Họp khẩn ứng phó áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão

NDO -

Sáng 1-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban thường trực chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cuộc họp ứng phó áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão sáng 1-8.
Cuộc họp ứng phó áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão sáng 1-8.

Cuộc họp được tổ chức trực tuyến với các bộ, ngành và 21 tỉnh, thành phố ven biển và Tây Nguyên để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.

 Mưa bão khi dư chấn động đất dễ xảy ra tình huống nguy hiểm 

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cho biết, hiện nay còn 1.642 tàu với 8.968 lao động còn trong khu vực nguy hiểm; 319 hồ chứa thủy lợi và 221 vị trí trọng điểm xung yếu đê cấp III đến cấp đặc biệt cần đặc biệt lưu ý trong mùa mưa lũ.

Bên cạnh đó, ngày 27-7 đã xảy ra trận động đất với cường độ 5,3 độ (rủi ro thiên tai cập độ 4 tại Sơn La) và từ đó đến ngày 1-8 tiếp tục xảy ra 19 dư chấn với cường độ từ 2,5-4,0 độ, nếu có mưa lũ lớn, hồ chứa đầy nước sẽ dẫn đến tình huống nguy hiểm.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão với cường độ mạnh nhất có khả năng đạt cấp 8, giật cấp 10. Dự báo thời gian đổ bộ vào bờ là từ sáng đến chiều 2-8 tại khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa với cường độ cấp 7-8, giật cấp 9-10.

Do ảnh hưởng, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có mưa từ 80-150mm/đợt. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị mưa: 200-400mm/đợt; Bắc Bộ mưa: 200-350mm/đợt tập trung ở đồng bằng và ven biển; Tây Nguyên và Nam Bộ: 100-150mm/đợt riêng Bắc Tây Nguyên 150-250mm/đợt.  

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An Quảng Bình, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng và ngập úng cục bộ tại các khu vực đô thị.

Triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó

Phát biểu tại cuộc họp Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo nhận định nếu áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão đổ bộ vào nước ta thì đây là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp vào đất liền đi qua vùng biển phía Bắc và vịnh Bắc Bộ. Khu vực này hiện có rất nhiều tàu cá và tàu du lịch đang hoạt động.

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão sẽ kèm theo mưa lớn diện rộng, một số nơi mưa rất lớn như khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị trên 500mm/đợt, khu vực Bắc Bộ trên 400mm/đợt, khu vực Bắc Tây nguyên trên 350mm/đợt. Đây là những khu vực có nhiều trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ đập. Do đó, tuyệt đối không được chủ quan, triển khai quyết liệt các biện pháp, giải pháp ứng phó.

Họp khẩn ứng phó áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão -0
Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão đổ bộ vào thời điểm triều cường, có khả năng gây mưa lũ lớn diện rộng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Đối với tuyến biển, cần khẩn trương hướng dẫn di chuyển cho 1.642 tàu thoát khỏi ngoài vùng biển nguy hiểm, bố trí nơi tránh trú an toàn; hướng dẫn các tàu vào bờ neo đậu an toàn, lưu ý tàu vận tải, tàu du lịch ven bờ và tàu vãng lai; bảo đảm an toàn khách khu lịch nhất là trên đảo, khu ven biển.

Rà soát, kiểm soát, có biện pháp bảo vệ lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.

Trên đất liền, tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn, khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất; phát hiện, xử lý vật cản gây tắc nghẽn dòng chảy để giảm nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ, lũ ống, lũ quét khi mưa lớn; chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Kiểm tra, rà soát các vị trí đê điều xung yếu, các hồ chứa không an toàn, nhất là các hồ chứa nhỏ, hồ chứa hư hỏng, đang thi công. Kiên quyết không cho tích nước đối với các hồ chứa chưa bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, trang thiết bị sẵn sàng xử lý sự cố.

Kiểm tra, rà soát các khu vực hầm mỏ, khu vực khai thác khoảng sản, bãi thải, đặc biệt là các vị trí gần khu dân cư, đề phòng mưa lũ gây sập hầm, sạt lở đất.

Kiểm soát tuyến giao thông qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; cử người canh gác, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại; tuyệt đối không được để người dân đi vớt củi trên sông, suối khi có mưa lũ.

Bảo vệ sản xuất, mùa màng, tập trung thu hoạch sớm đặc biệt là vụ lúa hè thu đã chín rất tốt trong bối cảnh khô hạn trong thời gian vừa qua tại các khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ.

Bảo vệ công trình nhà dân, trụ sở cơ quan, khu công nghiệp, … sẵn sàng các biện pháp ứng phó với tình trạng ngập úng cục bộ khu vực đô thị nơi có khả năng thiệt hại lớn về kinh tế.

Tổ chức tăng cường thông tin truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội để người dân kịp thời nắm bắt tình hình chủ động phòng ngừa giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại.

Các bộ ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão, mưa lũ, chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.