Hành khách ùn ùn từ TP Hồ Chí Minh về quê đón Tết

NDO -

NDĐT - Bắt đầu từ 23 tháng Chạp (17-1) đến nay, người dân TP Hồ Chí Minh bắt đầu đồ dồn về nhà ga, sân bay và bến xe về quê đón Tết Canh Tý bên gia đình. Ghi nhận tại ga Sài Gòn (quận 3), các chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn trong khung giờ từ trưa đến chiều tối 25 tháng Chạp (19-1) chật kín hành khách.

Nhân viên kiểm tra vé của hành khách trước khi lên tàu tại Ga Sài Gòn.
Nhân viên kiểm tra vé của hành khách trước khi lên tàu tại Ga Sài Gòn.

Nhiều gia đình gồm vợ chồng con cái khệ nệ hành lý mang theo đã thu xếp đến ga sớm trước giờ tàu khởi hành từ một đến hai tiếng đồng hồ nhằm tránh trễ tàu. Anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ quận Tân Phú) cùng vợ và hai con có mặt tại ga Sài Gòn từ sớm để đi chuyến tàu SE22 (hành trình Sài Gòn- Huế) khởi hành từ ga Sài Gòn lúc 11 giờ 45 phút về ga Tam Kỳ (Quảng Nam) tỏ rõ niềm vui khấp khởi sau nhiều năm không về quê thăm ba mẹ.

Anh Hùng cho biết, ngay khi ngành đường sắt mở bán vé tàu Tết Canh Tý vào tháng 10-2019, anh đặt vé qua mạng ngay và mua được đầy đủ vé cho cả nhà. Sau khi ăn Tết với gia đình, mùng 2 Tết, vợ chồng anh Hùng lại đi tàu quay lại TP Hồ Chí Minh.

Theo lãnh đạo ga Sài Gòn, trong mười ngày cao điểm Tết Canh Tý, mỗi ngày tại ga có 22 đoàn tàu, gồm tàu Thống nhất và tàu địa phương khởi hành từ TP Hồ Chí Minh đến các ga và điểm cuối cùng là ga Hà Nội với gần 20 nghìn hành khách di chuyển. Tại khu vực kiểm soát trước khi vào sân ga, nhân viên kiểm soát thực hiện kiểm tra thông tin trên vé của hành khách rất nghiêm túc và chặt chẽ nhằm bảo đảm thông tin trên vé khớp với người đi tàu. Ga Sài Gòn khuyến cáo hành khách đi tàu phải có “thẻ lên tàu” hợp lệ và có thông tin cá nhân trùng khớp thông tin trên vé mới được đi tàu.

Ngoài ra, để tránh việc mua nhầm “vé giả”, “vé không hợp lệ”, hành khách nên mua vé tại các nhà ga, các điểm bán vé, các đại lý thuộc ngành Đường sắt quản lý, không nên mua vé bên ngoài cò mồi chợ đen, các đại lý trá hình sẽ gây thiệt hại về tài chính của hành khách đồng thời không đi được tàu.

Còn tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), bến xe chuyên chở hành khách đi tuyến miền trung, miền bắc và khu vực Tây Nguyên, ghi nhận chiều 19-1 (25 Tết) hành khách ùn ùn tay xách nách mang đồ đạc vào bến xe. Trong đó, khách đi về các tỉnh miền trung chiếm hầu hết. Ghi nhận các tuyến đường đổ về Bến xe Miền Đông gần như không có lối thoát chiều 19-1, như tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ung Văn Khiêm, cầu Bình Triệu. Các phương tiện dồn ứ và nhích từng chút để di chuyển vào bến xe.

Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, năng lực của các đơn vị vận tải trong đợt phục vụ Tết Nguyên đán khoảng 417.000 chỗ, trong đó có 413.000 giường và 103.000 ghế ngồi. Qua báo cáo của các đơn vị vận tải, số lượng chỗ của các doanh nghiệp đã bán vé cho hành khách đến ngày 9-1-2020 khoảng 136.000 chỗ (55.000 giường và 80.000 ghế ngồi).

Đối với hàng không, khu vực ra vào sân bay Tân Sơn Nhất đã có dấu hiệu ùn ứ từ thời điểm 23 Tết trở đi. Sáng 18-1 (24 Tết), chị Nguyễn Thanh Vy cùng hai con từ quận 3 ra sân bay để bay chuyến TP Hồ Chí Minh về Phù Cát (Quy Nhơn), than phiền vì các tuyến đường đều kẹt cứng, di chuyển rất chậm. Bên trong sân bay, hàng nghìn người xếp hàng dài từ ngoài sảnh vào đến bên trong quầy check-in làm thủ tục. Theo nhân viên an ninh khu vực sân bay, do nhiều hành khách lo sợ kẹt xe trễ chuyến bay nên đã đi sớm ra sân bay trước giờ bay ba đến bốn tiếng đồng hồ càng làm cho khu vực phòng đợi của các hãng bay quá tải. Theo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong những ngày giáp Tết, mỗi ngày trung bình có hơn 900 chuyến bay đi và đến từ các nơi. Cao điểm ngày 28 Tết sẽ có 965 chuyến bay cất và hạ cánh.

Hành khách ùn ùn từ TP Hồ Chí Minh về quê đón Tết ảnh 1

Sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng hành khách xếp hàng làm thủ tục.

Hành khách ùn ùn từ TP Hồ Chí Minh về quê đón Tết ảnh 2

Khu vực gần Bến xe Miền Đông nườm nượp dòng người di chuyển vào bến xe về quê ăn Tết.