Ðề phòng lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 7-4, do không khí lạnh kết hợp hội tụ gió lên đến mực 5.000 m cho nên ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa dông nhiều nơi. Riêng hôm nay (5-4) ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa dự báo từ nay đến ngày 7-4 phổ biến từ 40 đến 80 mm/đợt, riêng vùng núi phía bắc có nơi hơn 100 mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng cao xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

 Trang trại nuôi lợn của người dân huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) theo mô hình khép kín phát triển ổn định. Ảnh: LÊ NAM
Trang trại nuôi lợn của người dân huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) theo mô hình khép kín phát triển ổn định. Ảnh: LÊ NAM

* Sáng 4-4, ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa đo được trong 4 giờ tại trạm Việt Yên 46 mm, Mai Sưu 44 mm, Yên Dũng 31 mm (Bắc Giang); Hạ Lang 36 mm, Minh Thanh 33,8 mm, Án Lại 27 mm (Cao Bằng); Bằng Thành 38,2 mm, Nhạn Môn 18,2 mm (Bắc Kạn). Dự báo ở khu vực miền núi phía bắc tiếp tục có mưa to cho nên nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở và ngập úng cục bộ tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Nghệ An.

* Ngày 4-4, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai có Công văn số 32/TWPCTT-VP đề nghị các tỉnh miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và dông lốc, sét, mưa đá. Theo đó, các địa phương kiểm tra, rà soát những hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng, vật tư phương tiện triển khai bảo đảm an toàn cho nhân dân, khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó lũ quét, sạt lở đất và dông, lốc, sét kèm theo mưa đá…

* Ðài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa cho biết, sáng 4-4 trên địa bàn có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa đo được tại trạm Bái Thượng là 46,8 mm, trạm Xuân Khánh 33,8 mm, trạm Yên Cát 29 mm. Cảnh báo tiếp tục có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 20 đến 50 mm, có nơi hơn 50 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cục bộ tại các huyện miền núi.

* Ngày 4-4, mưa lớn làm nhiều tuyến đường ở thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông, Lê Duẩn... bị ngập sâu ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.

* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Chỉ thị số 2380/CT-BNN-BVTV về việc tăng cường phòng, chống sinh vật gây hại lúa đông xuân ở các tỉnh phía bắc. Theo đó, từ cuối tháng 3 đến nay, mưa nhỏ, độ ẩm cao tạo điều kiện nhiều đối tượng gây hại lúa đông xuân, nhất là bệnh đạo ôn lá, cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng. Vì vậy, các địa phương hướng dẫn người dân bám sát đồng ruộng nhằm phát hiện sớm sâu, bệnh gây hại để phòng trừ kịp thời; chăm sóc và bón phân tập trung vào các đợt bón thúc, không bón đón nhằm giảm tới mức thấp nhất sự phát sinh, gây hại của bệnh bạc lá trong trường hợp có mưa, gió lớn…

* Ở các tỉnh, thành phố phía bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) hiện nay, có hơn 1,1 triệu ha lúa đông xuân đang sinh trưởng, phát triển tốt. Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ khoảng 351.000 ha, vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía bắc khoảng 755.000 ha. Hiện, ở vùng Bắc Trung Bộ lúa đông xuân sớm có hơn 65 nghìn ha trổ bông, trà lúa chính vụ dự kiến trỗ từ nay đến ngày 20-4.

* Người dân tỉnh Ninh Thuận đang tập trung thu hoạch gần 12.000 ha lúa, ước năng suất bình quân 6,6 tấn/ha, sản lượng ước đạt 78.965 tấn. Mặc dù vụ đông xuân này, tỉnh phải dừng sản xuất 4.556 ha lúa do hạn hán, nhưng nhờ năng suất cao cho nên sản lượng giảm không đáng kể.

* Tại huyện Gò Dầu (Tây Ninh), đến nay người dân đã thu hoạch dứt điểm 7.100 ha lúa đông xuân, năng suất bình quân 65 tạ/ha. Nhằm bảo đảm cây trồng vụ hè thu phát triển tốt, ngành nông nghiệp huyện đang khuyến cáo người dân thăm đồng nhằm phát hiện đối tượng gây hại để phòng trừ.

* Vụ lúa hè thu 2020, tỉnh An Giang dự kiến xuống giống hơn 234 nghìn ha. Ðể ứng phó với khô hạn và phân bố nguồn nước hợp lý phục vụ sản xuất, tỉnh chia làm ba đợt xuống giống luân phiên. Hiện nay, các địa phương đã xuống giống đợt 1; kế hoạch xuống giống đợt 2 từ ngày 1-4 đến 30-4; đợt 3 từ ngày 1-5 đến 20-5, với 27 nghìn ha.

* Tại tỉnh Ðiện Biên, khoảng 570 ha lúa bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, trong đó, huyện Ðiện Biên có gần 200 ha lúa bị thiệt hại và hơn 300 ha khác có nguy cơ. Các địa phương đang huy động người dân tu sửa, nạo vét kênh, mương, điều tiết nước hợp lý cho sản xuất.

* UBND tỉnh Bình Ðịnh vừa yêu cầu sở, ban, ngành chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp cấp bách chống hạn, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh năm 2020. Theo đó, các địa phương cần mở rộng mạng lưới cấp nước để bổ sung nguồn nước đáp ứng nhu cầu của người dân; chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng sản xuất thiếu nước, nguy cơ xâm nhập mặn.

* Tại tỉnh Gia Lai, đến nay hạn hán khiến hơn 1.400 ha cây trồng bị thiệt hại. Ngoài ra, nguồn nước các hồ chứa, đập dâng, sông suối tại tỉnh thiếu hụt từ 42 đến 70%.

* Tỉnh Ðắk Lắk hiện có hơn 5.900 ha cây trồng bị hạn, trong đó có 2.715 ha lúa, 1.539 ha cây hoa màu… Bên cạnh đó, khoảng 1.000 hộ dân ở các huyện Ea Súp, Krông Bông, Ea Kar, Ea H’leo bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Dự báo, nắng nóng tiếp tục xảy ra, nguồn nước thiếu hụt, đến giữa tháng 4 toàn tỉnh sẽ có khoảng 30.000 ha cây trồng bị thiếu nước tưới và khoảng 2.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt.

* Tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh tái đàn lợn. Ðến nay, trên địa bàn có khoảng 435.688 con, tăng 5,5% so với đầu năm 2020. Tuy nhiên, tổng đàn lợn của tỉnh chỉ đạt 83,5% so với thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện vào tháng 4-2019.

* Hơn 60 ngày qua, trên địa bàn TP Hà Nội không phát sinh ổ DTLCP mới. Tuy nhiên, theo dự báo nguy cơ bùng phát dịch vẫn rất cao nên ngành nông nghiệp thành phố đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trong việc tái đàn; tuyên truyền, hướng dẫn người dân biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

* Tại tỉnh Ninh Bình, 141 xã, phường, thị trấn đã công bố hết DTLCP. Ðể phòng, chống dịch bệnh, tỉnh phấn đấu đến ngày 30-4 hoàn thành tiêm phòng cho đàn vật nuôi; khuyến cáo người dân chuyển sang chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, trang trại.

* Tỉnh Gia Lai, hiện có tổng đàn lợn hơn 330.000 con, khoảng 100 trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô từ 500 con đến 4.800 con. Do các trang trại đều thực hiện nghiêm các quy định về chăn nuôi tập trung cho nên chưa có trang trại nào bị ảnh hưởng do DTLCP.

* UBND tỉnh Bạc Liêu vừa quyết định công bố hết DTLCP. Ðồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng và địa phương tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát dịch nhằm báo cáo kịp thời tình hình và diễn biến dịch bệnh phát sinh mới nếu có. Hiện nay, tỉnh có khoảng 112.000 con lợn, giảm hơn 50% so với cùng kỳ.

* UBND tỉnh Tây Ninh vừa yêu cầu các địa phương đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn trở lại nhưng phải bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh. Ðồng thời hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp xử lý môi trường phục vụ phòng, chống dịch và tái đàn, tăng đàn lợn. Ðến nay, hơn 100 trang trại chăn nuôi lợn trong tỉnh đã tái đàn được gần 130.000 con.

* Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vừa xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại xã Minh Dân huyện Hàm Yên. Cơ quan chức năng đã khoanh vùng phun hóa chất khử trùng, rắc vôi dập dịch; đề nghị các hộ dân chung quanh khu vực thực hiện nghiêm việc nuôi nhốt gia cầm.

* Hiện nay, tại An Giang có hơn 2,7 triệu con gia cầm. Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh, tỉnh đã cung cấp 6.171.000 liều vắc-xin để tiêm phòng cúm gia cầm; đồng thời cung cấp 4.144 lít hóa chất phun tiêu độc, khử trùng.

* Hướng về đồng bào nghèo vùng hạn mặn, Công ty TNHH Thương mại xây dựng Ðại Phước Thành (Tiền Giang) đã và đang tổ chức nhiều chuyến xe chở nước ngọt ủng hộ người dân vùng bãi ngang, ven biển trên địa bàn. Từ ngày 24-3 đến nay, công ty đã hỗ trợ nước ngọt cho hơn 1.300 người dân (60 lít mỗi người), phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.