Hòa Bình đề nghị bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em và gia đình là một đầu mối

NDO -

NDĐT – Trong buổi làm việc với tỉnh Hòa Bình, Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị tỉnh cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, cũng như đổi mới trong tuyên truyền pháp luật về vấn đề này cho phù hợp với từng địa bàn, trong đó có vùng núi, vùng sâu, vùng xa…

Hòa Bình đề nghị bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em và gia đình là một đầu mối

Ngày 29-8, Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình về “Thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, hiện toàn tỉnh có 206.211 trẻ em. Nhằm bảo vệ trẻ em, thực hiện các chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em, hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân các vụ xâm hại trẻ em; Phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung, trong đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em nói riêng; Chỉ đạo cơ quan điều tra tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến hành vi xâm hại trẻ em.

Từ năm 2015 - 2019, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra 94 vụ, 96 trẻ em là nạn nhân, 103 đối tượng xâm hại trẻ em; tăng 18 vụ, 25 đối tượng so với giai đoạn năm 2011- 2014. Qua đó, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh đang có diễn biến rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, đối tượng phạm tội rất đa dạng, chủ yếu là người quen biết, hàng xóm của trẻ em, thậm chí là người ruột thịt, người thân trong gia đình. Các vụ việc xảy ra ở cả 11 huyện, thành phố, tuy nhiên một số địa bàn xảy ra nhiều vụ như: huyện Kim Bôi, Lương Sơn, Đà Bắc, thành phố Hoà Bình. Từ năm 2015- 2019, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã thụ lý và giải quyết 81 vụ với 89 bị cáo thuộc nhóm tội phạm xâm hại trẻ em.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đề nghị Quốc hội nghiên cứu, bổ sung các nội dung cụ thể hơn trong các quy định tại Điều 141, 143 của Bộ Luật hình sự liên quan đến xử lý các hành vi xâm hại trẻ em. Đề nghị Chính phủ quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ thêm nguồn lực để thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2013-2020 và Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020. Chỉ đạo ban hành Thông tư liên tịch giữa các Bộ, ngành để nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ trẻ em. Nghiên cứu sắp xếp lại bộ máy quản lý Nhà nước về công tác trẻ em và công tác gia đình về một đầu mối. Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tăng cường chỉ đạo liên ngành để có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, cộng đồng xã hội trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Tiếp tục tăng cường nguồn lực để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu chưa đạt về công tác bảo vệ trẻ em. Tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm để các địa phương nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa xâm hại trẻ em.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao những kết quả UBND tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em thời gian qua; Đồng thời, nhấn mạnh tỉnh cần tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Đề nghị tỉnh Hòa Bình cần có sự đổi mới trong tuyên truyền pháp luật cho phù hợp với từng địa bàn, trong đó có khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, cần có sự phối hợp vào cuộc tích cực của các cơ quan liên quan. Nâng cao công tác dự báo về tình hình xâm hại trẻ em để đưa ra các giải pháp phù hợp. Xem xét tiến hành thanh tra chuyên ngành về thực hiện chính sách, pháp luật về xâm hại trẻ em, bố trí kinh phí, huy động xã hội hóa, bảo đảm thực hiện công tác này hiệu quả hơn…

Trước đó, Đoàn giám sát Quốc hội đã làm việc với UBND huyện Kim Bôi và trường THCS Thống Nhất (thành phố Hòa Bình) về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.