Khát vọng Hạ Thanh

Ðứng giữa cánh rừng Hạ Thanh thuộc xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên, tỉnh Ðiện Biên, tôi có cảm giác như lạc vào khu rừng trong miền cổ tích. Cây to, cây nhỏ mọc theo lớp, theo tầng xanh tốt sum suê. Tiếng gió rì rào, tiếng lá xô vào nhau xào xạc như văng vẳng đâu đó "lời cây" kể chuyện: Gần 30 năm trước, 12 người cao tuổi đã về đây trồng rừng.

Các thành viên Tổ trồng rừng Hạ Thanh nhận nhiệm vụ.
Các thành viên Tổ trồng rừng Hạ Thanh nhận nhiệm vụ.

Những người "mở lối"

Lật từng trang cuốn sổ theo dõi danh sách thành viên Tổ trồng rừng Hạ Thanh, Tổ trưởng Lò Văn Cu thoáng chút trầm buồn. Ðiểm tên từng người trong số 12 người đã góp hạt trồng rừng gần 30 năm trước, giọng ông nghèn nghẹn: "12 người giờ còn năm. Một người chuyển đi, một người xin thôi, năm người không còn nữa. Những người còn lại giờ đều đã lớn tuổi như ngọn đèn trước gió!". Cứ như thế, chuyện về những người "mở lối" trồng rừng ở Hạ Thanh đưa chúng tôi ngược thời gian về Hạ Thanh mấy chục năm trước.

Ðó là một ngày cuối tháng 7 năm 1993, trong ngôi nhà sàn truyền thống dân tộc Thái của ông lão 63 tuổi Lò Văn Cu, ở bản Tông Khao, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên), có 12 người là hội viên hội người cao tuổi đã chụm đầu bàn chuyện trồng rừng.

Giọng nhẹ nhàng, ông Cu dẫn giải: "Các ông có nhớ, ngày trước ở đây bạt ngàn cây; đường đến trường ken dày bóng mát; nhà cửa, cơm ăn, áo mặc, nước uống... của dân bản đều từ rừng mà ra. Nhưng nay, bản mình và các bản On, Co Rốm, Co Pao, Phiêng Ban đều trơ trọi quá. Ðồi nào cũng trọc nhẵn như cạo; ruộng khô nứt nẻ như đường rắn bò, không cây gì sống nổi. Nếu cứ thế này không bao lâu nữa, con cháu chúng ta sẽ khổ vì khát, vì đói, vì khô hạn. Ngay cả chúng ta sẽ không thể tìm ra dù chỉ một gốc cây to để làm nơi cúng bản theo phong tục "xên bản - xên mường", trong khi truyền thuyết nghìn đời của dân tộc Thái vẫn nhắc, mỗi bản có cả một khu rừng thiêng làm nơi trú ngụ cho các đấng thần linh. Ðể tránh không bị con cháu trách, để xứng với công dựng bản của ông cha, theo tôi, chúng ta hãy cùng nhau trồng rừng!".

Nghe ông Cu nói, những người dự bàn hôm ấy đều nhất trí với quyết tâm trồng rừng. Và Tổ trồng rừng Hạ Thanh ra đời từ ngày đó. Theo yêu cầu của Tổ trưởng Lò Văn Cu, mỗi thành viên trong tổ đóng 5 kg hạt giống (hạt xoan) để ươm cho vụ trồng rừng năm 1994. Nhưng vì kỹ thuật đào hố, đặt hạt không đúng cho nên hạt gieo nhiều mà cây mọc chẳng bao nhiêu. Kỷ niệm lần đầu đi gieo hạt lại trở thành kinh nghiệm đeo đẳng ông Cu, ông Ơn, ông Nhói, ông Cột... cho đến bây giờ. Ông Lò Văn Cột, tâm sự: "Ngày đầu tháng 2 năm 1994, nhóm trồng rừng tình nguyện của chúng tôi gồm 12 người đã đem theo dao, cuốc và hạt xoan đi vào rừng. Gieo hết 60 kg hạt giống chúng tôi về nhà thì đã sang tháng 3. Hạt gieo rất nhiều song thành cây chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Khi ấy, nhiều người muốn bỏ cuộc, ông Cu đã động viên: "Thua keo này bày keo khác. Còn cây nào chúng ta chăm cây đấy. Cứ thử một vài lần nữa các ông ạ!".

Sau thất bại lần gieo hạt năm ấy, hằng ngày, thành viên Tổ trồng rừng Hạ Thanh vẫn vào rừng phát cỏ, vun từng gốc cây mà trong lòng nặng nỗi ưu tư. Những câu hỏi: "Trồng cây gì?", "Tiền đâu mua giống?"... cứ chờn vờn, đeo đẳng trong tâm trí mỗi người. Rồi một ngày nghe tin từ cán bộ xã Thanh Nưa cho biết, Chính phủ triển khai Dự án trồng rừng 327 thì các ông mừng lắm. Thể theo nguyện vọng của mọi người, một buổi họp bàn viết đơn xin cây giống trồng rừng được tổ chức tại nhà ông Cu. "Bắt đầu từ 7 giờ tối vậy mà khi xong lá đơn xin trồng rừng thì đồng hồ đã điểm 1 giờ ngày hôm sau. Truyền tay nhau lá đơn với 12 chữ ký, chúng tôi thầm mong sớm nhận được cây giống để trồng rừng", ông Lường Văn Nhói nhớ lại. Khi được xã đồng ý, huyện chấp nhận, nhóm 12 người cao tuổi ở Hạ Thanh đã vui như "cây lớn trong lòng". Có cây giống, diện tích rừng trồng lại được giao khoán "danh chính ngôn thuận", các ông thở phào coi như căn bản trút được nỗi lo.

Mô hình ban quản lý...tự nguyện

Nhắc chuyện của những ngày đi làm thủ tục xin trồng rừng, ông Lò Văn Cột đưa ánh mắt về phía ông Cu và nói như động viên: "Cái ngày làm thủ tục xin trồng, khoanh nuôi rừng theo chương trình dự án 327, ông Cu vất vả nhất. Rõ là rừng đã trồng, đã khoanh nuôi vậy mà khi cần thủ tục lại chẳng biết làm thế nào cho đúng cách. Mỗi lá đơn xin trồng, khoanh nuôi rừng cũng làm mãi không xong, cứ chạy đi chạy lại"... Khi chúng tôi hỏi về khoản kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho các ông trồng, khoanh nuôi rừng theo Dự án 327, ông Lò Văn Cu cho biết: Với rừng trồng, được hỗ trợ công trồng bốn năm, theo mức năm đầu 500.000 đồng/ha, năm thứ hai còn 400.000 đồng, năm thứ ba còn 300.000 đồng và đến năm thứ tư còn 200.000 đồng/ha. Với rừng khoanh nuôi thì tiền hỗ trợ chỉ là 37.000 đồng/ha/năm, mà chỉ hỗ trợ trong ba năm. Như vậy, với 42,7 ha rừng trồng, khoanh nuôi thì năm nhiều nhất chúng tôi cũng chỉ được hỗ trợ gần chục triệu đồng. Với chúng tôi, được trồng, chăm sóc rừng thật sự là niềm vui...

Sau gần chục năm trồng, chăm sóc, cánh rừng 42,7 ha đã mướt mải một mầu xanh, đem nguồn nước mát trong cho đồng ruộng. Ðể có thêm sức người bảo vệ rừng, mọi người đều được hưởng lợi từ rừng, với vai trò "sáng lập", các thành viên trong Tổ trồng rừng Hạ Thanh đã chia nhau đi gõ từng nhà khắp các bản Tông Khao, On, Phiêng Ban, Co Rốm, Co Pao, tuyên truyền, vận động người cao tuổi của các gia đình tham gia trồng, chăm sóc rừng. Ðược lời như mở tấm lòng, nhà nào nhà ấy ở năm bản đều nhiệt tình tham gia; có nhà còn nằng nặc xin đăng ký 100% thành viên được tham gia Tổ trồng rừng trong khi người đi vận động đã giải thích: "Tổ trồng rừng của người cao tuổi"! Theo cách làm đó và có sự giúp đỡ của cán bộ xã, thành viên Tổ trồng rừng Hạ Thanh đã tăng nhanh chóng từ 12 người ban đầu lên 30 người (năm 1995), 42 người vào năm 1996 và đến nay đã có 120 người. Thống nhất chung cho cách quản lý, điều hành, 100% thành viên Tổ trồng rừng Hạ Thanh đã bầu ban quản lý gồm năm người đại diện cho năm bản quản lý chung hoạt động của các tổ: Bảo vệ; phụ nữ; kiểm soát; tài chính. Theo phân công của ban quản lý, 120 thành viên được phân thành bốn tổ (mỗi tổ 30 người) luân phiên tuần tra, bảo vệ rừng theo tháng. Theo đó, mỗi tháng sẽ có một tổ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, hết một tháng lại bàn giao cho tổ khác trước sự chứng kiến của tổ bảo vệ và các thành viên thuộc ban quản lý. Khi các tổ bàn giao sẽ cùng nhau kiểm tra toàn bộ số cây, hiện trạng rừng; nếu xảy ra mất cây hoặc không tìm được người chặt phá thì các thành viên trong tổ phải cùng bồi thường theo đúng giá trị của cây hoặc diện tích rừng bị phá. Chính bởi quy định nghiêm nghặt với sự thống nhất cao cho nên theo thời gian, rừng Hạ Thanh ngày càng xanh tốt có tiếng không chỉ trong địa bàn xã Thanh Nưa mà còn nức tiếng trong toàn huyện. Nhiều người về thăm còn đề nghị bổ sung tên rừng Hạ Thanh vào danh sách điểm du lịch sinh thái của địa phương để đầu tư thu hút du lịch và cũng để "làm mẫu" cho cách giữ rừng.

Rừng xanh đền đáp công người

Từ khoảng cuối năm 2004, đầu 2005 (tức là khi rừng Hạ Thanh trồng, khoanh nuôi được 10 năm), các thành viên Ban quản lý rừng Hạ Thanh đã bàn đến phương thức hình thành "quỹ rừng" để hỗ trợ hội viên. Nguồn chính của quỹ chính là số tiền hơn 20 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ công trồng, khoanh nuôi mà các ông đã "tích góp" những năm qua. Nguồn bổ sung hằng năm chính là số tiền bán sản phẩm phụ, như: măng tre, cây sặt hay đôi khi là những cành khô trong rừng... Số tiền thu được không nhiều nhưng cũng giúp được một vài hội viên, như các ông: Lò Văn Inh, Lò Văn Chinh... có được đồng ra đồng vào những lúc khó khăn và đôi khi cũng giúp người nghèo qua cơn bạo bệnh. Như ông Lò Văn Inh - một trong những thành viên cao tuổi, hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, tạo điều kiện hết mức mà ngay bản thân ông vẫn nghĩ: "Nếu không có nguồn quỹ Tổ trồng rừng Hạ Thanh hỗ trợ thì cả đời vẫn không thể làm nổi ngôi nhà đủ để che nắng tránh mưa". Hay như trường hợp ông Lò Văn Chinh ở bản Tông Khao cũng thế, nhờ có vốn của Tổ trồng rừng Hạ Thanh cho vay ông Chinh đã đầu tư chăn nuôi, sản xuất, nhờ đó kinh tế gia đình dần ổn định. Ðến bây giờ, dù ông Chinh không còn nữa nhưng người nhà ông vẫn nhớ mãi "đồng vốn không lời" và càng thấm thía hơn tình nghĩa của thành viên Tổ trồng rừng Hạ Thanh.

Năm tháng qua đi, "quỹ rừng" ngày càng nhiều lên và danh sách hội viên được vay vốn cũng ngày càng dày hơn. Với hơn 100 triệu đồng "quỹ rừng" hiện có, mỗi năm các thành viên trong Ban quản lý quỹ đều lập danh sách cho hàng chục thành viên luân phiên vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Cũng từ nguồn quỹ, mỗi năm các thành viên Ban quản lý rừng Hạ Thanh còn được đi tham quan các điểm di tích trong tỉnh và đi học hỏi kinh nghiệm các địa phương lân cận.

Trước lúc chia tay các ông - thành viên Tổ trồng rừng Hạ Thanh, tôi mới tò mò hỏi ông Cu về nghĩa từ Hạ Thanh, thì ông kể: Lâu lắm rồi, bước chân thiên di đã đưa năm (hạ) hộ người Thái đến đây lập mường dựng bản. Trên vùng đất xanh (Thanh) rừng xanh núi, từ năm hộ đầu tiên ấy sau thành năm bản: Tông Khao, On, Phiêng Ban, Co Rốm, Co Pao đều thuộc thôn Hạ Thanh. Chỉ có điều tỷ lệ nghịch với số dân, số bản thì mấy chục năm trước rừng Hạ Thanh đã không còn xanh và núi Hạ Thanh trơ một mầu đất đỏ. Bởi vậy mà chúng tôi mới đêm từng đêm trằn trọc về khát vọng phủ xanh rừng xanh núi Hạ Thanh...