Khuyến cáo nông dân không xuống giống vụ lúa hè thu sớm

* Các địa phương chủ động phòng, chống cháy rừng

Phát dọn thực bì rừng tại rừng phòng hộ thuộc địa bàn huyện Mang Yang (Gia Lai). Ảnh: NGUYỄN DIỆP
Phát dọn thực bì rừng tại rừng phòng hộ thuộc địa bàn huyện Mang Yang (Gia Lai). Ảnh: NGUYỄN DIỆP

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hậu Giang, mặc dù không có trong lịch mùa vụ nhưng một số nơi trong tỉnh vẫn xuống giống vụ lúa xuân hè hay còn gọi là hè thu sớm. Năm nay giá lúa cao cho nên nông dân có tâm lý tranh thủ xuống giống sớm để tận dụng thời cơ giá tốt. Ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo nông dân phải tuân thủ lịch thời vụ để bảo đảm rơm rạ sau vụ lúa kịp phân hủy, cắt được nguồn lây lan sâu, bệnh. Theo kế hoạch, lịch gieo sạ vụ lúa hè thu 2021 của tỉnh, đợt 1 sẽ xuống giống từ ngày 28-3. 

* Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang cho biết, một số vùng nông dân đã gieo sạ vụ lúa xuân hè, chủ yếu ở địa bàn các huyện Gò Quao, Châu Thành, U Minh Thượng và Giang Thành. Theo đó sẽ có nguy cơ bị lây lan một số dịch bệnh từ vụ đông xuân sang; đồng thời, khả năng sẽ bị nắng hạn, thiếu nước tưới ở các vùng không chủ động được nguồn nước. Sở NN và PTNT tỉnh đã có công văn chấn chỉnh tình hình gieo sớm vụ lúa xuân hè 2021.

* Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh đề nghị các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn nhằm phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa vụ xuân 2021. Theo đó, bệnh đạo ôn phát sinh gây hại tỷ lệ bệnh trung bình từ 2 đến 3%, nơi cao từ 5 đến 7%, diện tích nhiễm 12,1 ha, gây hại chủ yếu trên giống Thái Xuyên 111, Bắc Hương 9, VTNA6, Nếp 87, P6, phân bố tại các xã: Cẩm Hưng, Cẩm Quan, Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên), Thạch Sơn, Thạch Long (Thạch Hà), Lâm Trung Thủy, Quang Vĩnh (Đức Thọ).

* Theo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa (Gia Lai), hiện có khoảng 13.600 ha rừng thuộc địa bàn tám xã Ia R’sươm, Chư’Rcăm, Ia R’sai, Chư Gu, Uar, Ia Mlah, Đất Bằng, Chư’Đrăng có nguy cơ cháy cao (gồm các diện tích rừng trồng, rừng nhiều tre nứa, rừng rụng lá, rừng khộp, rừng tái sinh và các diện tích rừng tiếp giáp với khu sản xuất nông nghiệp, nương rẫy của người dân) đang được tập trung theo dõi, bố trí lực lượng tuần tra, canh gác ở mức độ cao.

* Tại huyện Kon Rẫy (Kon Tum), nắng nóng đang đe dọa hàng nghìn héc-ta rừng . Từ đầu mùa khô đến nay, các đơn vị đã dốc toàn bộ lực lượng để tuần tra, ngăn chặn cháy rừng trên địa bàn. Theo Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Rẫy, trong số 29.000 ha rừng mà đơn vị đang quản lý thì rừng trồng tại xã Đăk Trôi (600 ha) dễ có nguy cơ cháy nhất. Chính vì vậy, công ty đã tổ chức làm đường băng cản lửa để phòng tránh.

* Tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 240.000 ha rừng, trong đó có hơn 62.000 ha rừng trồng, gần 500 ha rừng thông, hơn 400 ha rừng tự nhiên… Đây là những loại rừng thường xuyên có nguy cơ xảy ra cháy trong mùa khô, nhất là mùa khô hạn được dự báo sẽ diễn ra gay gắt trong năm nay. Chi cục Kiểm lâm và các hạt kiểm lâm đã tổ chức trực cháy suốt 24 giờ để thu thập thông tin cảnh báo sớm các đám cháy trên địa bàn.

* Sau Tết Nguyên đán, nông dân các vùng chuyên canh dừa tỉnh Tiền Giang phấn khởi bởi giá dừa khô tăng mạnh. Theo Phòng NN và PTNT huyện Tân Phú Đông, giá dừa khô hiện từ 60.000 đến 62.000 đồng/chục (12 quả), tăng hơn gần 20.000 đồng/chục  so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Toàn tỉnh hiện có hơn 21.000 ha dừa.

* Tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tổng số cơ sở giết mổ trên địa bàn từ nay đến năm 2025 là 58, tăng 11 cơ sở so với quy hoạch trước đây. Theo thiết kế, mỗi ngày, 58 cơ sở sẽ giết mổ khoảng 360 con trâu, bò, gần 7.400 con lợn, 178.000 con gà. Tỉnh cũng quy định các cơ sở giết mổ động vật phải có khoảng cách an toàn với khu dân cư, trường học, bệnh viện, sông suối; đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y.

* Sáng 4-3, tại công viên Bùi Thị Xuân (TP Huế), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ phát động tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hương. Các đơn vị đã thả hơn 41.000 con giống gồm cá lóc, cá trê, cá trắm, cá mè,… xuống sông Hương.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (5-3), Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục rét, vùng núi có nơi dưới 14 oC. Tây Nguyên và Nam Bộ ngày nắng, có nơi hơn 35 oC. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đang bước vào đợt nắng nóng nhất kể từ đầu năm, khi nền nhiệt ngoài trời có thời điểm lên đến 37-38 oC.