Gieo duyên đọc sách, lan tỏa yêu thương

Xã Nghĩa Ðồng (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) đang trong những ngày hè oi ả khi những cơn gió Lào hầm hập kéo về. Thế nhưng, giữa xóm núi xa xôi không gian như chợt dịu lại bởi tình người và khung cảnh trong lành đến từ thư viện cộng đồng miễn phí của cô gái trẻ Trần Thúy Nga.

Anh Hồ Quốc Văn cùng hai con gái vượt hơn 60 km đến thư viện của Thúy Nga (áo tím) để mượn sách.
Anh Hồ Quốc Văn cùng hai con gái vượt hơn 60 km đến thư viện của Thúy Nga (áo tím) để mượn sách.

Lấy tình yêu với trang sách và cộng đồng làm động lực vượt lên hoàn cảnh, Nga mải miết truyền lửa đam mê, tình yêu cuộc sống đến nhiều người, nhất là các em thơ.

"Những trang sách cứu đời tôi"

Ðó là tên bài viết của Nga đạt giải ba cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đăng trên báo Tuổi Trẻ vào năm 2019, một bất ngờ và cũng là niềm vui "rất khác" dành tặng cô gái có số phận trớ trêu đến lạ kỳ. Lúc còn bé, Nga từng rất tổn thương khi biết cha của anh chị ruột lại không phải là cha mình. Thế nhưng, nỗi buồn và tủi thân không làm nản lòng cô bé Nga lúc này. Ngược lại, cô lấy đó làm động lực trong học tập, cố gắng trở thành người có ích cho xã hội, để đền đáp công ơn mẹ và anh chị đã vất vả vì mình, một động lực sâu xa khác là để mọi người thấy rằng cô đã sống rất tốt dù là đứa "không cha" như nhiều người vẫn nói. Song niềm tin dường như gục ngã khi đến năm 13 tuổi, bất hạnh lại ập đến: "Mùa hè năm 1998, tôi sẽ không thể nào quên trong đời mình. Căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp bất ngờ ập xuống đời tôi. Bác sĩ bảo bệnh của tôi đã bị "lờn thuốc tây", không thể chữa trị dứt điểm mà phải sống chung với sự tàn phá khủng khiếp lên từng khớp xương khắp cơ thể. Thế rồi, tôi không bao giờ tự bước đi được nữa!", Nga kể trong bài viết.

Làm bạn với xe lăn suốt 23 năm qua, mọi sinh hoạt của Nga phải phụ thuộc vào người thân. Tình yêu thương của mẹ, của các anh chị, của bạn bè đã là cứu cánh lúc Nga ở tận cùng của đau khổ, tuyệt vọng. Nhưng chỉ khi đến gần hơn với sách, đam mê những trang viết bởi "mỗi cuốn sách đều là một người thầy", Nga mới dần nhận thức rõ cần phải làm gì để vượt qua chính mình. Thời điểm này, bộ sách đặc biệt ấn tượng và tác động mạnh đến cô đó là bộ "Hạt giống tâm hồn". "Nhờ những câu chuyện trong bộ sách truyền cảm hứng, cho nên dù không đi được, không làm được các việc tay chân nhưng tôi biết mình may mắn vì còn biết suy nghĩ, còn đôi bàn tay. Tuy rằng các khớp bị sưng đau và biến dạng hết cả nhưng tôi quyết tâm, kiên trì chịu đau để luyện viết, luyện vẽ và đã viết đẹp trở lại", Nga chia sẻ. Từ lúc này, cô bắt đầu sống nghị lực hơn khi tự mở một cửa hàng tạp hóa và dùng tiền tiết kiệm xây dựng tủ sách với mục tiêu khá rõ ràng: cho thuê các loại sách giải trí nhưng sẽ cho mượn miễn phí những đầu sách ý nghĩa vào năm 2004.

Những thành quả nhỏ bé này giúp Nga thấy vui vì đã nỗ lực làm được việc có ích, song khi đó, cô vẫn chưa có khái niệm gì về "sứ mệnh cuộc đời". Cho đến ngày được đọc cuốn tự truyện "Không gục ngã" của Nguyễn Bích Lan, và hai cuốn sách "Cà phê cùng Tony", "Trên đường băng" của tác giả "Tony buổi sáng", Trần Thúy Nga mới bắt đầu tìm cho mình một mục đích sống mới, hướng đích đến cao hơn. "Không gục ngã" giúp cô bắt gặp hình ảnh của chính mình, nước mắt có lúc đã ướt nhòe trang sách. Cô khâm phục chị Bích Lan, một người đã bước qua hầm tối bằng con đường tự học và tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm, tìm thấy sứ mệnh của mình khi vừa được làm công việc yêu thích, vừa cống hiến cho cộng đồng nhiều giá trị tinh thần khác. Câu chuyện của chị Lan đã truyền cảm hứng sống tích cực và giúp Nga tìm thấy sứ mệnh riêng, đó là "Gieo duyên đọc sách - Lan tỏa yêu thương". Từ năm 2013, cô quyết định biến tủ sách của mình thành một thư viện cộng đồng hoàn toàn miễn phí, tạo ra một địa chỉ lan tỏa tình yêu sách và kết nối thói quen đọc sách đến nhiều người khác. "Như vậy thì ai cũng có thể có sách hay, phù hợp để đọc mà không phải nghĩ đến tiền thuê hoặc mua sách, bởi vùng quê miền núi như Nghĩa Ðồng vốn rất khó khăn. Chưa kể tại đây, không ít học sinh đang nghiện chơi game... cho nên tôi muốn kéo các em về với sách", Nga cho biết.

Khơi dậy niềm đam mê đọc sách

Duy trì tủ sách với Nga là một thử thách không hề dễ dàng. Hầu như các khớp trên người cô đã bị hỏng. Ngày càng nhiều khớp bị sưng, viêm đau, viêm đi viêm lại chuyển dần sang biến dạng khớp, cứng khớp, dính khớp, mất dần khả năng cử động, nhiều khớp không cử động được nữa. Ngay cả cầm thìa để ăn cơm có khi cũng rất khó khăn, thậm chí ai động vào người cũng đau điếng. Bởi vậy Nga rất ngại ra khỏi nhà, cả năm gần như không ra khỏi nhà. Hầu hết thời gian, Nga dành cho tủ sách. "Lúc đỡ đau thì tôi lại dùng kim lớn và dây để may sách, bọc sách (tôi đã nhờ người đóng ba lỗ dọc theo gáy sách thì mới may được). May và bọc cẩn thận cho nên dù rất nhiều người mượn, sách ít khi bị hỏng", Nga chia sẻ. Bản thân cô gái không tự sắp xếp được sách trong các tủ mà phải nhờ người thân và các em học sinh sắp xếp theo ý cô, sách nào ở ngăn nào, cánh tủ số mấy... để Nga dễ dàng gợi ý và chỉ đúng tủ chứa sách khi mọi người cần mượn.

Cứ cần mẫn như vậy, ngày qua ngày, năm qua năm, tủ sách của Nga trở thành một thư viện miễn phí với khoảng 6.000 cuốn sách, gồm các loại sách kỹ năng sống, kỹ năng học tập và phát triển bản thân, các tác phẩm văn học kinh điển, các sách hạt giống tâm hồn, những sách giàu tính nhân văn, sách danh nhân, lịch sử, khoa học, sách sức khỏe, sách thiếu nhi... Nga vẫn thường dành thời gian tìm hiểu các loại sách phù hợp nhu cầu lứa tuổi, đối tượng đọc ở địa phương để mua thêm sách đều đặn hằng tuần, hằng tháng. Bình quân mỗi tháng, Nga bỏ ra từ ba đến năm triệu đồng mua sách. "Kinh phí mua sách chủ yếu từ tiền tôi tiết kiệm. Tôi bán thêm trên mạng các sản phẩm tự nhiên của quê hương, hầu hết là những thứ bản thân thường dùng hằng ngày và thấy tốt thì mới giới thiệu để bán. Ngoài ra, tôi cũng tự mở tiệm tạp hóa nhỏ để tăng thêm thu nhập, dồn vào cho tủ sách", Nga chia sẻ. Ðiều đặc biệt cần nói thêm ở tủ sách của Thúy Nga là dù kinh tế còn eo hẹp cô vẫn không bao giờ chấp nhận mua sách in lậu dù có thể tiết kiệm tiền bởi giá sách thật luôn cao hơn, nhưng đó là sự công bằng và tri ân với các tác giả và những người làm sách thật.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người, hầu như ở các xã trong huyện Tân Kỳ cũng như các huyện lân cận, đều biết và tìm đến tủ sách miễn phí của Nga. Ngày càng nhiều gia đình, bố mẹ hiểu được giá trị và tầm quan trọng của sách trong việc hình thành nhân cách và khả năng tự học suốt đời cho con em mình; không ít nông dân chân chất suốt ngày ngoài đồng ruộng cũng thay đổi nhận thức, thuyết phục con đến dì Nga mượn sách đọc, học. Ðể khuyến khích việc đọc sách, Nga chụp lại ảnh các bạn đọc, mượn sách hoặc giới thiệu sách mới mua; rồi viết bài chia sẻ, đăng lên trang cá nhân. Cô tag (đính kèm) tên các bạn được chụp vào, thường là các em học giỏi, ngoan, các thầy cô giáo hoặc người uy tín nhằm tạo sức lan tỏa lớn. Việc mọi người xem bài viết và chứng kiến những người giỏi, người tốt cũng đọc sách, sẽ góp phần kích thích họ muốn đọc và cho con cháu đọc. Hiện tại, bạn đọc đang mượn gần 1.000 cuốn sách từ tủ sách Thúy Nga.

Ðông người tìm đến, Nga bận hơn, mệt và đau hơn, nhưng trong lòng cô luôn tràn ngập niềm vui và mong muốn cải thiện hơn nữa cho tủ sách. "Nhà tôi hiện đã cũ, phòng sách có mái tôn rất thấp, nóng, chật quá, chỉ trống một khoảng chừng vài cái chiếu nhỏ để mọi người ngồi đọc sách và chọn sách. Tôi đã thuê người đóng năm tủ lớn để sách rồi mà do mua sách liên tục cho nên vẫn chật, phải để trong nhiều thùng, hộp bên ngoài rất bất tiện khi bạn đọc chọn sách", Nga nói. Cô đang cố gắng cân đối lại quỹ mua sách để có thể tiết kiệm một khoản xây thư viện rộng hơn, chứa được nhiều tủ sách hơn và có không gian thoải mái cho mọi người ngồi đọc, không phải chen nhau mỗi khi đến mượn sách.

Tiếp lửa yêu thương

Mặc dù ít khi ra ngoài, nhưng nhờ chăm đọc sách, tìm kiếm kiến thức trên in-tơ-nét và tình yêu với học tập đã thúc đẩy Nga có thêm một quyết tâm mới, khó khăn không kém. Mấy tháng nay, cô dành nhiều thời gian để học thêm Lớp xóa mù tiếng Anh miễn phí - Tony Xman trên mạng, đã vậy còn học song song hai khóa. "Nhiều người hỏi là tôi học tiếng Anh làm gì, nên dành thời gian nghỉ ngơi cho khỏe, chỉ cần làm tốt việc đang làm ở Tủ sách miễn phí Thúy Nga là quý lắm rồi. Hơn nữa, thường xuyên chỉ ở trong nhà, chẳng đi đâu cả thì cần gì tiếng Anh? Có thể là như thế thật, nhưng mọi người không biết được ước mơ của tôi là nghe, nói, đọc và viết được tiếng Anh", Nga nhấn mạnh. Học tiếng Anh vừa là ước mơ từ lâu, vừa là một ước vọng tương lai. Nga tin, nếu sử dụng được tiếng Anh, cô sẽ có cơ hội giúp tủ sách phát triển tốt hơn, bạn đọc sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều điều hữu ích hơn. "Tôi thật sự biết ơn tâm huyết của thầy Tony Xman và các thầy cô giáo khác, cũng như các bạn học tốt bụng trong lớp học miễn phí nhưng đề cao chất lượng đó. Họ giúp tôi mỗi ngày biết thêm một chút, tiến bộ hơn; là động lực để tôi quên bớt đau mệt, vui học tiếng Anh", Nga chia sẻ.

Bạn Lê Văn An, sinh viên năm thứ hai Trường đại học Y Hà Nội, kể: "Em biết đến tủ sách của chị Nga từ năm lớp 11, rồi dần trở thành khách quen khi nhận thấy được sự tích cực của việc đọc sách. Hơn nữa, chị Nga còn là người truyền cảm hứng để bản thân em nỗ lực hơn trong học tập và cuộc sống. Chị Nga như là một "bể chứa" năng lượng tích cực vậy". Dù đi học xa, mỗi lần gặp khó khăn trong cuộc sống, An hay nhiều bạn khác vẫn thường trò chuyện với Nga để có thể chia sẻ tình cảm, tiếp thêm động lực sống tốt và dần trưởng thành. Bạn Ngô Thị Thảo, từng làm phó quản lý tại một nhà hàng Pháp nổi tiếng ở Ðà Nẵng, chia sẻ: "Ðã 15 năm kể từ ngày em biết chị Nga và tìm đến tủ sách của chị. Từng giai đoạn cũng như khúc ngoặt của cuộc đời em đều gắn với những cuốn sách nhất định ở đó. Bởi vậy, nguồn cảm hứng đọc sách được truyền từ chị Nga, giờ vẫn theo em và cả chồng, con em đến rất nhiều nơi. Em luôn biết ơn cuộc đời ưu ái đã gửi nhân duyên này và cầu mong chị Nga luôn bình an cả sức khỏe lẫn tâm trí để vững vàng với sứ mệnh Gieo duyên đọc sách - Lan tỏa yêu thương".

Với Thúy Nga, tủ sách giúp cuộc sống của cô ý nghĩa hơn, đáng sống hơn, thấy mình còn cần cho nhiều người. Nga tâm sự: "Các em học sinh, sinh viên rất hay tâm sự với tôi. Những câu chuyện, những nụ cười, những ước mơ đẹp của các em khiến tôi như được sống trong tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết và vui tươi đó vậy. Ðúng là trong cuộc sống dù còn nhiều thử thách, nhưng với tôi khi mình cho đi cũng là lúc bản thân đang nhận lại nhiều hơn những giá trị về tinh thần mà mình không hề nghĩ tới!". Do vậy, Trần Thúy Nga chưa bao giờ cho phép mình bỏ cuộc, luôn cố gắng sống tích cực và biết ơn từng giây phút "được sống", được miệt mài cho và nhận thêm nhiều yêu thương.

PHONG CHƯƠNG