Hà Nội đề xuất xây dựng đường sắt đô thị từ ga Hà Nội đến quận Hoàng Mai

NDO -

UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến quận Hoàng Mai.

Hà Nội đề xuất xây dựng đường sắt đô thị từ ga Hà Nội đến quận Hoàng Mai

Dự án khi hoàn thành sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt đô thị khép kín theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016, đáp ứng nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khu vực đô thị trung tâm, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, bảo đảm an toàn giao thông, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm Hà Nội.

Tờ trình đánh giá, quy mô, năng lực phục vụ của dự án cơ bản phù hợp với quy hoạch, tương đồng với quy mô tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang được triến khai xây dựng, bảo đảm tính thống nhất trong việc khai thác, vận hành của toàn tuyến đường sắt đô thị số 3. Khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động, sẽ kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác (gồm tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, số 4, số 5, số 8).

Đoạn tuyến chính dài 8,786 km. Trong đó, chiều dài đi ngầm 8,13 km, đoạn hầm hở dẫn dài 0,57 km, chiều dài đoạn đi trên mặt đất 0,086 km. Kết cấu tuyến đi ngầm bao gồm hai ống hầm đường kính ngoài D=6,3m chạy song song. Do vậy phương pháp thi công chủ đạo là máy đào hầm TBM cho đoạn tuyến đi ngầm; thi công đào hở (đào và lấp) cho các nhà ga.

Quy mô diện tích đất xây dựng công trình khoảng 34,25 ha. Với quy mô trên, ước tính cần giải phóng mặt bằng 235 nhà dân và 244 nhà nằm trong vùng ảnh hưởng. Dự kiến, năm 2030, dự án phục vụ khoảng 124.000 hành khách/ngày; sau năm 2040 phục vụ khoảng 295.000 hành khách/ngày. Các nhà ga bao gồm: Ga Hàng Bài, ga Trần Thánh Tông, ga Kim Ngưu; ga Mai Động, ga Tân Mai; ga Tam Trinh; ga Yên Sở …

Tờ trình cũng nêu rõ, tiến độ đầu tư bảo đảm thời gian thực hiện dự án từ năm 2020-2030 (theo Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ). Cụ thể, dự kiến Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án cuối năm 2020; báo cáo nghiên cứu khả thi từ cuối năm 2020 đến 2021; chuẩn bị nguồn vốn vay đàm phán ký hiệp định trong năm 2021; thiết kế kỹ thuật trong năm 2021-2022; lựa chọn nhà thầu và thi công lắp đặt thiết bị trong giai đoạn 2022-2027; kiểm tra vận hành chạy thử vào cuối năm 2027 và vận hành từ tháng 1-2028. Sơ bộ tổng mức đầu tư ước tính là 1.752,78 triệu USD, tương đương 40.577 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ.