Hưng Yên tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Trong 5 năm qua, tỉnh Hưng Yên đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo bước phát triển đột phá, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều loại nông sản; sản xuất nông nghiệp từng bước tiếp cận mô hình sản xuất hiện đại và an toàn; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân.

Nông dân xã Tân Dân (huyện Khoái Châu) đầu tư trồng cam, cho thu nhập cao khoảng 350 triệu đồng/ha/năm.
Nông dân xã Tân Dân (huyện Khoái Châu) đầu tư trồng cam, cho thu nhập cao khoảng 350 triệu đồng/ha/năm.

Bí thư Đảng ủy xã Tam Đa (huyện Phù Cừ) Đào Xuân Dục cho biết: Xã Tam Đa là vùng đất chiêm trũng, nhưng có cây vải lai chín sớm hơn so vải chính vụ khoảng nửa tháng, quả to ngon. Vải đầu mùa thường có giá cao, đây chính là lợi thế và giá trị của cây vải lai chín sớm. Cấp ủy, chính quyền xã và  thôn Tam Đa đã bàn bạc, quy hoạch, cùng nông dân nhân giống, mở rộng diện tích cây vải lai chín sớm. Với quyết tâm làm giàu từ đất, cả thôn Tam Đa đã đồng lòng thực hiện chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa sang trồng cây vải lai chín sớm. Thành công từ chuyển đổi cây trồng ở thôn Tam Đa, cây vải lai chín sớm tiếp tục được nhân rộng ra các thôn khác, diện tích tăng nhanh, lên đến 250 ha, được trồng thành vùng, chăm sóc theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, quả vải lai chín sớm đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu Vải lai chín sớm Phù Cừ, nên luôn được giá, mang lại nguồn thu lớn cho nông dân từ 200 đến 250 triệu đồng/ha/năm, gấp khoảng ba lần cấy lúa, đời sống người nông dân từng bước được cải thiện.

Huyện Khoái Châu thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong nhiều năm, với hàng nghìn héc-ta được chuyển sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, theo  hướng phát huy thế mạnh từng địa phương, từng vùng, gắn với thị trường. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Văn Đạt chia sẻ: Hiện, nhiều nông dân năng động, sáng tạo và có chí làm giàu. Họ đi nhiều nơi tìm hiểu thị trường, cây, con giống… Qua đó, họ về tổ chức sản xuất, tuyển chọn, nhân rộng những giống cây trồng, vật nuôi vốn là sản vật của địa phương, hoặc mua giống từ nơi khác về nuôi trồng theo phương thức sản xuất hàng hóa. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đơn lẻ, hiệu quả của những hộ nông dân được các tổ chức hội, đoàn thể và cấp chính quyền địa phương xây dựng thành mô hình sản xuất điển hình, hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật, giống, vốn và được nhân rộng ra thôn, xã, theo quy hoạch vùng sản xuất; được tỉnh, huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm… Từ đó, hình thành các vùng chuyên canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Vùng sản xuất nhãn với tổng diện tích hơn 1.600 ha, chủ yếu là giống nhãn chín muộn tập trung ở các xã: Hàm Tử, Đông Kết, Dạ Trạch... cho thu từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/ năm. Vùng trồng chuối ở các xã: Tứ Dân, Tân Châu, Đại Tập, Đông Ninh… với diện tích khoảng 910 ha, cho thu khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Vùng sản xuất các loại cây có múi (cam, bưởi) khoảng 716 ha, trồng tập trung tại các xã: Tân Dân, Dân Tiến, Dạ Trạch, Đông Tảo, Phùng Hưng... cho thu từ 300 đến 400 triệu đồng/ha/năm. Vùng sản xuất cây dược liệu ở xã Bình Minh, Đông Tảo, Đông Kết, Tân Dân; vùng sản xuất nghệ tại xã Chí Tân, Thuần Hưng, Đại Hưng, Liên Khê, Đại Tập; vùng chăn nuôi gà Đông Tảo ở xã Đông Tảo và Dạ Trạch; vùng chăn nuôi bò thịt, bò sữa ở các xã ven đê: Đông Kết, Đại Tập, Tứ Dân...

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Hưng Yên triển khai nhiều đề án, dự án phát huy hiệu quả cao như: Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM gắn với sản xuất nông sản hữu cơ trên cây trồng; phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa cây cảnh hàng hóa tập trung; chăn nuôi bò hàng hóa chất lượng cao… Những chương trình này được các cấp ủy, chính quyền và nông dân trong tỉnh thực hiện triển khai hiệu quả đã tạo bước phát triển đột phá, có sức lan tỏa trong sản xuất nông nghiệp; từ nền sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, manh mún chuyển sang sản xuất hàng hóa nông sản, quy mô ngày càng lớn; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo quy hoạch, gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng thời tiết khí hậu; góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên tăng trưởng bình quân 2,7%/năm. Cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực, tỷ trọng trồng trọt 42% - chăn nuôi, thủy sản 55,5% - dịch vụ nông nghiệp 2,5%. Ngành nông nghiệp đã xây dựng được gần 500 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; có khoảng 2.000 ha rau màu, cây ăn quả sản xuất theo quy trình VietGAP; có 54 sản phẩm được công nhận OCOP, giá trị thu bình quân trên một héc-ta canh tác đạt hơn 210 triệu đồng/năm. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang phương thức chăn nuôi trang trại, bán công nghiệp và công nghiệp. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm, tăng 16 triệu đồng/người/năm, so năm 2015. 

Những thành tựu tái cơ cấu nông nghiệp ở tỉnh Hưng Yên trong thời gian qua chỉ là bước đầu. Trong quá trình phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng cao hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Minh Tuân, hiện nay doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là doanh nghiệp phát triển liên kết sản xuất chưa nhiều. Hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác nhìn chung còn thấp, chưa thể hiện rõ vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế hộ. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống; việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm nông sản chất lượng, có sức cạnh tranh và giá trị cao còn hạn chế. Sản xuất hàng hóa tuy đã đạt được kết quả khả quan, song sản lượng chưa nhiều, chất lượng chưa ổn định, chưa tạo tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa; liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, nhất là liên kết giữa người nông dân và thị trường tiêu thụ; quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ, chưa có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại điển hình, quy mô lớn; chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Hệ thống kết cấu hạ tầng, như: thủy lợi, cơ sở sản xuất, dịch vụ, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, công tác xúc tiến thương mại... chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. 

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết, để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, bền vững, thời gian tới tỉnh tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả Đề án khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy mô lớn; kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung, đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại gắn với chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Tập trung phát triển mạnh sản xuất các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường hợp tác liên doanh, liên kết; đa dạng hóa trong phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững... Đồng thời đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh đầu tư vào nông nghiệp theo hình thức doanh nghiệp đầu tư toàn bộ vốn, giống, quy trình sản xuất, thu mua nông sản; nông dân là những người chủ đất đai, sản xuất theo hợp đồng với doanh nghiệp.