Gia Lai coi trọng phục hồi đất nông nghiệp

Tỉnh Gia Lai xác định hoạt động phục hồi đất nông nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên và từng bước ứng dụng nhiều biện pháp, nhằm nâng cao chất lượng đất tại địa phương. 

Tỉnh có gần 1,4 triệu héc-ta đất nông nghiệp, chiếm 89,6% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, trong đó hơn 1,1 triệu héc-ta đã bị thoái hóa (hơn 322.000 ha thoái hóa nặng, hơn 533.000 ha thoái hóa trung bình và gần 328.000 ha thoái hóa nhẹ). Diện tích đất thoái hóa gồm bốn loại hình: đất bị xói mòn do mưa; đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa; đất bị kết von; đất bị suy giảm độ phì nhiêu. 

Nhằm khắc phục sự thoái hóa và phục hồi diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn, Gia Lai đã áp dụng nhiều giải pháp khoa học - công nghệ để đánh giá tiềm năng đất đai, phân hạng đất nông nghiệp và xác định ô nhiễm đất, nhất là xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng tài nguyên đất. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng cần thực hiện những biện pháp để làm giảm đến mức thấp nhất tác hại của mưa và dòng chảy do mưa tạo ra, đồng thời làm tăng độ phì nhiêu của đất. Tái tạo lớp phủ thực vật bằng cây rừng hoặc tổ hợp cây nông lâm kết hợp để bảo vệ độ phì nhiêu của đất và sử dụng bền vững đất dốc; thực hiện tuần hoàn hữu cơ trong đất. Kết hợp triển khai áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp như sinh học, nông học, hóa học, cơ học và đầu tư thâm canh sử dụng đất theo chiều sâu. Ngoài ra, cần tăng cường thực hiện các dự án trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao kết hợp nuôi, trồng các loại cây, con một cách hợp lý nhằm một mặt sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, mặt khác vẫn bảo đảm việc bảo vệ, phục hồi tài nguyên đất dốc… 

* Nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động khu vực nông thôn, trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Theo Sở Công thương tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh đang duy trì và phát triển 25 làng nghề (19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới); ngành nghề chủ yếu là mộc, gốm, đan lát mây tre, rèn, chế tác đá và chế biến nông - lâm - thủy sản. Các làng nghề đã tạo việc làm cho hơn 55 nghìn lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, tỉnh đã hình thành nhiều cụm công nghiệp, vùng sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung như các cụm công nghiệp: Tề Lỗ, Hợp Thịnh, Tân Tiến…; góp phần không nhỏ vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Để tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn, tỉnh Vĩnh Phúc ban hành cơ chế nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh hỗ trợ 143 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực gia công cơ khí, xây dựng, chế biến nông lâm, thủy sản, mộc… xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, khoa học kỹ thuật với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Năm 2019, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu 32 đề án hỗ trợ mua máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến ứng dụng vào sản xuất với kinh phí khuyến công hỗ trợ là 3 tỷ đồng. Chương trình khuyến công của tỉnh tổ chức 11 lớp tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kỹ năng quản lý doanh nghiệp; đồng thời tổ chức hội thảo chuyên đề tuyên truyền về sản xuất sạch với sự tham gia của hơn 400 cán bộ quản lý và lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn…