Kết nối trục giao thông huyết mạch của Thủ đô

Sau hơn một năm triển khai, dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (đường vành đai 3 trên cao, giai đoạn 2) đang dần thành hình hài một tuyến cao tốc bốn làn xe hiện đại, khớp nối đồng bộ với tuyến đường vành đai 3 trên cao (giai đoạn 1) và đường Phạm Văn Đồng (phía dưới). Tất cả các gói thầu đều được thi công bảo đảm sát tiến độ đề ra, phấn đấu đưa vào khai thác trong tháng 10-2020, một số hạng mục được điều chỉnh thiết kế hiệu quả hơn.

Các đơn vị nhà thầu huy động phương tiện, nhân lực thi công cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, phấn đấu hoàn thành vào tháng 10-2020.
Các đơn vị nhà thầu huy động phương tiện, nhân lực thi công cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, phấn đấu hoàn thành vào tháng 10-2020.

Quản lý chặt chẽ chất lượng công trình

Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) Dương Viết Roãn cho biết, công trình xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 (Hà Nội) có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, bằng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước, do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Tuyến đường có quy mô đạt tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe, chiều dài cầu và đường dẫn gần 5,4 km, trong đó riêng phần cầu cạn dài hơn 4,8 km. Tại vị trí hai nút giao Hoàng Quốc Việt và Tây Thăng Long (nút giao theo quy hoạch) bố trí kết cấu cầu thép dài hơn 400 m. Để xây dựng tuyến đường này, TP Hà Nội đã di chuyển, chặt hạ gần 1.200 cây xanh. Sau hơn một năm triển khai, thời điểm hiện tại, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã tiếp nhận toàn bộ mặt bằng từ TP Hà Nội, bàn giao cho nhà thầu thi công, đồng thời Sở GTVT Hà Nội đã có thông báo (cấp phép rào chắn) cho nhà thầu thi công trên toàn bộ phạm vi công địa được bàn giao. “Ban Quản lý dự án Thăng Long đang quyết liệt chỉ đạo nhà thầu, đồng thời phối hợp các ban, ngành của TP Hà Nội để triển khai dự án đối với các vị trí có chung phạm vi thi công với dự án đường Phạm Văn Đồng bên dưới. Hiện nay, tiến độ gói thầu số 1 đạt hơn 30%, còn gói thầu số 2, các đơn vị thi công đã hoàn thành khoảng 35%. Do nỗ lực thúc đẩy nhanh giải tỏa mặt bằng TP Hà Nội thời gian qua, việc bàn giao công địa phù hợp quá trình thi công, cho nên tiến độ dự án cơ bản bám sát yêu cầu. Theo hợp đồng đã ký, dự án sẽ hoàn thành sau 28 tháng thi công, dự kiến kết thúc vào tháng 10-2020”, ông Dương Viết Roãn cho biết.

Tại công trường, dù giữa trời nắng nóng nhưng từng tốp công nhân vẫn miệt mài hàn khung sắt bệ đỡ xà mũ để chuẩn bị thực hiện việc lao lắp dầm tại một số trụ đã hoàn thành. Kỹ sư Phạm Hoàng Giang, tư vấn giám sát OCG-TEDI gói thầu số 1 cho biết, nhà thầu đã tiến hành thi công đào cọc khoan nhồi, làm thân bệ trụ, xà mũ, đúc và lao dầm Super T,... “Lao lắp dầm Super T sẽ được thực hiện vào ban đêm từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau để hạn chế ùn tắc giao thông. Khi xe vận chuyển dầm đến, nhà thầu chỉ được phép chặn đường tạm thời trong khoảng 15 phút để nhấc dầm lên xà mũ của trụ. Mỗi phiến dầm nặng khoảng 68 đến 70 tấn, bình quân thời gian vận chuyển một dầm từ bãi đúc đến vị trí lao lắp khoảng hai giờ. Tuy nhiên, nhà thầu thường lao lắp hai phiến liên tiếp gối nhau, nên thời gian lao lắp những phiến dầm sau sẽ rút ngắn chỉ còn 30 phút”, kỹ sư Giang cho hay. Theo Trưởng phòng Điều hành dự án 1 (Ban Quản lý dự án Thăng Long) Phạm Anh Tú, do tuyến đường Phạm Văn Đồng có đặc thù vừa thi công vừa phải phục vụ giao thông, cho nên các hàng rào bao quanh dự án được làm rất chắc chắn, buổi tối có đèn tín hiệu cảnh giới người tham gia giao thông. Các nhà thầu kiểm soát, quản lý chất lượng chặt chẽ, tư vấn giám sát và chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra giám sát công trình, nếu có bất kỳ vướng mắc nào sẽ lập tức điều chỉnh để bảo đảm chất lượng công trình tốt nhất.

Kết nối đồng bộ

Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Dương Viết Roãn cho hay, do đây là trục huyết mạch, có lưu lượng phương tiện lớn, các đơn vị đã nghiên cứu thiết kế kỹ lưỡng, khoa học, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả hơn so giai đoạn trước. Đoạn cầu cạn mới có sáu nhánh lên xuống, theo thiết kế cũ sử dụng loại dầm Super T, hiện tại được điều chỉnh lại, sử dụng dầm bản rỗng gọn nhẹ, đáp ứng yêu cầu mỹ thuật. Gầm cầu cạn trước đây chỉ làm dải phân cách trồng cỏ, nhưng sau này, đoạn từ Mai Dịch tới Nam Thăng Long sẽ được bố trí từ 2 đến 3 làn xe con và xe buýt, nhằm phát huy hiệu quả giao thông và tránh lãng phí quỹ đất. Dự án sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hạ tầng giao thông, giải quyết ùn tắc trên tuyến đường Phạm Văn Đồng và các nút giao thông lân cận, kết nối trục giao thông quan trọng của Hà Nội với các địa phương khác.

Tuy nhiên, khi dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long hoàn thành, thì “nút thắt” lớn nhất của trục giao thông này chính là cầu Thăng Long có tuổi đời hơn 35 năm. Năm 2009 và 2013, Bộ GTVT đã hai lần sửa chữa lớn mặt cầu, kinh phí bỏ ra khá lớn nhưng không thể khắc phục được triệt để. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo mời chuyên gia Nga từng thiết kế, xây dựng cầu Thăng Long nghiên cứu, lên phương án sửa chữa với mục tiêu bền vững ít nhất trong 10 năm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, các phương án sửa chữa do Tổng cục ĐBVN đề xuất đều có nhược điểm không bảo đảm chắc chắn tính bền vững và không khắc phục toàn diện, triệt để hư hỏng. Cục Quản lý đường bộ I được giao tiếp tục duy tu, bảo dưỡng thường xuyên mặt cầu. Gần đây nhất, các đơn vị đã xử lý hơn 1.800 m2 mặt cầu bị ổ gà, hư hỏng. Cục trưởng Quản lý đường bộ I Trần Hưng Hà cho biết, ban đầu, việc cào bóc, dặm vá ổ gà có khối lượng hơn 1.300 m2 hoàn thành cuối tháng 5, tuy nhiên sang đầu tháng 6, nắng nóng và mưa lớn cho nên mặt cầu lại tiếp tục bị bong bật hơn 500 m2 nữa, nhà thầu phải dặm vá tiếp và hoàn thành vào ngày 10-6. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, Tổng cục ĐBVN vẫn chưa có phương án tốt nhất. Cục trưởng Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục ĐBVN) Nguyễn Trung Sỹ cho biết: Tổng cục đã mời chuyên gia Nga sang khảo sát thực tế, tuy nhiên phương án vẫn chưa thật sự khả quan. Nhanh nhất phải hơn một tháng nữa, mới có thể chốt được giải pháp tổng thể.

Mặc dù chưa có phương án cuối cùng, nhưng nếu Bộ GTVT vẫn chỉ tính đến việc sửa chữa mặt cầu theo kiểu chắp vá từng làm như trước đây, sẽ không phải là giải pháp căn cơ lâu dài. Mặt bản thép sau gần 35 năm sử dụng giống một tấm áo đã cũ, sẽ không thể bảo đảm tính bền vững. Qua tham khảo ý kiến, nhiều chuyên gia giao thông đều nghiêng về phương án cần nghiên cứu, dỡ bỏ hoàn toàn mặt bản thép cũ để làm lại hệ dầm, “thay áo mới” cho cầu Thăng Long. Hiện tại, giao thông từ nội đô đi sân bay đã có cầu Nhật Tân gánh vác, ngoài ra, khu vực này đang là công trường thi công dự án cầu cạn và đường Phạm Văn Đồng. Vì thế, càng triển khai sửa chữa toàn diện, triệt để mặt cầu Thăng Long sớm bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu, thậm chí có thể tranh thủ thời cơ này đóng cầu, làm cầu phao tạm để tập trung sửa chữa một cách dứt điểm. Chỉ hơn một năm nữa, khi tuyến đường vành đai 3 trên cao hoàn thành toàn bộ, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, lúc đó mới sửa chữa cầu sẽ dẫn tới ùn tắc nghiêm trọng, thiệt hại lớn cho xã hội.