Ðể cánh đồng lớn không trở thành mô hình dang dở

(Tiếp theo và hết)(*)

Nông dân huyện Thanh Bình (Ðồng Tháp) thu hoạch lúa. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Nông dân huyện Thanh Bình (Ðồng Tháp) thu hoạch lúa. Ảnh: HOÀNG QUÂN

Bài 2 Vực dậy cánh đồng lớn

Mô hình cánh đồng lớn được xây dựng nhằm hướng tới nền sản xuất lúa gạo hiện đại, theo chuỗi khép kín, tạo ra sản lượng lớn, đồng đều, tăng chất lượng lúa và nhất là tạo ra giá trị gia tăng cao cho hạt gạo. Tuy nhiên, đến nay, những mục tiêu đó đều dang dở. Làm thế nào để vực dậy cánh đồng lớn là câu hỏi cũ, nhưng đang đòi hỏi những câu trả lời mới trong bối cảnh nhiều biến động của ngành hàng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hiện nay.

Ðổi mới liên kết

Trao đổi về nguyên nhân việc triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn không đạt hiệu quả như mong muốn, GS Võ Tòng Xuân, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) nhận định: Ðể cánh đồng lớn thật sự lớn thì buộc phải đổi mới liên kết, trong đó chú trọng hai chủ thể chính là nông dân và doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp nên thay đổi tư duy kinh doanh theo "thương vụ", nông dân thay đổi tư duy kinh doanh theo "mùa vụ". Cụ thể, doanh nghiệp không chỉ cung ứng vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, mà quan trọng nhất là cần đặt hàng cho nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường mình đã tìm hiểu, cũng như theo hợp đồng đã ký kết với đối tác. Như thế lúa sản xuất ra đã chắc chắn có "cầu" tiêu dùng, có địa chỉ tiêu thụ chứ không chỉ là truyền thống "mùa nào thức đó" không theo tín hiệu thị trường như hiện nay.

Ðiều này hoàn toàn có cơ sở khi thời gian qua, những liên kết tồn tại và phát triển hiệu quả được, đều là liên kết có địa chỉ tiêu thụ và sản xuất theo yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Như mô hình canh tác lúa lý tưởng ở xã Mỹ Ðông, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp. Ðược triển khai từ vụ đông xuân 2017 - 2018, quy mô vùng dự án là 170 ha, thực hiện tại Hợp tác xã Mỹ Ðông 2, mô hình đã đem lại hiệu quả trên nhiều mặt. Ðây là mô hình có sự tham gia liên kết của Công ty cổ phần Rynan Smart Fertilizers, với giống lúa sử dụng là Jasmin 85, Ðài Thơm 8. Mô hình sử dụng phân bón thông minh do công ty cung cấp (chỉ bón phân một lần trong cả vụ, phân bón sẽ tự tan theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa mà không cần sự can thiệp từ người trồng). Ðồng thời, công ty cũng trang bị phần mềm quản lý canh tác, quan trắc nước... cho bà con thông qua máy điện thoại thông minh để có thể tự theo dõi ruộng lúa của mình tại bất kỳ nơi nào... Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Hội quán Thuận Tâm (ấp 4, xã Mỹ Ðông) cho biết: "Với hình thức canh tác này, bà con giảm được chi phí đầu vào, không mất công sức thăm nom đồng ruộng. Ngoài ra, môi trường sản xuất và môi trường nông thôn cũng được cải thiện khi lượng phân bón ít, giảm khí thải nhà kính... Ðến vụ thu hoạch, chỉ cần cân lúa và tính tiền, không lo giá cả trồi sụt hay không tiêu thụ được vì tất cả lúa đều được thu mua hết theo thỏa thuận với doanh nghiệp. Chính vì vậy mấy vụ mùa qua, hầu hết bà con tham gia mô hình này đều có lời cao hơn so với canh tác lúa thông thường từ ba đến năm triệu đồng/ha. Làm lúa thông minh vừa khỏe vừa lời là như vậy".

Ngoài mô hình liên kết sản xuất lúa thông minh thì các hình thức liên kết có yêu cầu về giống lúa cụ thể cũng được bao tiêu bền vững. Cụ thể tại An Giang, theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Hinh, trong năm 2019 có 30 doanh nghiệp có kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa nếp với diện tích 65.800 ha, tăng gần 10 nghìn ha so với năm 2018. Giá lúa thu mua cao hơn thị trường từ 50 đến 100 đồng/kg. Ðối với hợp tác xã thì doanh nghiệp hỗ trợ chi phí quản lý thực hiện từ 10 đến 20 đồng/kg trên tổng sản lượng thu mua. Nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt liên kết bao tiêu sản phẩm nhiều năm như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Agimex, Công ty Agimex-Kitoku, Công ty Gentraco, Công ty cổ phần Nông sản Viancam...

Bên cạnh đổi mới trong liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, nhiều doanh nghiệp cho rằng, mối gắn kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng cần được tăng cường và thấu hiểu hơn nữa. Hiện nay vốn là rào cản lớn nhất trong việc triển khai mô hình cánh đồng lớn, cho nên nhất định phải có sự vào cuộc của ngân hàng. Nhà nước cần tập trung đầu tư và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nòng cốt cần được ngân hàng cho vay đủ vốn để đầu tư xây dựng cánh đồng lớn theo từng dự án được các tỉnh, thành phố phê duyệt. Ðồng tình với quan điểm này, nguyên Viện trưởng Viện lúa ÐBSCL Lê Văn Bảnh cho rằng: Tham gia mô hình cánh đồng lớn, doanh nghiệp phải chịu áp lực lớn về tài chính trong những đợt thu mua lúa cho nông dân vào những thời điểm thu hoạch rộ. Ðồng thời còn phải đầu tư cơ sở hạ tầng, kho hàng, phương tiện vận chuyển, nhà máy sấy... cho nên nếu khó khăn về vốn thì không thể theo dài lâu được. Ðây cũng được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện trạng mô hình triển khai tương đối "êm" và thuận lợi trong những năm đầu nhưng càng về sau càng đuối dần.

Tổ chức, sắp xếp lại cách thức thực hiện

Trước thực trạng cánh đồng lớn rơi vào khủng hoảng liên kết, dẫn đến kém hiệu quả trong quá trình triển khai, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng cho biết: Những hạn chế trong thực hiện cánh đồng lớn đã hiển hiện rõ trong thời gian vừa qua, nhưng giải pháp cho nó thì vẫn còn mờ nhạt. Cụ thể nhất là vướng mắc trong mối liên kết "lõi" của chuỗi là liên kết hai chiều giữa nông dân và doanh nghiệp, đến nay chúng ta vẫn chỉ nói là chưa có chế tài cũng như hình thức nào, cơ quan nào xử lý việc "bẻ kèo" mà chưa có giải pháp tận gốc là làm thế nào để tình trạng "bẻ kèo" không diễn ra. Có lẽ đã đến lúc không thể dựa hết vào doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, mà từng địa phương cần có kế hoạch cụ thể trước. Thí dụ, địa phương xác định vùng quy hoạch trồng lúa, vận động nông dân khoanh thành những vùng canh tác lớn; tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ về sự cần thiết hình thành cánh đồng lớn trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Sau đó mới đến bước kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, khi đó doanh nghiệp chỉ thực hiện nhiệm vụ đầu tư vật tư nông nghiệp và xác định giống lúa cần sản xuất theo nhu cầu. Nghĩa là doanh nghiệp chỉ tập trung vào nâng cao năng lực tài chính và tiếp cận các nguồn vốn để đủ khả năng thu mua bảo quản sản phẩm. Còn như hiện nay, doanh nghiệp tham gia cả vào công việc khoanh vùng và vận động nông dân thì sẽ dễ bị phân tán nguồn lực, dễ dẫn đến khủng hoảng nguồn nhân lực, không đủ sức kham hết các hoạt động xây dựng cánh đồng lớn.

Về phía địa phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thành Phước nhận định: Ðể mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân tồn tại lâu bền thì điều cần nhất là đôi bên phải cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro. Ở đó, doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào việc thu lợi nhuận từ bán vật tư nông nghiệp mà lơ là những khâu khác; còn nông dân thì cần tuân thủ đúng, đủ những yêu cầu về sản xuất lúa mà doanh nghiệp đưa ra. Về lâu dài, cần đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã nông nghiệp thành một tổ chức mạnh, hiệu quả. Từ đó, vừa bảo đảm quyền lợi cho nông dân, vừa trở thành "đầu mối giao dịch" với doanh nghiệp, giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp khi phải tham gia ký hợp đồng liên kết với từng nông hộ.

Trong nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, không chỉ đối với lúa gạo mà cánh đồng lớn là xu thế sản xuất tất yếu của hầu hết các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, với nền nông nghiệp nước ta còn manh mún, chủ yếu là các hộ nhỏ lẻ, chưa quen liên kết thì chắc chắn việc nhanh chóng bắt kịp xu hướng sản xuất hàng hóa là không dễ dàng. Hiện, các tỉnh ÐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu sớm 2019 nhưng năng suất không cao và giá lúa cũng xuống thấp, giảm khoảng 800 đồng/kg so với cùng kỳ, khiến nông dân đạt lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 400 nghìn đồng/công (1.000 m2), thậm chí nhiều hộ chỉ hòa vốn hoặc thua lỗ. Không biết đây là vụ mùa thứ bao nhiêu trong gần 10 năm triển khai thực hiện cánh đồng lớn, nông dân ÐBSCL vẫn loay hoay với bài toán giá cả, lợi nhuận và nợ nần. ÐBSCL bao đời nay vốn là vựa lúa lớn và trù phú, nhưng đâu đó trong lòng châu thổ này đang có những "đứt gãy" khi một bộ phận nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng quê hương khi mỗi vụ lúa đi qua họ gánh thêm những bất an về sản xuất và thu nhập. Chính vì vậy, việc tổ chức, sắp xếp lại cách thức thực hiện là yêu cầu cấp thiết trong thời gian này, nếu không muốn cánh đồng lớn trở thành một mô hình phong trào, bị lãng quên theo thời gian.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 24-6-2019.

Khoảng 5 năm trở lại đây, khi việc xây dựng cánh đồng lớn có biểu hiện chững lại, kém hiệu quả, chúng ta cũng mới chỉ nêu vấn đề tại các cuộc tổng kết ngành mà chưa có một chương trình riêng khảo sát và đánh giá cụ thể chi tiết tại từng địa phương. Thậm chí diện tích tăng, giảm chính xác của từng địa phương, Cục Trồng trọt cũng chưa nhận được số liệu báo cáo rõ ràng, chi tiết theo từng mùa vụ, từng năm. Tới đây, rất mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vấn đề này vào kế hoạch tổng kết một cách hệ thống, để có hướng phát triển tiếp theo cho mô hình cánh đồng lớn.

LÊ THANH TÙNG

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt