Hà Nội mở rộng sản xuất nông sản sạch

TP Hà Nội hiện có sáu vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, đồng thời đang nỗ lực phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), cho ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Mô hình trồng rau sạch tại Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Ðan Phượng). Ảnh: Thanh Vân
Mô hình trồng rau sạch tại Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Ðan Phượng). Ảnh: Thanh Vân

Hiện Thủ đô có 164 mô hình nông nghiệp ƯDCNC (tăng 26 mô hình so với năm 2019), 141 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp (tăng hai mô hình so với năm trước), tiêu biểu như: Sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao tại xã Ðốc Tín, huyện Mỹ Ðức; trồng rau thủy canh của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Ða Tốn, huyện Gia Lâm; sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của HTX Ðan Hoài, huyện Ðan Phượng... Giá trị sản phẩm ƯDCNC chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Cùng với đó, hầu hết các huyện đều có quy hoạch sản xuất lúa chất lượng cao như: Mỹ Ðức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ, cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25% đến 30%. Vùng sản xuất rau an toàn tại Ðông Anh, Gia Lâm, Ðan Phượng, có giá trị sản xuất từ 400 triệu đến 500 triệu đồng/ha/năm. Vùng trồng hoa, cây cảnh ở các huyện: Mê Linh, Thường Tín, Thạch Thất, có giá trị từ 0,5 tỷ đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Vùng trồng cây ăn quả tại các huyện: Hoài Ðức, Chương Mỹ, Gia Lâm, đạt giá trị từ 0,5 tỷ đến 1 tỷ đồng/ha/năm, gồm nhiều giống cây ăn quả chất lượng như: phật thủ, nhãn chín muộn, cam canh, bưởi tôm vàng.

Các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở Sơn Tây, Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Trì, Phúc Thọ có giá trị thu nhập từ một đến hai tỷ đồng/ha/năm. Mô hình trồng rau hữu cơ ƯDCNC của chị Ðặng Thị Cuối (Giám đốc HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, ở xã Ðan Phượng, huyện Ðan Phượng) được đầu tư bài bản từ nhà lưới, nhà kính đến cách thức chăm sóc rau. Chị Cuối chia sẻ, trên diện tích canh tác 5 ha, chúng tôi trồng các loại rau xanh hữu cơ theo mùa, trung bình mỗi tháng thu hoạch từ sáu đến bảy tấn rau sạch, cung cấp cho các trường học và trên địa bàn huyện, các vùng lân cận. HTX tạo việc làm cho hơn chục lao động, với mức thu nhập từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/người/tháng. Thực tiễn cho thấy, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản đã được nâng lên. Các mô hình liên kết trong nông nghiệp giúp người dân yên tâm sản xuất và tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, bước đầu tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, để tiếp tục mở rộng và phát triển mạnh mẽ các mô hình nông nghiệp này, cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang nảy sinh. Ðó là, chính sách về tập trung, tích tụ ruộng đất còn bất cập, dẫn đến khó khăn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ƯDCNC và trong chế biến tiêu thụ sản phẩm, bởi hiện tại chủ yếu mới chỉ có các HTX và doanh nghiệp nhỏ tham gia. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở các vùng tập trung còn nhỏ lẻ, manh mún gây khó khăn cho việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Thí dụ như ƯDCNC trong chăn nuôi còn nhiều trở ngại do chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán trong nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao (60%), thiếu nguồn vốn đầu tư, lúng túng trong tập huấn, chuyển giao công nghệ, lựa chọn công nghệ…

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, thời gian tới TP Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, đạt giá trị cao, bền vững. Trong đó, chú trọng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh mô hình sản xuất chuỗi giá trị, theo hướng: Tất cả các khâu (từ sản xuất đến thu gom, sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm) đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Tăng cường hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn bà con đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào nông nghiệp; khuyến khích liên kết đầu tư, mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập. Xây dựng ý thức chuyên nghiệp cho mỗi nông dân, đặc biệt là tuân thủ các nguyên tắc, quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.