Hãy tin ở chúng tôi!

NDO -

NDĐT - Đến nay, Vĩnh Phúc là nơi có nhiều ca được xác định dương tính với nCoV nhất tại Việt Nam. Những thông tin về dịch bệnh đủ làm đau đầu bất kỳ ai khi tiếp nhận, đặc biệt với những người dân và lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng có thể thấy, tinh thần quyết liệt phòng, chống dịch ở bất kỳ đâu trong tỉnh những ngày này. Hiếm khi nào tinh thần quyết tâm, đồng lòng lại có ý nghĩa sâu sắc và thực tế đến thế tại Vĩnh Phúc thời điểm này.

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy (áo tím) chỉ đạo lập bệnh viện dã chiến ngay trong đêm.
Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy (áo tím) chỉ đạo lập bệnh viện dã chiến ngay trong đêm.

Cuộc chiến không tiếng súng

Ngay từ sáng sớm 12-2, lúc 6 giờ 15 phút, “Bộ chỉ huy” cao nhất là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức họp để bàn bạc những vấn đề quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh.

Ngày 12-2, Vĩnh Phúc đã chính thức ban bố các biện pháp khẩn cấp nhằm tuyên chiến với dịch bệnh nCoV, xem việc chống dịch như chống giặc. Những biện pháp có thể là mạnh mẽ nhưng không thể không làm nếu muốn khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona. Áp lực là rất lớn bởi khi cả nước đang nhìn về Vĩnh Phúc, địa phương có ca dương tính với nCoV nhiều nhất cả nước.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định kiểm soát, cách ly, áp dụng các biện pháp y tế cần thiết đối với xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, nơi có số lượng người nhiễm virus corona nhiều nhất, áp dụng công tác phòng chống dịch tới toàn bộ nhân dân, công nhân, người thuê trọ trên địa bàn xã. Thời gian kéo dài 20 ngày, bắt đầu từ ngày hôm nay. Mọi hoạt động tập trung đông người, kinh doanh nhà hàng, karaoke phải đóng cửa. Hàng hóa, thực phẩm sẽ được cung cấp hằng ngày thông qua một đơn vị cung ứng. Mọi việc đi lại đều bị kiểm soát.

“Toàn bộ 12.000 người dân, 6 thôn trong toàn xã bị ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất nhưng thời điểm này, xã Sơn Lôi phải vì mục tiêu kiểm soát dịch của tỉnh và lớn hơn vì mục tiêu của cả nước”, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đã nhấn mạnh trong chuyến thăm xã Sơn Lôi trước khi công bố một loạt biện pháp khẩn cấp kiểm soát dịch.

Tám tổ chốt với công an, quân đội, y tế là nòng cốt nhằm kiểm soát chặt chẽ, cách ly toàn bộ đường đi lối lại, mọi con đường ra vào tại xã Sơn Lôi. Tổ chức vận động công nhân làm việc tại doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trên địa bàn đang thuê trọ tại xã Sơn Lôi tạm thời nghỉ việc, cùng nhân dân trong xã thực hiện lệnh kiểm soát, cách ly.

Toàn bộ người dân trong xã, bất kể nghề nghiệp, lao động thuê nhà trọ và tuổi tác, giờ đây được phân thành ba nhóm trong việc cách ly, gồm: nhóm 1, người đã mắc bệnh; nhóm 2, nhóm ho, sốt cao hoặc có yếu tố dịch tễ; nhóm 3, nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, tiếp xúc gần với người bệnh. Trong đó, nhóm 1, phải đưa khẩn cấp đưa ngay vào các bệnh viện T.Ư; nhóm hai, đưa vào các bệnh viện, trung tâm y tế theo dõi; và nhóm ba, đưa vào các trung tâm cách ly dã chiến.

Triển khai khu vực tiếp nhận và cách ly những trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân dương tính với nCoV ở Trường quân sự tỉnh tại xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên. Tính đến hết ngày 11-2, đã có 88 trường hợp chuyển đến giám sát và theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, tại Phòng khám đa khoa Quang Hà (huyện Bình Xuyên), hiện đang giám sát 21 trường hợp.

Thành lập bệnh viện dã chiến tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật với quy mô 300 giường, thực hiện khám, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm, có thể nhiễm nCoV. Mỗi ngày, có hơn 100 cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn Pháo phản lực 204 tiến hành thu dọn cơ sở vật chất, vệ sinh các phòng học. Tất cả cơ sở vật chất, bàn ghế, nhạc cụ được chuyển vào hội trường, nhường chỗ cho lắp đặt giường bệnh, sớm đưa bệnh viện vào hoạt động.

Huy động toàn bộ cán bộ y tế trên địa bàn, ngoài ra trưng tập năm y bác sĩ quân đội, năm y bác sĩ công an, cán bộ y tế của Bệnh viện Lao phổi T.Ư, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, Bệnh viện Giao thông vận tải, Bệnh viện Quân y 109 do Sở Y tế tỉnh làm tổng chỉ huy, bổ sung vào các đội cơ động, triển khai phòng chống dịch ở dưới cơ sở.

Hãy tin ở chúng tôi!

Gác lại các mối quan tâm của kinh tế, mọi nguồn lực, mọi cuộc họp từ tỉnh xuống xã đều xoay quanh phòng chống dịch. Những khẩu hiệu, những lời động viên cùng nhau “Cố lên” đã bắt đầu xuất hiện, lan nhanh nhiều nơi.

Bác sĩ Trần Văn Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, một trong nhiều người trực tiếp thay nhau chăm sóc bệnh nhân nghi nhiễm nCoV tại khu vực cách ly đặc biệt, chia sẻ: “Công việc luôn ẩn chứa sự nguy hiểm, nhưng đây không chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp, lương tâm của cán bộ ngành y, mà còn vì cộng đồng, xã hội”.

Hơn ai hết, anh cùng nhiều người khác hiểu được cảm giác cô đơn và nỗi sợ hãi kéo dài và đôi khi là tuyệt vọng của người bệnh trong 14 ngày cách ly, thậm chí còn lâu hơn thế. Khi đứng trước bệnh tật ai cũng thấy mình yếu đuối. Cảm thương với những người thân của họ, những người đang mỏi mòn chờ con, chờ chồng, mong thoát khỏi loại virus đang là nỗi sợ hãi của cả thế giới này càng làm anh cùng tập thể y bác sĩ tại trung tâm y tế quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn để động viên, làm điểm tựa cho bệnh nhân.

Những ngày qua, đội ngũ y tế dự phòng đã huy động 100% quân số tập trung phòng, chống dịch. Các cán bộ y tế dự phòng ngày đêm đi phun hóa chất, chia các tổ đi rà soát, xác định những người liên quan dịch tễ với ca bệnh và lập danh sách cụ thể những người tiếp xúc gần, tiếp xúc xa.

Đã gần quá trưa, anh Trần Văn Phú, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên, vẫn miệt mài công việc được giao. Về công tác tại đây từ năm 2007 tới nay, trải qua nhiều đợt phòng, chống dịch nhưng lần này là đợt phòng, chống dịch lớn và có tính chất nguy hiểm nhất mà anh phải đối mặt. Những ngày đầu, chưa rõ thông tin và sợ hãi, nhưng giờ họ hiểu rằng chỉ có nỗ lực của họ mới có thể ngăn chặn dịch bệnh đang làm chết người mỗi ngày.

“Đây là công việc quan trọng, mang tính quyết định nhất của cuộc chiến chống lại nCoV và phải làm việc ở khu vực nguy hiểm nhất. Nhiệm vụ là trách nhiệm công việc, nhưng trách nhiệm với xã hội, kiểm soát tốt nhất tình hình dịch bệnh hiện nay là mục tiêu hàng đầu”, anh Phú chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết, cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống y tế toàn tỉnh, bên cạnh đó Bộ Y tế đã chi viện cho Vĩnh Phúc các tổ công tác, gồm các chuyên gia đầu ngành trong cách lĩnh vực, cùng với đó đã huy động các cán bộ y tế của toàn bộ bệnh viện T.Ư, quân đội đóng trên địa bàn chính là những cơ sở để tin tưởng Vĩnh Phúc phòng và dập dịch an toàn, thành công.

Phá bỏ tư duy kỳ thị

Tuy nhiên, thời gian qua, khi liên tiếp những thông tin người Vĩnh Phúc bị dương tính với nCoV đã gây tâm lý hoang mang cho nhiều người địa phương khác khi tiếp xúc và hạn chế đi qua Vĩnh Phúc, đi qua huyện Bình Xuyên, thậm chí đã xuất hiện những thông tin cửa hiệu, nhà hàng treo biển không đón người Vĩnh Phúc.

Với những người bị nhiễm nCoV, kất kỳ ai cũng đều muốn được sống khỏe mạnh, người Vĩnh Phúc cũng vậy, không ai muốn mang trên mình bệnh tật. Khi bị sự kỳ thị, dò xét của cộng đồng, họ sẽ che giấu dịch bệnh, không khai báo quê quán… chắc chắn khi đó, nguy cơ lan truyền dịch bệnh và phòng, chống dịch trở nên rất khó khăn. Đây là manh nha của sự bất ổn về tư tưởng

“Đó là thực sự là một điều đáng buồn, người dân chúng tôi cần phải được đối xử tử tế, nhân văn. Tại sao trong lúc chúng tôi đang căng mình phòng chống dịch, lại có những hình ảnh phân biệt, đối xử như thế. Chúng tôi cần lắm những hình ảnh cả nước hãy cổ vũ Vĩnh Phúc cố lên, Bình Xuyên cố lên, động viên chúng tôi thực hiện tốt công tác phòng chống dịch này”, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan tâm sự.

Và quả thực là như vậy, bởi thành công dập dịch tại Vĩnh Phúc có nghĩa là thành công trong bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhưng sự thành công của Vĩnh Phúc, chưa bao giờ là chuyện riêng của những người làm y tế hay của lãnh đạo tỉnh. Đó còn là câu chuyện về mục tiêu bảo vệ, tránh lây lan ra các tỉnh lân cận, Thủ đô Hà Nội và xa hơn là bảo vệ cả nước.