Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm phải ký quỹ 300 triệu đồng

NDO -

Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết Điều 39 Luật Việc làm về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 300 triệu đồng tại ngân hàng mới đủ điều kiện cấp phép.

Kết nối thông tin về thị trường lao động đem lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động (Ảnh minh họa: Duy Linh).
Kết nối thông tin về thị trường lao động đem lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động (Ảnh minh họa: Duy Linh).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết Điều 39 Luật Việc làm về doanh nghiệp (DN) hoạt động  dịch vụ việc làm (DVVL).

Đối tượng áp dụng là DN hoạt động DVVL và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động DVVL.

Những bất cập cần tháo gỡ

Hiện nay, cả nước có 370 DN hoạt động DVVL được cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Nghị định số 52/2014/NĐ-CP ngày 23-5-2014 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động DVVL của doanh nghiệp hoạt động DVVL (sau đây gọi tắt là Nghị định 52).

Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm phải ký quỹ 300 triệu đồng -0
Tìm thông tin về việc làm trên internet trong bối cảnh dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: Thu Hằng).

Các DN hoạt động DVVL chủ yếu được phân bố ở những địa phương có thị trường lao động phát triển như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, gần các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Từ năm 2014 đến nay, các DN hoạt động DVVL đã góp phần tư vấn, sắp xếp cho hàng chục nghìn NLĐ và hàng nghìn DN được cung cấp các dịch vụ tư vấn tuyển dụng, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Kết quả hoạt động của DN DVVL đã góp phần tích cực trong kết nối cung - cầu lao động, đáp ứng được cơ bản nhu cầu nhân sự của các DN, đặc biệt phân khúc thị trường lao động có trình độ cao, góp phần phát triển thông tin thị trường lao động và làm minh bạch hóa thị trường lao động Việt Nam. 

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, từ thực tế đã nảy sinh một số bất cập.
Theo phản ánh của các địa phương, kinh doanh DVVL là hoạt động kinh doanh có điều kiện, mang tính chất đặc thù và phụ thuộc nhiều vào trình độ, kinh nghiệm của nhân sự thực hiện hoạt động DVVL. Vì vậy, cần bổ sung điều kiện về nhân sự trong DN hoạt động DVVL.

Về chi nhánh hoạt động DVVL, theo quy định tại Nghị định 52, các DN hoạt động DVVL được phép mở chi nhánh khác tỉnh/thành phố. Tuy nhiên, tại một số địa phương, các chi nhánh của DN hoạt động DVVL chưa thực hiện đúng chức năng của chi nhánh, gây khó khăn trong công tác quản lý hoạt động DVVL giữa các địa phương.

Do đó, dự thảo Nghị định mới hướng tới các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động DVVL phải bảo đảm đơn giản hóa, dễ thực hiện, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN. Đồng thời, bảo đảm quyền và lợi ích của DN và người lao động (NLĐ) nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước phù hợp theo cơ chế của thị trường.

Doanh nghiệp phải ký quỹ 300 triệu đồng    

Dự thảo Nghị định gồm năm chương, 25 điều, được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định 52, đồng thời có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với những quy định mới. 

Cụ thể, điều kiện cấp giấy phép gồm ba điều kiện: có địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh để tổ chức hoạt động DVVL ổn định; ký quỹ 300 triệu đồng.

Người điều hành hoạt động DVVL đáp ứng một số điều kiện như có trình độ từ đại học trở lên, hoặc đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về DVVL từ đủ ba năm trở lên trong thời hạn năm năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

Giấy phép hoạt động DVVL do Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi DN đặt trụ sở chính ủy quyền cấp. Giấy phép được cấp theo mẫu, thời hạn giấy phép tối đa là 60 tháng, không giới hạn số lần gia hạn giấy phép.

Tiền ký quỹ của DN được dùng để bồi thường, giải quyết quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân trong trường hợp DN hoạt động DVVL không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động DVVL.

DN hoạt động DVVL thực hiện thủ tục nộp tiền ký quỹ theo đúng quy định của ngân hàng và tuân thủ quy định của pháp luật.

Ngân hàng nhận ký quỹ có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận tiền ký quỹ; quản lý tiền ký quỹ gồm: phong tỏa toàn bộ số tiền ký quỹ, cho DN nộp tiền ký quỹ, rút tiền ký quỹ theo đúng quy định.

Dự thảo quy định cụ thể về nội dung về hoạt động DVVL, chi nhánh của DN hoạt động DVVL, thông báo hoạt động DVVL. Trong đó, nội dung hoạt động DVVL bao gồm: hoạt động tư vấn; Giới thiệu NLĐ cần tìm việc làm với người sử dụng lao động (NSDLĐ) cần tuyển lao động; Cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của NSDLĐ; Thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động; Phân tích và dự báo thị trường lao động; Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng, giáo dục nghề nghiệp khác theo quy định của pháp luật; Thực hiện các chương trình, dự án về việc làm.

Để đáp ứng đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động DVVL, DN cần có có địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh để tổ chức hoạt động DVVL thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của DN hoạt động DVVL hoặc DN hoạt động DVVL có hợp đồng hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất ổn định trong thời gian ít nhất 5 năm (60 tháng).

DN có quyền được thành lập chi nhánh hoạt động DVVL trong nước theo quy định của Luật DN và đủ điều kiện quy định tại dự thảo Nghị định này. 

Chi nhánh hoạt động DVVL phải niêm yết công khai quyết định của DN giao nhiệm vụ cho chi nhánh hoạt động DVVL và Bản sao chứng thực giấy phép của DN tại trụ sở chi nhánh.