Khẩn trương giúp người dân ổn định đời sống và sản xuất sau mưa lũ

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1650/QĐ-TTg về việc xuất cấp hóa chất khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Bộ Y tế. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế xuất cấp không thu tiền 6,7 triệu viên sát khuẩn nước Aquatabs 67 mg từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Bộ Y tế để cấp cho các đơn vị phòng, chống dịch bệnh.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp cận hiện trường thủy điện Rào Trăng 3 bằng đường thủy.Ảnh: CÔNG HẬU
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp cận hiện trường thủy điện Rào Trăng 3 bằng đường thủy.Ảnh: CÔNG HẬU

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hồi 22 giờ ngày 24-10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,6 độ vĩ bắc; 111,1 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150 km về phía bắc tây bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (75 đến 100 km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50 km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ sau đó, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được  15 đến 20 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 25-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,5 độ vĩ bắc; 106,9 độ kinh đông, trên vùng bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (40 đến 60 km/giờ), giật cấp 9. Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,5 đến 20,0 độ vĩ bắc; phía tây kinh tuyến 113,5 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía tây khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 5 đến 6 m; biển động rất mạnh. 

Từ đêm 24-10 đến 26-10, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50 đến 150 mm/đợt. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ngày 24-10, ở vùng biển phía đông Phi-li-pin có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động. Hồi 19 giờ ngày 24-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,3 độ vĩ bắc; 128,7 độ kinh đông, cách bờ biển miền trung Phi-li-pin khoảng 460 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 đến 60 km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ sau đó, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19 giờ ngày 25-10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,6 độ vĩ bắc; 124,1 độ kinh đông, trên vùng bờ biển phía tây miền trung Phi-li-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (60 đến 90 km/giờ), giật cấp 11. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20 đến 25 km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm.

* Sáng 24-10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) họp ứng phó bão số 8. Theo đó, yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 8 và mưa lũ. Quản lý chặt chẽ các tàu thuyền ra khơi, chú ý bảo đảm an toàn cho tàu vận tải, tàu vãng lai, các hoạt động du lịch, sản xuất nuôi trồng thủy hải sản. Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm. Tiếp tục tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống và nhu yếu phẩm thiết yếu đối với những gia đình bị thiệt hại. Những nơi nước lũ đi qua hỗ trợ người dân dọn vệ sinh nhà ở, trường lớp, xử lý môi trường…

* Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 24-10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 tàu với 289.298 lao động biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm. 

* Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, tính đến 17 giờ ngày 24-10, mưa lũ đã làm 123 người chết, 19 người mất tích.

* Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 điều động 8.984 cán bộ chiến sĩ và dân quân tự vệ, 262 phương tiện phối hợp lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sáu tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tìm kiếm người mất tích, vận chuyển trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, lương thực, thực phẩm.

* Hơn 16 giờ chiều 24-10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ năm. Sáng cùng ngày, các lực lượng đã đưa tất cả các phương tiện xe múc, xe ủi, xe ben (khoảng 10 chiếc) vào Thủy điện Rào Trăng 3 để đẩy nhanh công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích.

* Tại Quảng Bình, đến ngày 24-10, toàn tỉnh cơ bản đã hết các nhà bị ngập do lũ lụt. Các tuyến đường giao thông đã thông thoáng, không có xã bị cô lập, chia cắt. Công tác khắc phục hậu quả sau lũ lụt, công tác hỗ trợ, cứu trợ lương thực, thực phẩm… được các đơn vị, tập thể, cá nhân khẩn trương thực hiện. Ngành điện Quảng Bình đã cấp điện cho gần 90% số khách hàng trong tỉnh. 

* Ngày 24-10, UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, vừa tìm thấy thi thể ba người trong nhóm đi rừng bị mất tích ở thôn Bồng Lai 2, xã Hưng Trạch. Đó là ông Nguyễn Văn Hạnh (53 tuổi), Nguyễn Văn Sáng (33 tuổi) và Nguyễn Văn Lý (60 tuổi).  Trước đó ngày 23-10, huyện nhận được thông tin từ xã Hưng Trạch về việc có bốn người quê ở thôn Bồng Lai 2 đi rừng từ trước ngày 15-10 chưa về, liên lạc không được, nghi mất tích. Ngay sau đó, UBND huyện chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm thì tìm được thi thể anh Nguyễn Văn Sơn (47 tuổi). Đại diện lãnh đạo UBND huyện đến thăm, hỗ trợ mỗi gia đình có người chết năm triệu đồng. 

* Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình, trận mưa lũ vừa qua, toàn ngành có 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập nước; cơ sở vật chất, sách, vở, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho học sinh… bị hư hỏng, trôi dạt theo mưa lũ. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 370 tỷ đồng.

* Công ty Giống cây trồng Quảng Bình phối hợp Công ty cổ phần Chế biến nông sản Tamico (CBNS TAMICO) đưa dây chuyền sấy vào hoạt động để sấy lúa bị ướt nhằm giảm thiệt hại cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, với thời gian 48 giờ đồng hồ, dây chuyền sẽ sấy được 350 tấn lúa. 

* Toàn tỉnh Quảng Trị có 41 trạm y tế bị ngập lụt, 43 trạm y tế bị hư hỏng. Để hỗ trợ ngành y tế tỉnh khắc phục hậu quả bão lũ, đoàn công tác của Bộ Y tế đã tặng ngành y tế Quảng Trị 100 cơ số thuốc, 700.000 viên khử khuẩn nước Aquatabs; 50 bộ dụng cụ phòng, chống lụt bão, 600 kg sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em và 100 triệu đồng.

* Ngày 24-10, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đã đến thăm, động viên, chia sẻ với ngành GD và ĐT các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh bị ảnh hưởng của mưa, lũ. Đoàn kiểm tra thực tế tại một số trường học ở Quảng Bình, Hà Tĩnh; thăm hỏi, động viên các thầy giáo, cô giáo, lực lượng bộ đội, người dân… đang dọn dẹp vệ sinh, khắc phục thiệt hại do mưa, lũ tại các trường học.  Bộ trưởng GD và ĐT lưu ý các trường tích cực thăm hỏi, động viên học sinh, không để học sinh nào vì khó khăn không thể đến lớp sau lũ. Bộ trưởng lưu ý, các trường học có thể linh hoạt giãn chương trình, để học sinh được học nhẹ nhàng; tránh tình trạng dồn ép, bảo đảm học sinh tiếp thu được các kiến thức cơ bản, đồng thời có kế hoạch củng cố kiến thức cho học sinh sau đợt nghỉ do mưa lũ. 

Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đại diện các đơn vị liên quan đã trao số tiền gần 1,2 tỷ đồng hỗ trợ ngành GD và ĐT hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Đoàn công tác cũng đến thăm, động viên gia đình hai cô giáo có chồng là cán bộ chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4) hy sinh trong đợt mưa lũ vừa qua.

* Sau ba ngày phát động, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) và các đơn vị trực thuộc đã quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh miền trung khắc phục hậu quả lũ lụt với tổng số tiền đợt một là 1 tỷ đồng (gồm tiền mặt và sách giáo khoa). Tại nhiều trường học thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, nước lũ đã làm hư hỏng hầu hết sách vở, đồ dùng học tập của học sinh, NXBGDVN sẽ phối hợp chính quyền các địa phương khảo sát thiệt hại và tiếp tục hỗ trợ người dân, đặc biệt là học sinh vùng lũ. NXBGDVN cũng đang gấp rút chuẩn bị bổ sung sách giáo khoa phục vụ học sinh quay trở lại trường học tập...

Nhiều hoạt động hỗ trợ đồng bào miền trung 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị 10 tấn xúc xích và thịt viên, 2.000 bếp cồn, 400 triệu đồng; xuất cấp 30.000 lít và 20 tấn hóa chất khử trùng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; chỉ đạo chuẩn bị hạt giống để sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh khôi phục sản xuất ngay sau khi lũ rút. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tiếp nhận 4,24 tỷ đồng tiền mặt, 540.000 USD và các mặt hàng nhu yếu phẩm cứu trợ khẩn cấp cho các tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao hỗ trợ ngành giáo dục Quảng Bình 200 triệu đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận số tiền khoảng 1,3 tỷ đồng ủng hộ đồng bào các tỉnh miền trung. Tính đến chiều 24-10, hàng trăm người dân trong tỉnh Sóc Trăng đã làm hơn 10.000 chiếc bánh tét kịp thời gửi tặng hỗ trợ đồng bào vùng lũ miền trung. Hàng nghìn người ở các xã, thị trấn, lực lượng vũ trang, học sinh, cán bộ tại huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã tham gia ủng hộ 935 triệu đồng cùng nhiều tấn nhu yếu phẩm gửi đến người dân miền trung. TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã tiếp nhận số tiền hơn 357 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền trung ngay trong lễ phát động quyên góp. Đại sứ quán Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len đã tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền trung, tổng số tiền quyên góp được tại buổi lễ là hơn 5.000 bảng Anh.