Kêu gọi 46 tàu ra khỏi khu vực nguy hiểm, cho người lao động nghỉ việc tránh bão

NDO -

Sáng 28-10, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, thiệt hại lớn nhất do bão số 9 gây ra đến 5 giờ sáng nay là hai tàu bị chìm, hiện chưa có thông tin về thiệt hại khác. Đến 5 giờ sáng, còn 46 tàu và 368 thuyền viên của Bình Định đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các công sở, nhà máy, xí nghiệp cho người lao động nghỉ việc ngày 28-10, trừ các lực lượng thực thi nhiệm vụ phòng, chống bão

Mưa gió tại Kon Tum vào 8 giờ sáng 28-10 do ảnh hưởng của bão số 9. Phụ huynh đang đón học sinh trở về nhà tránh bão. Ảnh: HOÀNG PHÚC THẮNG.
Mưa gió tại Kon Tum vào 8 giờ sáng 28-10 do ảnh hưởng của bão số 9. Phụ huynh đang đón học sinh trở về nhà tránh bão. Ảnh: HOÀNG PHÚC THẮNG.

Hai tàu cá bị chìm do bão số 9, 26 ngư dân mất tích

Trước đó, vào lúc 22 giờ đêm 27-10, có 92 tàu và 668 thuyền viên đang trong khu vực nguy hiểm.

Chiều 27-10, hai tàu cá gặp nạn đã bị chìm, 26 thuyền viên mất tích.

Cụ thể, tàu BĐ96388-TS với 12 thuyền viên bị chìm lúc 13 giờ 30 phút ngày 27-10 tại khu vực 12,43 độ vĩ bắc, 111,27 độ kinh đông, cách bờ Phú Yên 330 km về phía đông.

Tàu BĐ97469-TS với 14 thuyền viên bị chìm tại 12,17 độ vĩ bắc, 112,8 độ kinh đông, cách Hòn Tre (Khánh Hòa) 310 km.

Các lực lượng đang thông báo cho các tàu hoạt động gần khu vực trên tham gia tìm kiếm người mất tích.

Ngoài ra, còn tàu cá BĐ 98658TS với 12 thuyền viên ở 12,43 độ vĩ bắc, 111,27 độ kinh đông, cách đông đông bắc Nha Trang, Khánh Hòa 135 hải lý, không thể di chuyển.

Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 yêu cầu tìm kiếm cứu nạn hai tàu bị chìm của Bình Định. Kiên quyết kêu gọi 46 tàu của Bình Định ra khỏi khu vực nguy hiểm. Bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực tại khu vực bão đổ bộ để cứu hộ tàu khi có sự cố. Tổ chức quản lý thực hiện nghiêm lệnh cấm biển đã ban hành.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, để ứng phó với bão, các địa phương chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với ngành giao thông tổ chức phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông. Các địa phương từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định cấm các phương tiện lưu thông từ tối 27-10. Các công sở, nhà máy, xí nghiệp cho người lao động nghỉ việc ngày 28-10, trừ các lực lượng thực thi nhiệm vụ phòng, chống bão số 9.

Hiện các hồ chứa trong 10 liên hồ chứa đã đưa về mực nước trước lũ theo quy định, riêng hồ Đăk Ring trên lưu vực sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi hiện lớn hơn mực nước cao nhất trước lũ, dự kiến đến chiều 28-10 sẽ đưa về mực nước quy định.

Sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về Phòng, chống thiên tai Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Nguyễn Xuân Cường đi thị sát về phòng, chống bão số 9.

Để phòng chống bão, Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 yêu cầu sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ trên đất liền. Rà soát và triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, nguy cơ cao ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét.

Lãnh đạo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó bão trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tăng cường công tác truyền thông, nắm bắt và triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn qua thông tin từ người dân qua hệ thống tin nhắn, Zalo, Facebook...

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư khắc phục các sự cố đê biển; hệ thống lưới điện, thông tin, ưu tiên cho công tác chỉ đạo điều hành, cứu hộ cứu nạn, y tế,...

Tập trung công tác khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường ngay sau khi bão tan.

Theo dõi, giám sát và vận hành hệ thống hồ chứa hồ chứa bảo đảm an toàn công trình và cắt giảm lũ cho hạ du.

Khẩn trương ứng phó bão số 9