Hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do bão số 5

Ngày 21-9, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã gửi điện thăm hỏi người dân các tỉnh miền trung bị thiệt hại do bão số 5 gây ra.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị giúp người dân các xã miền núi huyện Hướng Hóa thu dọn bùn đất bồi lấp trên tuyến giao thông do bão số 5 gây ra. Ảnh: HỒ CẦU
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị giúp người dân các xã miền núi huyện Hướng Hóa thu dọn bùn đất bồi lấp trên tuyến giao thông do bão số 5 gây ra. Ảnh: HỒ CẦU

Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đánh giá cao cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tìm kiếm, thăm hỏi, giúp đỡ các nạn nhân và gia đình, đồng thời gửi đến địa phương và các gia đình có người bị nạn lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc; đề nghị MTTQ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và TP Ðà Nẵng phối hợp chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai của tỉnh, thành phố tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người chết, mất tích, sập đổ nhà ở; hỗ trợ lương thực cho các gia đình có nguy cơ thiếu đói; tổ chức vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau bão lũ; tiếp tục thống kê thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và báo cáo về Ban Thường trực (qua Ban Phong trào) để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam gửi tới mỗi gia đình có người chết, mất tích 5.000.000 đồng/người; hỗ trợ mỗi người bị thương nặng đang nằm bệnh viện điều trị 3.000.000 đồng để góp phần giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại.

★ Ngày 21-9, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định hỗ trợ khẩn cấp bước đầu cho người dân bị ảnh hưởng bão số 5 tại hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, với số tiền và hàng trị giá hơn 755 triệu đồng. Theo đó, hỗ trợ Thừa Thiên Huế 200 triệu đồng, 300 thùng hàng gia đình, 100 bộ dụng cụ sửa nhà và 200 tấm bạt; tỉnh Quảng Trị 50 triệu đồng, 100 bộ dụng cụ sửa nhà, 200 tấm bạt. Tiền mặt sẽ hỗ trợ cho các gia đình có người thiệt mạng, bị thương; nhà bị sập, hư hỏng; thiệt hại nặng về lúa, hoa màu và sinh kế. Thùng hàng gia đình và bộ dụng cụ sửa nhà dùng để hỗ trợ các gia đình có nhà sập, hư hỏng.

Lực lượng công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ cùng 3.864 lượt chiến sĩ, dân quân cơ động của 145 xã, phường, thị trấn cùng các phương tiện tham gia di dời dân, giúp người dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp cây xanh để khai thông các tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Ðến nay, đã khắc phục được hơn 14.380 nhà bị tốc mái. Ðoàn viên thanh niên tích cực thu gom cây xanh đổ, giúp các trường học sớm đón học sinh trở lại trường sau bão.

★ Ngày 21-9, học sinh tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở lại trường học sau bão số 5. Hiện chỉ còn ba trường học gồm: Tiểu học Quảng Phú 1, Trung học cơ sở Ðặng Hữu Phổ (Quảng Ðiền) và Tiểu học Phú Lưu (TP Huế), với 1.343 học sinh chưa thể đến trường do trường có nhiều lớp học bị tốc mái, hư hỏng nặng. Các trường đang khẩn trương khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh cũng như sửa chữa các dụng cụ hư hỏng để học sinh sớm được trở lại trường.

Sáng cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đến thăm hỏi, tặng quà động viên một số gia đình nghèo bị ảnh hưởng do bão số 5 gây ra tại xã Phú Mậu (huyện Phú Vang). Ðồng thời chỉ đạo huyện Phú Vang tiếp tục huy động các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ các hộ gia đình, nhất là hộ nghèo, neo đơn, hoàn cảnh khó khăn sửa sang lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống.

★ Chính quyền và nhân dân huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) đang khẩn trương dọn dẹp bùn đất nhà cửa và khắc phục các tuyến đường sạt lở để bảo đảm việc lưu thông đi lại bình thường. Tại bốn xã vùng cao đang bị ách tắc giao thông chưa thông tuyến được, phương án của huyện là bảo đảm lương thực tại chỗ, với phương châm sẵn sàng chi viện trong tình trạng thiếu lương thực, không để cho người dân thiếu lương thực do hậu quả của mưa lũ.

★ Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Từ đêm nay (22-9), các tỉnh Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 40-80 mm/24 giờ, có nơi hơn 120 mm/24 giờ. Từ ngày 23-9, các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Sau một thời gian ngắn giảm mưa, từ đêm 20-9, vùng hội tụ gió trên cao lại hình thành nhanh chóng trên khu vực vùng núi Bắc Bộ gây mưa, mưa rào đều khắp và dông rải rác, có nơi xuất hiện mưa to cục bộ như Hồ Thầu (Lai Châu) 59 mm, Ngũ Chỉ Sơn (Lào Cai) 59,6 mm. Hiện, vùng hội tụ gió trên cao đang mạnh dần lên và lan tỏa ra toàn miền bắc, dự báo đợt mưa này khả năng còn kéo dài khoảng 4 đến 5 ngày tới. Vùng đồng bằng và ven biển ngắn hơn từ 3 đến 4 ngày, trong đó có ngày rải rác mưa vừa đến mưa to, riêng khu vực phía đông Bắc Bộ có nơi mưa rất to. Ðề phòng lũ quét bất ngờ trên các suối khe nhỏ, trượt lở đất đá ở các đồi núi dốc; ngập úng tại các khu đô thị ở miền bắc, vùng trũng thấp, nơi hợp lưu các sông suối.

Ngày 21-9, một số nơi thuộc tỉnh Lào Cai, Lai Châu đã có mưa vừa đến mưa to, như Bản Khoang (Lào Cai) 33 mm; Bình Lư (Lai Châu) 23 mm… Dự báo, trên khu vực tỉnh Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa phổ biến từ 10-30 mm, có nơi hơn 40 mm. Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ xảy ra tại một số nơi thuộc tỉnh Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang.

★ Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp vùng hội tụ gió trên cao, những ngày qua, tại tỉnh Thái Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to đã làm gần 200 ha lúa mùa bị gãy, đổ, rải rác ở các huyện. Diện tích lúa bị gãy, đổ đang giai đoạn chín sữa, cây lúa cao. Các địa phương đã chủ động tiêu thoát nước, vận động người dân sử dụng dây mềm buộc dựng lúa để cây lúa có thể sinh trưởng, phát triển bình thường từ nay đến cuối vụ.

Quảng Bình: Sau bão số 5, ốc xoắn dạt vào bờ biển dày đặc

Sau bão số 5, dọc theo bờ biển phía bắc tỉnh Quảng Bình, ốc vặn (ốc xoắn) dạt vào bờ với khối lượng rất lớn. Ðây là hiện tượng chưa từng xảy ra tại địa phương. Nhiều thương lái đến thu mua rồi chuyển đi bán nơi khác. Tuy nhiên, do xuất hiện quá nhiều nên người dân có sự nghi ngại về chất lượng loài ốc này. Chi cục Thủy sản Quảng Bình cử cán bộ đến lấy mẫu để kiểm tra chất lượng; đồng thời thông báo, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát, kiểm tra chất lượng nước biển tại khu vực xảy ra hiện tượng này.