Hà Tĩnh chủ động khắc phục thiệt hại do bão lũ

NDO -

Lũ chồng lũ, bão chồng bão đã gây nên những thiệt hại về tinh thần và vật chất, để lại cho cuộc sống của người dân miền trung hậu quả nặng nề. Để nhanh chóng ổn định lại cuộc sống, người dân Hà Tĩnh cùng các cấp ủy, chính quyền chủ động bắt tay vào khôi phục nông thôn ngay khi nước rút. 

Sự vào cuộc nhanh chóng và kịp thời của lực lượng công an, quân đội và dân quân địa phương.
Sự vào cuộc nhanh chóng và kịp thời của lực lượng công an, quân đội và dân quân địa phương.

Sau lũ hai tuần, phòng học vẫn ám mùi bùn

Suốt những tuần qua, Hà Tĩnh đã phải oằn mình mà chống chịu sức tàn phá của lũ lụt, đặc biệt là những người dân thôn quê. Theo thống kê sơ bộ, hai đợt mưa lũ trong tháng 10 đã làm hư hại gần 4.000 ha rau màu, 17 nghìn tấn lương thực, 270 tấn hạt giống, hơn 3.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản... của người dân trên địa bàn.

Dưới tác động của đợt lũ kép, hàng trăm km đường giao thông bị xói lở, nhiều công trình công nghiệp, xây dựng, điện lực, thông tin liên lạc bị hư hại, ước tính thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng.

Hà Tĩnh là một miền quê đã quen với bão lũ. Hằng năm, người dân nơi đây đã luôn hứng chịu sự khắc nghiệt của thiên tai. Vậy nên, trước khi bão đổ bộ, công tác phòng, chống lũ lụt cũng đã được đẩy lên mức cao nhất, đó là cảnh báo mực nước đạt kỷ lục năm 2010.

Tuy nhiên, mọi sự chuẩn bị là không đủ, khi năm 2020 thực sự đã đánh dấu một trận lũ kỷ lục khiến cho các làng quê chìm trong biển nước, TP Hà Tĩnh cũng trong tình trạng tương tự những ngày mưa. 

Nhận thức rõ sự nguy hiểm cận kề, nên trước khi bão đổ bộ, thầy Bùi Minh Hải, hiệu trưởng trường Tiểu học Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh đã huy động các thầy cô, nhân viên trong trường kê cao sách vở cho các em, tuy nhiên, bàn ghế và một số tài liệu đã ngập úng trong nước. “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần chống bão theo chỉ thị của UBND tỉnh qua tin nhắn, đề phòng trường hợp xấu nhất, chúng tôi đã cất đồ đạc của các em lên cao, cao hơn cả độ sâu lịch sử của trận lũ năm 2010”.

“Tuy nhiên, mực nước dâng năm nay đã khiến cho mọi người đều bất ngờ, bàn ghế học tập thì bị hư hỏng nặng nề”, thầy Hải vừa nói vừa tiếc những bộ bàn ghế còn mới của các em. Ngoài ra do lượng nước đọng lại, các phòng học trở nên ẩm mốc, xuất hiện mùi khó chịu. Điều này khiến cho các giáo viên và học sinh phải sử dụng khẩu trang trong phòng học những ngày đầu quay lại trường học. Theo ghi nhận mới nhất, đã có 37 trường của huyện Thạch Hà bị ngập trong hai trận lũ liên tiếp vừa qua, trong đó ngập nặng là 19 trường.

Hà Tĩnh chủ động khắc phục thiệt hại bão lũ -0
Bàn ghế làm từ gỗ ép nên bong tróc sau khi ngập nước, không thể tiếp tục sử dụng.  

Thiệt hại của các hộ cá nhân trong tỉnh cũng nặng nề không kém. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Kiên Nam (xóm 7, xã Thạch Lạc) cho hay đợt lũ vừa qua đã cướp đi của ông hơn 1.000 con vịt, khi ông còn chưa kịp đạt được lợi nhuận từ đàn gia cầm: “Nước dâng quá nhanh, đàn vịt của tôi đã ngâm nước ba ngày, chân cứng hết, mất sạch rồi. Tôi sẽ phải đóng bao tất cả và đem đi chôn. Thật sự rất đau lòng", ông Nam nghẹn ngào chia sẻ câu chuyện.

Những hình ảnh người dân vùng vẫy trong dòng nước lũ đã chạm tới trái tim của hàng triệu người con Việt Nam từ Bắc vào Nam, để rồi triệu người dân đồng lòng, cùng hướng về miền trung thân yêu. Những tấm lòng tương thân tương ái như truyền lửa ấm đến cho bà con khi phải chịu đựng giá lạnh của dòng nước lũ. Từ đó, tiếp thêm nghị lực để vượt qua cơn bão có sức ảnh hưởng tàn khốc nhất lịch sử.

Mọi sự góp sức đều đáng ghi nhận

Những ngày gần đây, khi mưa đã ngớt ở Hà Tĩnh, người dân đã đi đầu trong công tác khôi phục thiệt hại sau bão lũ, chủ động lau dọn, quét bùn ở sân vườn nhà mình trước, sau đó tham gia các hoạt động dọn dẹp theo nhóm ở trong thôn. Đáng quý rằng, đây là những hành động tự nguyện của bà con, được nhiều người tham gia nhằm trả lại cảnh quan yên bình vốn có của làng quê.

Hà Tĩnh chủ động khắc phục thiệt hại bão lũ -0
Sân vườn nhà là nơi đầu tiên được dọn dẹp vệ sinh.  

Những trận lũ liên tiếp cũng đã “cuốn trôi" những thành quả xây dựng nông thôn mới mà Hà Tĩnh đã đạt được trong năm vừa qua. Anh Nguyễn Hữu Điệp (thôn Liên Phố, xã Thạch Lạc) là một thành viên cốt cán của tổ dân phố và đã từng tham gia xây dựng nông thôn mới. Anh cho biết, đợt mưa vừa rồi đã làm hư hại một số con đường trong xóm, tắc cứng hệ thống cống rãnh và cảnh quan môi trường còn lộn xộn. Tuy nhiên, khắc phục thiệt hại theo diện rộng là công việc cần sự giám sát và chỉ đạo từ chính quyền xã. Vậy nên, mọi người trong thôn ai vệ sinh nhà nấy trước, nhà cửa cơ bản đã sạch sẽ, ổn định trở lại.

Để công tác khắc phục có kế hoạch và hướng đi rõ ràng, các lực lượng công an, quân đội, dân quân địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, đi đầu trong công tác khắc phục thiên tai. Các cán bộ đã khẩn trương hỗ trợ người dân từng bước vượt qua khó khăn do hậu quả lũ lụt, xử lý môi trường, sửa chữa giao thông và tiếp tục các hoạt động xây dựng nông thôn mới. 

Hà Tĩnh chủ động khắc phục thiệt hại bão lũ -0
Các nữ chiến sĩ công an hỗ trợ người dân sắp xếp lại đồ đạc trong nhà. 

Góp phần vào công tác khắc phục thiệt hại, các Hội Nông dân khắp tỉnh Hà Tĩnh nhanh chóng nhập cuộc theo quy mô lớn và có tổ chức. Những ngày này, Hội Nông dân Thị xã Kỳ Anh đã huy động gần 40 hội viên nông dân phường Kỳ Liên và Kỳ Phương tham gia xây bồn hoa trên các tuyến đường. Hội Nông dân xã Kỳ Sơn thì tổ chức dọn vệ sinh môi trường sau lũ. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, tuy nhiên tiến độ công việc vẫn được bảo đảm.

Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh, ông Bùi Nhân Sâm chia sẻ: “Mặc dù nhiều hội viên, nông dân còn chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, nhưng những ngày qua, các cấp hội đã khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lũ lụt, vừa bắt tay ngay vào xây dựng nông thôn mới.

Khắp các địa phương ở Hà Tĩnh, người nông dân tập trung dọn bùn, trồng cây, sửa sang vườn tược, làm đường giao thông... để bắt kịp tiến độ, kế hoạch xây dựng nông thôn mới, vừa góp phần chào mừng thành công Đại Hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.”

Ngoài ra, nhằm giảm thiểu tai nạn do bão lũ đối với trẻ nhỏ, Chị Trần Thị Hoa (thôn Phú Quý, xã Thạch Liên) cảm kích khi các con có thể sớm trở lại trường học: “Ngay khi mưa ngớt và bảo đảm an toàn, UBND xã thông báo tu sửa hội trường sinh hoạt xã và các trường học, những cơ sở vật chất cấp thiết cho sinh hoạt được ưu tiên đầu tiên. Việc các con có thể trở lại trường học và đi học như bình thường tạo điều kiện để chúng tôi sửa sang và dọn dẹp lại nhà cửa, sân vườn.” 

Đồng hành cùng khó khăn và thiếu thốn của người dân sau sau lũ lụt, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm là một nguồn lực vô cùng cần thiết, để các đoàn cứu trợ chuyển nhu yếu phẩm và khoản hỗ trợ tới nhân dân miền trung. Những việc làm thiết thực ấy đã góp phần giúp người dân vùng thiên tai không bị đói rét và lấy lại tinh thần vượt qua mất mát.

Thời gian tới, rất cần duy trì sự phối hợp, đồng bộ nhịp nhàng của các cơ quan, ban, ngành, sự chung vai gánh vác của toàn xã hội. Đặc biệt, có sự chủ động của các cấp chính quyền địa phương, chắc chắn, người dân vùng bão lũ sẽ sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Hà Tĩnh chủ động khắc phục thiệt hại bão lũ -0
 Các hạng mục, tiêu chí nông thôn mới cần được tu sửa để mang lại cảnh quan làng quê tươi đẹp.