Giải quyết vướng mắc để đưa tàu Hoa Phượng Ðỏ vào khai thác

Sau gần bảy năm ký hợp đồng, tám lần ký phụ lục điều chỉnh, đến giữa năm 2019, tàu Hoa Phượng Ðỏ - con tàu dự kiến sẽ nối đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ gần hơn với đất liền Hải Phòng mới được hoàn thành. Nhưng từ đó đến nay, con tàu trị giá hơn 170 tỷ đồng vẫn nằm bất động và chưa biết đến bao giờ mới được đưa vào hoạt động, để góp phần phục vụ việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân huyện đảo.

Tàu Hoa Phượng Ðỏ đã hoàn thiện và vẫn "nằm bờ".
Tàu Hoa Phượng Ðỏ đã hoàn thiện và vẫn "nằm bờ".

Những ai đã từng đi tàu từ đất liền Hải Phòng ra huyện đảo Bạch Long Vĩ dài gần 80 hải lý (tương đương 110 km) mới thấy sự gian nan của những người dân trên đảo. Ðây là tuyến biển đầy sóng gió, rất hiểm nguy, nhất là trong thời gian gió mùa. Hằng tháng, chỉ có một vài chuyến tàu ra đảo trên chiếc tàu vận tải của huyện đảo thuê, hoặc tàu Bạch Long cũ kỹ của Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng. Tàu chạy phải từ tám đến 10 giờ mới ra tới đảo, tùy theo con nước và tốc độ gió, chỉ cần sóng cấp 6, cấp 7 là không hoạt động được vì không bảo đảm an toàn. Ðã có nhiều chuyến tàu xuất phát từ đất liền, chạy hơn một nửa hành trình đến khu vực gần đảo đèn Long Châu phải dừng lại do sóng to, gió lớn. Khi đó, tàu lại phải quay về đảo Cát Bà (huyện Cát Hải) để tá túc, chờ sóng, gió giảm mới tiếp tục hành trình. Nhiều khi cán bộ, người dân có việc gấp cần về đất liền đành phải đi nhờ tàu đánh cá của ngư dân cho dù biết nguy hiểm, không an toàn vì không còn phương tiện nào khác. Nhiều trường hợp vận chuyển người bệnh vào đất liền cấp cứu cũng đành đi nhờ tàu đánh cá…

Trước tình hình đó, dự án đóng mới tàu Hoa Phượng Ðỏ nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa đảo Bạch Long Vĩ với đất liền của quân và dân huyện đảo được Nhà nước quan tâm. Con tàu không chỉ gắn kết đảo Bạch Long Vĩ với đất liền, thu hút dân cư ra đảo sinh sống lâu dài, mà còn góp phần gìn giữ chủ quyền biên giới hải đảo, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có nhu cầu… Dự án được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt ngày 31-7-2012 với tổng mức đầu tư gần 173 tỷ đồng, gồm chín gói thầu. Theo đó, tàu được đóng với cấp hạn chế I, trọng tải 220 tấn, tầm hoạt động 750 hải lý, năng lực chở 200 người và 50 tấn hàng hóa hoạt động được trong điều kiện sóng cấp 6 - cấp 7, gió cấp 8 - cấp 9, hoạt động liên tục ba ngày đêm và có tốc độ tối đa 17-18 hải lý/giờ (tốc độ hành trình tiết kiệm là 15 hải lý/giờ)… Thời hạn thực hiện dự án trong năm 2012-2013. Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm được giao thực hiện gói thầu thi công đóng mới tàu với giá trị 146,1 tỷ đồng trong thời gian 329 ngày theo hợp đồng được ký tháng 1-2013. Ðơn vị thi công trực tiếp (nhà thầu phụ) là Công ty TNHH MTV Ðóng tàu Bạch Ðằng (Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam).

Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là bố trí nguồn vốn, cho nên dự án liên tục phải điều chỉnh tám lần, trong đó chủ yếu là điều chỉnh thời gian thực hiện: tháng 1-2013 điều chỉnh lên 875 ngày; tháng 1-2014 điều chỉnh lên 1.210 ngày; tháng 7-2016 điều chỉnh đến hết năm 2016; tháng 12-2016 lại điều chỉnh tiếp đến giữa tháng 9-2017; tháng 9-2017 lại điều chỉnh đến hết năm 2017; cuối năm 2017 lại điều chỉnh đến hết tháng 1-2018; đến tháng 1-2018 lại tiếp tục điều chỉnh đến hết năm 2019… Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng ngày 12-5-2017, tàu cũng được hạ thủy và tiếp tục hoàn thiện tàu, chạy thử đường dài vào tháng 12-2017. Sau khi hiệu chỉnh, điều chỉnh, tàu được cơ quan Ðăng kiểm Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam chấp thuận và tháng 6-2019, tàu Hoa Phượng Ðỏ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký và Giấy chứng nhận định biên an toàn tối thiểu… Tuy nhiên, đến nay, tàu Hoa Phượng Ðỏ vẫn tiếp tục "nằm bờ", chưa được bàn giao đưa vào sử dụng. Quyền Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Ðóng tàu Bạch Ðằng Nguyễn Văn Mạnh cho biết, hiện còn một số vướng mắc, trong đó chủ yếu là chưa thống nhất được việc điều chỉnh hợp đồng, thay đổi phát sinh trong thực tế thi công đóng tàu và việc thanh, quyết toán… khiến việc bàn giao đưa tàu vào khai thác chưa thực hiện được.

Sau gần bảy năm ký hợp đồng, tám lần điều chỉnh, nhưng con tàu có vốn đầu tư hơn 170 tỷ vẫn "nằm bờ". Ðây có lẽ là một "kỷ lục" đáng buồn về sự chậm trễ, lãng phí về thời gian và tài sản của Nhà nước. Thậm chí, việc kéo dài thời gian đóng mới con tàu còn khiến gói thầu bảo hiểm đóng tàu trị giá hơn 4,3 tỷ đồng quá thời gian thực hiện và không được ký phụ lục hợp đồng kéo dài vì dự án không biết đến khi nào hoàn thành. Còn người dân huyện đảo Bạch Long Vĩ xa xôi vẫn mòn mỏi đợi chờ… Ðã đến lúc, lãnh đạo huyện đảo Bạch Long Vĩ, Công ty cổ phần Ðóng tàu Sông Cấm, Công ty TNHH MTV Ðóng tàu Bạch Ðằng, cùng các ban, ngành có trách nhiệm của TP Hải Phòng và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam cần bàn bạc, thống nhất để giải quyết dứt điểm những vướng mắc, sớm đưa tàu Hoa Phượng Ðỏ vào khai thác, tránh lãng phí và đáp ứng nhu cầu cấp bách của quân và dân huyện đảo cũng như những kỳ vọng mà mục tiêu dự án đã đề ra ban đầu.