Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi:

Không nên quy định cứng về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng

NDO -

Chung quanh vấn đề “bỏ chứng chỉ” ngoại ngữ và tin học đối với công chức, viên chức, Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng không nên quy định cứng yêu cầu về chứng chỉ, mà vấn đề quan trọng là chất lượng của công chức, viên chức có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hay không.

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân. Ảnh : DUY LINH
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân. Ảnh : DUY LINH

Mới đây, Bộ Nội vụ cho biết đang phối hợp các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức. Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy tính và không yêu cầu phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ.

Chung quanh vấn đề “bỏ chứng chỉ” ngoại ngữ và tin học đối với công chức, viên chức, Đại biểu QH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng việc bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cũng như bỏ tem phiếu thời bao cấp. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển.

“Vấn đề quan trọng là chất lượng của công chức, viên chức có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hay không?”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu vấn đề.

Mặt khác, theo ông Lợi, khi tuyển dụng thì cơ quan (Nhà nước) tuyển dụng có quyền sát hạch về năng lực, trình độ, khả năng chuyên môn về ngoại ngữ, tin học để bảo đảm đáp ứng các tiêu chí của công chức, viên chức. Thí dụ như về năng lực ngoại ngữ thì cơ quan có nhu cầu có thể tiến hành phỏng vấn khi tuyển dụng.

Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng đây không phải là một điều kiện hay tiêu chuẩn bắt buộc, mà chỉ là sự cần thiết sát hạch để khuyến khích đối tượng được tuyển dụng khi tham gia vào một vị trí việc làm cần đáp ứng được yêu cầu của công việc. Việc này là hoàn toàn phù hợp với pháp luật về mối quan hệ giữa đơn vị tuyển dụng và người có nhu cầu được tuyển dụng.

“Theo tôi thì không coi đây là một điều kiện bắt buộc để làm căn cứ loại thải khi tiến hành tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước”, ông Lợi nêu ý kiến.

Đồng thời, theo ông Lợi, trong công tác tuyển dụng, xét chuyển ngạch, thăng hạng đối với cán bộ, công chức, viên chức thì việc miễn thi cho các đối tượng đã có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp là hoàn toàn đúng đắn. Vì theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những đối tượng đã vượt qua một kỳ sát hạch của các cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn, đã thể hiện rằng họ đủ tiêu chuẩn chuyên môn theo bằng cấp, chứng chỉ đã được cấp. Thí dụ như về ngoại ngữ có khung năng lực quốc gia sáu bậc, nếu ở bậc 3 rồi thì không yêu cầu chứng chỉ về ngoại ngữ nữa.

Tuy nhiên, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu, rộng với thế giới, đồng thời đang bước nhanh vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cho nên những yêu cầu về công nghệ, máy tính và ngoại ngữ là rất cần thiết cho quá trình làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Nói cách khác, những yêu cầu này cũng là cần thiết kể cả những đối tượng làm nhiệm vụ mà không yêu cầu năng lực ngoại ngữ và tin học. Do đó, chúng ta cũng cần phải khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tự trau dồi nâng cao kỹ năng về ngoại ngữ, tin học để đạt một trình độ nhất định nào đó nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn hằng ngày.

Bên cạnh đó, ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, đối với việc sát hạch năng lực ngoại ngữ và tin học thì chúng ta cần hướng tới phân cấp toàn diện cho các cơ sở đào tạo. Quan trọng là công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm các cơ sở đào tạo này phải đủ năng lực, điều kiện và chất lượng.

“Khi các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện, không đủ năng lực, không bảo đảm chất lượng đào tạo thì phải thu hồi giấy phép đào tạo và dừng hoạt động”, ông Lợi nhấn mạnh.

Đào tạo đại học, cao đẳng nên thắt chặt “đầu ra”

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho biết, thực tế hiện nay các nước trên thế giới không đề cao chất lượng “đầu vào” của cấp đại học, cao đẳng mà chú trọng kết quả, và “thắt chặt” chất lượng của “đầu ra”.

“Chất lượng “đầu ra” chính là thước đo để đánh giá hiệu quả của quá trình đào tạo. Còn “đầu vào” ở các cấp đào tạo cao đẳng, đại học thì nên nới rộng để khuyến khích và bảo đảm tất cả mọi người đều có quyền được vào học”, ông Lợi nêu quan điểm.