Hà Nội phát triển cụm công nghiệp hiện đại

Bài 2: Xây dựng mạng lưới cụm công nghiệp hiện đại

Trước những bất cập trong đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động của các cụm công nghiệp (CCN), TP Hà Nội đang đi tìm các giải pháp để từng bước khắc phục, đồng thời mở rộng các CCN mới, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Thành phố đã phê duyệt và đang triển khai Quy hoạch phát triển CCN tr&ec

Sản xuất phụ kiện điện tại Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu trong Cụm công nghiệp Quất Động ở huyện Thường Tín. Ảnh: ĐĂNG ANH
Sản xuất phụ kiện điện tại Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu trong Cụm công nghiệp Quất Động ở huyện Thường Tín. Ảnh: ĐĂNG ANH

Từng bước khắc phục bất cập

Trả lời cho câu hỏi vì sao còn nhiều CCN trên địa bàn Hà Nội tồn tại nhiều bất cập về hạ tầng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng giải thích, trong giai đoạn đầu phát triển các CCN, một số địa phương cũng muốn thu hút nhanh các nhà đầu tư, cho nên vừa tiến hành xây dựng hạ tầng vừa tiếp nhận doanh nghiệp. Phần lớn các CCN được hình thành và phát triển từ làng nghề, hoạt động còn mang tính tự phát, không theo quy hoạch, trong khi để đáp ứng được các yêu cầu về xử lý môi trường, phòng cháy, chữa cháy… đòi hỏi chi phí đầu tư trang thiết bị rất tốn kém, vì vậy các hạng mục này thường bị “bỏ qua”. Chưa kể các CCN do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư, nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng từ ngân sách, cho nên kinh phí để đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp, duy tu hạ tầng cho các CCN rất hạn chế. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì (đơn vị quản lý CCN Ngọc Hồi) Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ, việc quản lý, duy trì hoạt động của CCN này chỉ trông vào nguồn thu khoảng 2,2 tỷ đồng từ tiền dịch vụ công nghiệp và tiền xử lý nước thải, cho nên nếu có sự cố hỏng hóc hoặc cần sửa chữa, nâng cấp thì không có kinh phí. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm Ngô Đức Vân cho biết thêm, Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 của Chính phủ chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp chậm đóng các khoản phí sử dụng các dịch vụ công cộng, tiện ích trong CCN, do vậy Ban Quản lý rất khó đôn đốc các doanh nghiệp nộp các khoản phí nêu trên nhằm duy tu, bảo dưỡng, duy trì hoạt động của CCN.

Để khắc phục những bất cập này, Sở Công thương Hà Nội đã lập và triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các CCN trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2014 - 2015. Nhờ đó có thêm 18 CCN hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, xây dựng “Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2020-2023”, dự kiến tổng kinh phí thực hiện khoảng 4.075,3 tỷ đồng. Trong đó, đề xuất hỗ trợ kinh phí hoàn thiện hạ tầng (hệ thống xử lý nước thải, bãi tập kết chất thải rắn, hệ thống giao thông nội bộ, tường rào CCN, nhà điều hành…) cho các CCN chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, do Ban Quản lý dự án cấp huyện làm chủ đầu tư là 1.562,7 tỷ đồng. Ngoài ra sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp là chủ đầu tư các CCN thành lập mới thuộc địa bàn các huyện khó thu hút đầu tư như Ba Vì, Mỹ Đức... Thành phố đã lập danh mục và kêu gọi đầu tư vào các CCN tại Hội nghị xúc tiến đầu tư các năm 2017, 2018. Đồng thời, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã công khai thông tin về quy hoạch CCN trên địa bàn để thu hút các nhà đầu tư quan tâm.

Lập quy hoạch xây dựng 159 CCN hiện đại

Về lâu dài, TP Hà Nội cần có một mạng lưới CCN được bố trí hợp lý, đầu tư bài bản, đồng bộ để thực hiện định hướng phát triển công nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh cao, giảm ô nhiễm môi trường… Năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, có xét đến năm 2030 với 159 CCN với tổng diện tích 3.204,31 ha. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để thành lập, mở rộng các CCN, từ đó hình thành mạng lưới các CCN trên địa bàn thành phố. Khi các CCN đi vào hoạt động sẽ thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang cần mặt bằng để phát triển sản xuất. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư CCN theo quy hoạch này là 49.425 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn đến năm 2020 là 34.900 tỷ đồng và giai đoạn từ 2021 đến 2030 khoảng 14.525 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, theo quy hoạch này, địa bàn quận Long Biên, các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm ở phía bắc Thủ đô sẽ ưu tiên phát triển các CCN với các doanh nghiệp công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, dệt may, sản xuất ô-tô... Các CCN tại các huyện Thường Tín, Phú Xuyên ở phía nam thành phố sẽ ưu tiên các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp sinh học, chế biến nông sản hiện đại, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các huyện phía tây Hà Nội sẽ dành để phát triển các ngành công nghiệp sinh học, hóa dược, điện tử, cơ khí chính xác, vật liệu mới, công nghệ cao… gắn với phát triển vùng kinh tế Tây Bắc và đường Hồ Chí Minh.

Theo quy định mới, các CCN chỉ được dành nhiều nhất 70% diện tích để xây dựng nhà máy, xí nghiệp, còn lại phải bố trí cho các công trình giao thông, dịch vụ hỗ trợ, cây xanh, trung tâm quản lý điều hành… CCN phải xây dựng theo đúng quy định, có trạm xử lý nước sạch, trạm biến áp cung cấp điện, hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt, xử lý nước thải, chất thải rắn. Mọi nhà đầu tư, chủ cơ sở sản xuất phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Đề án bảo vệ môi trường. Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhấn mạnh, thành phố tuyệt đối không phê duyệt, cấp phép cho các dự án đầu tư và triển khai xây dựng khi chưa có đánh giá tác động môi trường. Định kỳ hằng năm sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá tác động môi trường đối với khu vực phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư mới, mở rộng các CCN trên địa bàn Hà Nội đang gặp một số vướng mắc cần tháo gỡ. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm Ngô Đức Vân cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của CCN còn thiếu hoặc chưa đồng bộ, dẫn đến có nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Như Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ có phạm vi điều chỉnh khá rộng, xuyên suốt từ lập quy hoạch cho tới triển khai dự án, lại liên quan đến nhiều luật khác như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng... cho nên cần có thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan để việc triển khai được thông suốt, đồng bộ. Việc tổ chức thực hiện thủ tục đầu tư chậm do chưa có các hướng dẫn cụ thể về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500. Thủ tục rườm rà khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư kém mặn mà...

Căn cứ trên quy hoạch này, TP Hà Nội đã xây dựng danh mục, tổ chức kêu gọi đầu tư vào các CCN tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, tổ chức hội nghị công bố quy hoạch CCN. Từng quận, huyện, thị xã cũng đã công khai nội dung quy hoạch để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm kịp thời nắm bắt. Đến nay, Hà Nội đã thành lập được 19 CCN mới; 14 CCN đang được các ngành chức năng trình UBND thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt thành lập; sáu cụm khác đang được Sở Công thương Hà Nội thẩm định, giải trình và bổ sung giúp hoàn thiện hồ sơ… Việc có thêm nhiều CCN ra đời sẽ thu hút làn sóng đầu tư mới trong sản xuất công nghiệp, tạo đột phá trong lĩnh vực này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nhanh và bền vững.

* Hà Nội phát triển cụm công nghiệp hiện đại

------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 13-2-2020.