Hỗ trợ giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Thời gian qua, bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện, có nhiều kết quả quan trọng, nhưng vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội. Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới được xác định là nguyên nhân chính gây mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam.

Cán bộ Trạm y tế xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) hướng dẫn người dân các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: Hải Thanh
Cán bộ Trạm y tế xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) hướng dẫn người dân các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: Hải Thanh

Năm 2004, dấu hiệu mất cân bằng giới tính khi sinh đã bắt đầu xuất hiện. Sự chênh lệch tỷ số giữa số bé trai và bé gái sinh ra ở Việt Nam tăng nhanh chóng từ năm 2005 trở đi. Theo số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam đã lên mức 111,5 bé trai/ 100 bé gái.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), đây là một vấn đề đáng báo động, có xu hướng tiếp tục lan rộng ở cả nông thôn, thành thị và nhiều vùng miền. Sự mất cân bằng giới tính khi sinh là kết quả của việc lựa chọn giới tính trước khi sinh. Ðiều này xuất phát từ quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường… Vì thế, một trong những mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 là đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Chiến lược đã nêu rõ: Giải pháp then chốt là phải tăng cường công tác bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới. Cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng, trong các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, cần phải chấm dứt quan niệm ưa thích con trai và không coi trọng giá trị của trẻ em gái. Việt Nam đang đạt được nhiều tiến bộ, nhưng những tiến bộ này cần phải được thúc đẩy nhanh hơn nữa trong thập kỷ hành động vì các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). UNFPA sẽ hỗ trợ Việt Nam và các tổ chức xã hội thúc đẩy hơn nữa sự thay đổi hướng tới một đất nước hiện đại và tiến bộ, để mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có cơ hội thành công trong xã hội như nam giới và trẻ em trai.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Trong tương lai, nhiều nam giới Việt Nam sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời; áp lực khiến nam giới kết hôn sớm; có thể gia tăng bất bình đẳng giới trong tiếp cận việc làm; nhu cầu mua bán tình dục, xâm hại tình dục gia tăng và các mạng lưới mua bán phụ nữ có thể sẽ mở rộng hơn… Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới không chỉ để bảo đảm bình đẳng giới, mà còn giúp cải thiện được tình trạng kết hôn của người dân trong tương lai. Do đó, cần có sự nỗ lực trên toàn quốc để thúc đẩy việc thực hiện các chính sách và luật pháp nhằm ngăn chặn việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới một cách mạnh mẽ, sâu rộng hơn.

Thời gian tới, UNFPA và Chính phủ Na Uy sẽ triển khai một chương trình mới mang tên "Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại ở Việt Nam". Chương trình này sẽ được thực hiện trong ba năm, từ năm 2020 đến 2022 do UNFPA tài trợ, nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam ngăn chặn và chấm dứt việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên thực hiện.

Phương trình sẽ có các chiến dịch truyền thông thay đổi chuẩn mực xã hội về việc ưa thích con trai, hạ thấp giá trị của con gái; nâng cao năng lực cho phóng viên báo chí và truyền hình; thực hiện các chương trình làm cha trách nhiệm; tăng cường cơ chế điều phối liên ngành trong việc giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới...