Chính sách & Cuộc sống

Gỡ khó trong triển khai đề án xây dựng thiết chế công đoàn

Tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp - khu chế xuất”. Thực hiện quyết định này, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã chủ động, tập trung mọi nguồn lực triển khai và nhận được sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, LĐLĐ các tỉnh, địa phương trong quá trình triển khai.

Xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) là việc mới, việc khó đối với Tổng LĐLĐ Việt Nam do chưa rõ về mô hình xây dựng cũng như khai thác, quản lý thiết chế này. Do vậy, tinh thần chỉ đạo, tổ chức của Tổng LĐLĐ Việt Nam là hết sức khẩn trương nhưng thận trọng, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của Đề án. Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2023 triển khai đầu tư 50 thiết chế công đoàn tại các địa phương có đông KCN - KCX trên cả nước.

Sau gần hai năm nỗ lực triển khai, đến nay đã có 40 địa phương bố trí đất để nghiên cứu đầu tư. Hai địa phương ban hành quyết định giao đất, 26 địa phương có văn bản đồng ý chủ trương, 12 địa phương tích cực quy hoạch quỹ đất, thống nhất với Tổng LĐLĐ về địa điểm đầu tư. Tiến độ triển khai Đề án đến nay bị chậm là do theo quy định tại Điều 54 và 55 Luật Đất đai năm 2014, Tổng LĐLĐ không thuộc đối tượng được giao đất thực hiện dự án đầu tư xây nhà ở hoặc bán kết hợp cho thuê cho nên các địa phương gặp vướng mắc về pháp lý. Bên cạnh đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội tham gia. Ban quản lý thiết chế không được đứng ra vay vốn ưu đãi hoặc vay vốn thương mại. Người mua nhà tại dự án không thể vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội do gói vay ưu đãi đã kết thúc… KCN Đồng Văn (Hà Nam) được chọn thực hiện thí điểm để tổng kết, đánh giá, chỉ ra những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách trước khi thực hiện đầu tư rộng rãi. Đến nay, đã xây lắp các hạng mục: Nhà đa năng, công trình thể thao ngoài trời, vườn hoa, cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, năm nhà chung cư cao năm tầng với 244 căn hộ thuộc giai đoạn 1 dự án. Theo Ban quản lý dự án, hiện số hồ sơ đoàn viên công đoàn, người lao động (NLĐ) đã đăng ký đủ số lượng căn hộ, nhưng vẫn đang vướng mắc về giá thuê, mua. Do vậy, Ban quản lý đang phối hợp các bên liên quan tổ chức nghiệm thu tổng thể công trình, đưa vào khai thác sử dụng theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng LĐLĐ thành lập Công ty TNHH trực thuộc ban quản lý; điều chỉnh, bổ sung một số điều tại Quyết định số 655/QĐ-TTg. Theo đó, từ năm 2020 - 2025 phấn đấu triển khai 50 thiết chế, từ năm 2025 trở đi tiếp tục triển khai đầu tư các thiết chế công đoàn tại các KCN - KCX, từ đó nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ bằng những việc làm thiết thực cụ thể. Kiến nghị Thủ tướng cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, doanh nghiệp chung tay thực hiện. Đối với các địa phương có dự án do Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư, cho phép triển khai đề án theo phương án giao chủ đầu tư theo nguồn vốn đầu tư. Áp dụng cơ chế ưu đãi chính sách quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ được hưởng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và không phân bổ vào giá bán, giá cho thuê căn hộ.

Đối với doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCX - KCN tham gia đầu tư nhà bán, thuê tại các thiết chế phục vụ đoàn viên, NLĐ, được miễn tiền thuê đất làm nhà máy hoặc cơ sở kinh doanh trong KCN có thời hạn. Cho phép Tổng LĐLĐ bàn giao lại tài sản sau khi đầu tư là hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho địa phương, bàn giao các công trình hạ tầng xã hội (nhà đa năng, sân bóng, sân thể thao) cho LĐLĐ thành phố quản lý.