nghị tiền lương làm thêm giờ cho người lao động cần được tính luỹ tiến. Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh cho rằng, quy định này không chỉ đáp ứng nhu cầu của cả hai phía mà còn bảo đảm doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ phù hợp có phương án tuyển dụng thêm lao động, không tổ chức làm thêm giờ quá nhiều.

“Khi tiền lương làm thêm giờ tăng, người lao động có thu nhập, có tích lũy sẽ dành thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình, giao lưu học tập và không phải vắt kiệt sức lao động để làm thêm giờ cho đủ sống như hiện nay”, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh nói.

Đồng tình với việc luỹ tiến tiền lương làm thêm giờ của người lao động, đại biểu Trương Phi Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội Long An đề nghị cụ thể cách trả lương làm thêm giờ lũy tiến khi mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ, như sau: Ngày làm việc bình thường hai giờ đầu ít nhất là 150% lương, một giờ tiếp theo ít nhất là 250% lương, một giờ tiếp theo nữa ít nhất là 300%. Làm việc ngày nghỉ ít nhất là 300%, làm việc ngày lễ tết ít nhất là 400%.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai cho rằng, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có nêu việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ do người lao động và người sử dụng lao động tự thoả thuận. Quy định nêu như dự thảo là rất khó đạt được sự thỏa thuận, nếu không muốn nói là không thể xác lập được sự thỏa thuận đó bởi giữa người lao động và người sử dụng lao động luôn tồn tại quan hệ bất bình đẳng và phần yếu thế luôn thuộc về người lao động.

“Tôi đề nghị những quy định được đề ra trong dự thảo tại Điều 99 là hai bên thỏa thuận thì cần phải quy định thẳng vào trong luật, không quy định mở là phải do hai bên thỏa thuận”, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý nêu ý kiến.

Làm thêm giờ phải bảo đảm sức khoẻ, quyền lợi cho người lao động ảnh 2

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Giải trình về mở rộng thoả thuận khung giờ làm thêm tối đa, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đây là nhu cầu có thực của doanh nghiệp và một bộ phận người lao động, việc tăng ở mức tối đa 300 - 400 giờ. Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng cho một số ít ngành nghề và ở những thời điểm nhất định, không áp dụng tăng giờ làm thêm ở khu vực công.

“Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương án, nhất là đối với đề xuất của một số đại biểu liên quan đến thỏa thuận, lũy tiến,… Nhưng cũng phải lưu ý rằng 97% các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Đây là những vấn đề phải rất quan tâm, làm sao vừa bảo đảm quyền của người lao động nhưng cũng bảo đảm doanh nghiệp phát triển bền vững”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

“Pháp luật của chúng ta là ý chí của người lao động được nâng lên thành luật”

Phát biểu tranh luận với một số ý kiến của các đại biểu chung quanh tuổi nghỉ hưu và mở rộng khung giờ làm thêm, đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết:

Với trách nhiệm của tổ chức công đoàn, chúng tôi đã trực tiếp lắng nghe người lao động vì chúng tôi xác định pháp luật của chúng ta là ý chí của người lao động được nâng lên thành luật. Do vậy, chúng tôi đã trực tiếp đi đến nhiều địa phương, trong đó có TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Quảng Ninh và các đơn vị này chúng tôi đều mời các vị đại biểu Quốc hội của các đoàn dự, chứng kiến. Hầu hết người lao động không đồng tình với các phương án trong luật. Tuy nhiên, trong quá trình đó, chúng tôi cũng thực hiện trách nhiệm đồng thời là tương tác và chia sẻ để người lao động hiểu hơn. Với yêu cầu chung thì Tổng Liên đoàn có đề xuất một phương án tuy nhiên có kèm theo các điều kiện.

Chúng tôi cũng đề xuất là trong quá trình xây dựng luật chúng ta phải rất quan tâm, chú ý tới việc người lao động là bên thế yếu trong quan hệ lao động và chỉ giải quyết được vấn đề này và thấu hiểu vấn đề này thì luật của chúng ta mới khả thi, nhận được sự đồng thuận của người lao động.

Làm thêm giờ phải bảo đảm sức khoẻ, quyền lợi cho người lao động ảnh 3

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phát biểu. (Ảnh: Quochoi.vn)

Chúng tôi cho rằng, khi chúng ta quan tâm người lao động, quan tâm cả về sức khỏe, việc làm, thu nhập và những quyền lợi pháp lý của họ, chính là chúng ta góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về thể chất, tinh thần, về ý thức chính trị và bản lĩnh giai cấp, đây là chủ trương rất lớn của Đảng.

Do vậy, để xây dựng được giai cấp công nhân lớn mạnh, chúng ta không được bỏ quên số phận, cuộc sống hiện tại của họ bằng những quy định pháp lý thực sự chặt chẽ trong mối quan hệ với giới chủ, nhất là trong bối cảnh giới chủ Việt Nam vi phạm pháp luật rất phổ biến hiện nay. Do vậy, những quy định về vấn đề này cần chặt chẽ và chúng tôi đề nghị kỳ sau Chính phủ phải trình với Quốc hội nghị định các danh mục những ngành nghề tăng tuổi nghỉ hưu và khung điều chỉnh phải từ năm đến 10 tuổi như một số đại biểu nêu.

Về thời giờ làm thêm để kéo dài đối với một số ngành trong trường hợp đặc biệt đến 400 giờ thì chúng ta cần phải có danh mục các ngành cụ thể để thuyết phục người lao động và chúng tôi sẽ báo cáo với người lao động về vấn đề này.

Trong bối cảnh hiện nay, khi hầu hết các doanh nghiệp đang cho các đối tượng khoảng 35-40 tuổi chấm dứt hợp đồng lao động sớm, chúng tôi phải rất quan tâm để giải quyết vấn đề họ sẽ làm gì, khi chúng ta tiếp tục nâng tuổi nghỉ hưu trong khi ở tuổi này, họ đã có thể phải ra khỏi quan hệ lao động.