Hơn 44 nghìn ha đủ nước gieo cấy vụ đông xuân

* Số lượng gia súc chết rét tiếp tục tăng

Công nhân trạm bơm Văn Giang (Hưng Yên) kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị để tưới vụ đông xuân. Ảnh: LÂM THANH
Công nhân trạm bơm Văn Giang (Hưng Yên) kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị để tưới vụ đông xuân. Ảnh: LÂM THANH

Theo Tổng cục Thủy lợi, trong ngày đầu lấy nước, khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ đã có 44.430 ha lấy đủ nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2020 - 2021, đạt 8,5% kế hoạch. Những địa phương có tỷ lệ lấy nước đạt cao như: Phú Thọ 41%, Ninh Bình 25,1%, Vĩnh Phúc 15,5%, Hải Phòng 10,4%, Nam Định 6,4%, các địa phương còn lại đạt từ 1-5%. Đợt 1 lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2020 - 2021, khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ bắt đầu từ 0 giờ ngày 12-1. Theo kế hoạch, tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân 2020-2021 của 11 tỉnh, thành phố khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ là 522.500 ha.

* Đã bước sang ngày thứ 2 của đợt 1 lấy nước gieo cấy vụ đông xuân 2020 - 2021, tuy nhiên, nhiều trạm bơm chính của Hà Nội vẫn chưa thể vận hành do mực nước trên các sông ở mức thấp so thiết kế. Sau ngày đầu tổ chức lấy nước, tổng diện tích gieo cấy vụ đông xuân trên địa bàn thành phố đã có nước đạt hơn 3.000 ha. Cùng với tập trung lấy nước, bà con nông dân các địa phương cũng đang tích cực xuống đồng làm đất, đổ ải, gieo mạ để sản xuất...

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, không khí lạnh có cường độ suy yếu dần. Ngày 13-1, miền bắc tăng nhiệt rõ rệt, có nắng hanh. Nhiệt độ ngày và đêm chênh nhau nhiều, cảm giác rét buốt vẫn xuất hiện về đêm và sáng sớm. Trời vẫn rét đậm, có nơi rét hại. Vùng núi cao có khả năng xuất hiện băng giá và sương muối. Nhiệt độ thấp nhất 7-10oC, có nơi dưới 5oC, vùng núi cao có nơi dưới 0oC. Trung tâm khuyến cáo người dân cần triển khai các biện pháp giảm thiệt hại cho vật nuôi và cây trồng. Đặc biệt, tránh chăn thả gia súc, gia cầm và vật nuôi ra bãi, mé rừng trong những ngày thời tiết diễn biến cực đoan nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro.

* Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, trong tháng 1 và 2, khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nhiệt độ trung bình tháng thấp hơn 0,5-1oC so cùng kỳ nhiều năm. Các đợt rét đậm, rét hại trong giai đoạn này có khả năng kéo dài 5-7 ngày và duy trì lâu hơn ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ.

* Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh miền núi phía bắc, đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã làm 375 con trâu, 119 con bò, 17 con lợn, một con ngựa, 29 con dê bị chết. Về trồng trọt, có 93 ha rau màu, 1.050 chậu địa lan của tỉnh Lào Cai bị thiệt hại.

* Đợt rét hại kéo dài cùng với băng tuyết ở Lào Cai đã gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Ước thiệt hại hơn 3,2 tỷ đồng. Đến ngày 13-1, nhiệt độ tại các địa phương ở Lào Cai đã tăng lên, băng tuyết đã tan. Chính quyền các địa phương tập trung hướng dẫn nông dân khôi phục sản xuất sau rét hại, gieo trồng thay thế rau màu bị chết rét, củng cố chuồng trại chăn nuôi, di chuyển hoa địa lan và trâu xuống vùng thấp tránh rét hại có thể xảy ra từ nay đến Tết Nguyên đán.

* Tỉnh Sơn La tiếp tục tuyên truyền người dân tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho người, cây trồng và vật nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra. Đồng thời thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở, kiểm tra, hướng dẫn nhân dân đưa gia súc về chuồng, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, thức ăn tinh, làm khô ráo nền chuồng và che chắn cho vật nuôi, cây trồng.

* Tại Lai Châu, rét đậm, rét hại đã làm hơn 100 con gia súc bị chết, gây thiệt hại đến chăn nuôi, ảnh hưởng đời sống của người dân. Các ngành chức năng trong tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, thủy sản. Cùng đó, thành lập đoàn công tác nhằm hướng dẫn phòng, chống rét cho vật nuôi tại các hộ gia đình ở một số xã trên địa bàn các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Than Uyên, Tam Đường.

* Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có hơn 121.500 con trâu, bò; hơn 11 triệu con gia cầm và hơn 425.000 con lợn. Để phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh đã tăng cường cán bộ về cơ sở kiểm tra, giám sát tình hình và hỗ trợ các xã biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi; hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cố, tu sửa, bảo đảm chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm ướt nền chuồng; dự trữ củi, trấu để đốt sưởi; chế biến thức ăn ủ chua, các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc.

* Rét đậm kéo dài trong những ngày qua đã khiến nhiều trâu, bò, lợn, dê tại các huyện vùng cao Nghệ An bị chết rét. Tại huyện Con Cuông, đã có 31 con trâu, bò, bê, nghé, lợn, dê ở các xã Môn Sơn, Yên Khê, Lạng Khê bị chết rét. Trên địa bàn huyện Quế Phong cũng có hơn 100 con trâu, bò, bê, nghé bị chết rét. Số trâu, bò chết rét chủ yếu là thả rông trong rừng, người dân không có giải pháp chống rét.

* Theo UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), tính đến ngày 13-1, toàn huyện có khoảng 500 con trâu, bò bị chết do thời tiết rét đậm kéo dài. Đây chủ yếu là số gia súc thả rông, không bảo đảm điều kiện chăm sóc, giữ ấm khi có mưa rét kéo dài trên các vùng núi cao. UBND huyện khuyến cáo người dân không thả rông trâu bò trong rừng vào những ngày mưa rét, đồng thời, phải có biện pháp chăm sóc gia súc, giữ ấm chuồng trại và cung cấp đủ nguồn thức ăn vào mùa đông cho trâu, bò.

* Sau bão số 9 (tháng 10-2020), khoảng 300 hộ dân và một số cơ quan huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) thiếu nước sạch sinh hoạt do hệ thống nước sạch bị tắc nghẽn, hỏng. Hiện UBND tỉnh đã bố trí kinh phí để huyện khắc phục một số công trình trên địa bàn huyện bị hỏng do bão số 9 gây ra. Huyện đã bố trí 800 triệu đồng sửa chữa hệ thống nước sạch trung tâm huyện.

* Ngày 13-1, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác PCTT và TKCN năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Năm 2020, thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, làm bốn người chết, ba người bị thương; 3.077 nhà tốc mái, đổ sập; tổng diện tích nông, lâm nghiệp bị thiệt hại gần 2.300 ha... Để giảm thiệt hại do thiên tai, 151/151 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập đội xung kích. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng được tăng cường. Tuy nhiên, công tác PCTT và TKCN vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện ở phương án ứng phó thiên tai đã được xây dựng nhưng chưa thật sự sát với thực tế. Các kịch bản đặt ra còn mang tính lý thuyết, chưa dự báo được các sự cố thiên tai xảy ra, dẫn đến việc ứng phó còn nhiều lúng túng, bất cập...

* Ngày 13-1, triều cường dâng cao tại tỉnh Bến Tre gây ngập, ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân. Do ảnh hưởng triều cường kết hợp nước dâng, gió mùa đông bắc hoạt động mạnh, mực nước các sông chính duy trì ở mức báo động 2 và tiếp tục gây tình trạng ngập úng khu vực nội đồng ở mức tương đương, cao hơn đỉnh triều lịch sử năm 2020. Ngành chức năng đã gửi thông báo đến các hộ dân có kế hoạch chủ động ứng phó, bảo vệ sản xuất.

Xâm nhập mặn tại các cửa sông Cửu Long cao ngay trong những tháng đầu năm

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền nam, từ ngày 25-1 đến 25-2, việc giảm xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) ở thượng nguồn sông Mê Công sẽ ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long. Thời kỳ ảnh hưởng lớn nhất đúng vào dịp Tết Nguyên đán, nước mặn có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính các cửa sông. Theo đó, nguồn nước ngọt vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị thiếu hụt cao giữa mùa khô năm 2021. Xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long cao ngay ở tháng 1, tháng 2, duy trì cao trong tháng 3. Các địa phương cần chủ động các giải pháp bơm trữ nước, cấp nước sinh hoạt, kiểm soát chặt chẽ các cống kiểm soát mặn và tích trữ nước phục vụ sản xuất.