Khô hạn gay gắt ở miệt rừng U Minh hạ

NDO -

NDĐT - Dù không bị sụt lún làm hư hỏng đường sá như vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, nhưng hạn hán gay gắt đã làm thiệt hại hơn 9.300 ha lúa của 5.585 hộ dân trên địa bàn huyện U Minh (tỉnh Cà Mau).

Đoàn công tác của UBND tỉnh Cà Mau kiểm tra ảnh hưởng khô hạn trên đồng lúa huyện U Minh.
Đoàn công tác của UBND tỉnh Cà Mau kiểm tra ảnh hưởng khô hạn trên đồng lúa huyện U Minh.

Chiều 12-2, báo cáo với đoàn công tác của UBND tỉnh Cà Mau ngay sau chuyến kiểm tra thực tế về công tác phòng, chống thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và tình hình ứng phó với dịch bệnh nCoV trên địa bàn huyện U Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Ngô Thanh Điền, cho biết: Trong tổng số hơn 9.300 ha lúa thiệt hại do hạn hán kéo dài, địa phương hiện có gần 3.000 ha thiệt hại từ 30-70%, số còn lại thiệt hại hơn 70%.

Cũng theo ông Điền, dù không bị sụt lún đất làm hư hỏng đường sá nhưng tình hình nắng nóng kéo dài đang gây áp lực lớn lên lâm phần rừng tràm U Minh hạ. Đến nay, tổng diện tích rừng khô hạn trên địa bàn huyện U Minh là hơn 33.600 ha. Trong đó, có hơn 14 nghìn ha báo cháy cấp IV và cấp V, tức cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.

Khô hạn còn gây khó khăn về nước sinh hoạt của người dân. Đến ngày 11-2 vừa qua, toàn huyện U Minh có 1.682 hộ dân thiếu nước và khó khăn về nước sạch sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống. Tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh Hội, Khánh Hoà và Khánh Thuận.

Khô hạn gay gắt ở miệt rừng U Minh hạ ảnh 1

Kiểm tra ảnh hưởng khô hạn trên đồng lúa huyện U Minh.

Trong công tác phòng chống dịch bệnh nCoV, đến nay, toàn huyện U Minh có 100% trụ sở làm việc và các điểm trường học trên địa bàn đều được phun hóa chất tiêu độc, khử trùng. Huyện cũng chưa ghi nhận cũng như cách ly ca nhiễm hoặc ca nghi nhiễm nào, tuy nhiên, trên địa bàn hiện còn 23 người nước ngoài đang lưu trú (12 người quốc tịch Trung Quốc) nhưng không có công dân nước ngoài đến từ vùng dịch.

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện U Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử yêu cầu chính quyền huyện U Minh không được lơ là, chủ quan mà tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch, giải pháp chống hạn và ứng phó với dịch bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh và Trung ương.

Trong vấn đề thiệt hại trà lúa trên đất nuôi tôm và trà lúa Đông-Xuân ở U Minh, ông Sử cho rằng, nguyên nhân một phần do vẫn còn nhiều nông hộ sử dụng những giống lúa dài ngày. Vì thế, ông Lê Văn Sử yêu cầu chính quyền và cơ quan chức năng huyện U Minh phải tính toán đến việc chuyển đổi cơ cấu giống phù hợp cho người dân để “né” hạn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: Hạn hán làm khô cạn kênh rạch gây nên khoảng 1.000 vị trí sụt lún, sạt lở tại Cà Mau từ đầu mùa khô năm 2020 đến nay. Trong đó, có khoảng 600 vị trí sụt lún, sạt lở liên quan đến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài hơn 21 km. Nhiều vị trí sụt lún làm hư hỏng đường huyết mạch, khiến cả giao thông đường bộ và đường thủy bị bế tắc.