Doanh nghiệp cần gỡ khó với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng

NDO -

Sau một thời gian triển khai, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng chưa tiếp cận được nhiều doanh nghiệp và người lao động. Do đó, đã có đề xuất nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng, tới các chủ thể khác trong chính sách này.

Ảnh minh họa: Duy Linh.
Ảnh minh họa: Duy Linh.

Chưa doanh nghiệp nào tiếp cận được vốn vay 

Sau gần ba tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 42) và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 15), gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng đã được triển khai đồng bộ tại nhiều địa phương trong cả nước.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, đến ngày 29-6, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc bảy nhóm đối tượng được thụ hưởng, với tổng kinh phí khoảng 17,5 nghìn tỷ đồng. 

Kho bạc Nhà nước đã giải ngân hơn 11,2 nghìn tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ  hơn 11 triệu người và 6.196 hộ kinh doanh. Cụ thể, Chương trình cũng hỗ trợ gần 169,5 nghìn người lao động (NLĐ) với kinh phí hơn 176 tỷ đồng.

So với dự kiến ban đầu, số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ NLĐ còn ít, trong đó tập trung vào ba nhóm đối tượng.

Trước hết, với NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại doanh nghiệp, mới hỗ  trợ gần 16.000 người. Trong khi, số lượng dự kiến ban đầu là một triệu người.
Tiếp đó là người sử dụng lao động (NSDLĐ) vay Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội và trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tới thời điểm này, chưa có hồ sơ nào được giải ngân do điều kiện quy định quá chặt chẽ. Nguồn vốn dự kiến dành cho vay ban đầu là 16 nghìn tỷ đồng với ba triệu lao động được hỗ trợ.

Trước đó, ngày 29-6, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động việc làm cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19”. Tại chương trình, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, do các điều kiện đưa ra quá khắt khe, nên đến thời điểm này, có rất ít doanh nghiệp và NLĐ bị dịch Covid-19 ảnh hưởng được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ.

Đại diện các doanh nghiệp đều đề xuất Chính phủ nới lỏng điều kiện, tiêu chí hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng; tiếp tục kéo dài thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất trước mắt đến hết năm 2020; tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị mất việc làm, giúp họ có cơ hội trở lại thị trường lao động.

Đối với hộ kinh doanh hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, Ủy ban nhân dân cấp xã gửi Chi cục Thuế đề nghị thẩm định 30.964 hộ. Trong khi đó, con số dự kiến ban đầu là 760 nghìn hộ.

Lý giải về tình trạng trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, thời điểm các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ, tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát tại Việt Nam nên dự báo số đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch tương đối nhiều. Tuy nhiên, trong thực tế, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh vào cuối tháng 5, tạo điều kiện cho nước ta mở cửa lại nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp quay trở lại phát triển sản xuất, kinh doanh. Do vậy, số lượng lao động mất việc làm, ngưng việc tiếp cận gói hỗ trợ này còn khá ít.

Các văn bản quy định NSDLĐ có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho NLĐ theo Khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động. Điều này dẫn đến doanh nghiệp phải sử dụng hai nguồn tài chính để trả lương cho NLĐ và số tiền mà doanh nghiệp được vay không nhiều.

Một số NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương lại không được hỗ trợ do không thuộc đối tượng, hoặc không đủ điều kiện hỗ trợ. Đó là NLĐ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập, hợp tác xã, tổ chức không phải là doanh nghiệp. Do đó, không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị quyết số 42, Quyết định số 15.

Về hộ kinh doanh cá thể, một phần do các hộ tạm dừng kinh doanh trong khoảng thời gian ngắn, các cấp chính quyền địa phương còn xét duyệt tương đối chặt chẽ. 

Mặt khác, tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 15 quy định điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh là phải tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1-4- 2020 theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, nên hạn chế đối tượng hộ kinh doanh thuộc diện thụ hưởng.

Sửa đổi quy định để tăng đối tượng thụ hưởng 

Chia sẻ với những ý kiến của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, cơ quan này có văn bản trình Chính phủ nới lỏng một số điều kiện, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Xác định các doanh nghiệp, NLĐ còn gặp nhiều khó khăn, cần hỗ trợ sớm, trong phiên họp của Chính phủ tới đây sẽ tiếp tục bàn giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ mạnh hơn. Một số đề xuất sửa đổi đã được nêu cụ thể. 

Tại khoản 1 mục II của Nghị quyết số 42, đề nghị thay "doanh nghiệp" bằng "NSDLĐ". Đề xuất này nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng tới các chủ thể khác ngoài doanh nghiệp như trường học, tổ chức, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có sử dụng lao động.

Sửa quy định từ “không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương” thành “doanh thu quý 1 năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý 4 năm 2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019” để NSDLĐ tiếp cận tốt với chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bổ sung nội dung thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được tính từ ngày 23-1  đến ngày 1-6-2020. Vì trong thực tế, có các trường hợp NLĐ đã thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động từ trước ngày 1-4-2020. Điều này nhằm tránh bỏ sót đối tượng trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tại khoản 2 mục II, sửa quy định “NSDLĐ gặp khó khăn về tài chính” thành “NSDLĐ có doanh thu quý 1 năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý 4 năm 2019 hoặc doanh thu tại thời điểm xét hưởng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019”.

Lược bỏ nội dung “đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho NLĐ theo khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động” để NSDLĐ chủ động trong chi trả tiền lương cho NLĐ. Sửa quy định "trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020" thành "trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2020" để tiếp tục hỗ trợ cho NSDLĐ đến hết năm 2020 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Lược bỏ nội dung "để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hằng tháng đến người bị ngừng việc". Trong thực tiễn, quy định này làm phát sinh thủ tục trong quá trình giải ngân của Ngân hàng, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc linh hoạt các nguồn kinh phí để trả lương ngừng việc nhằm giữ chân NLĐ.

Tại khoản 3 mục II, đề nghị bổ sung nội dung và sửa đổi như sau: "Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020 theo quyết định của các cấp có thẩm quyền được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá ba tháng."

Việc bổ sung làm rõ nội dung hộ kinh doanh bị tạm ngừng theo quyết định của các cấp có thẩm quyền sẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong công tác xét duyệt hồ sơ thẩm định, thống nhất thực hiện trong cả nước.

Trong diễn biến dịch Covid-19 hiện nay, việc nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết số 42 phù hợp hơn với điều kiện thực tế hiện nay là cần thiết, giảm bớt thủ tục chứng minh tình hình tài chính của NSDLĐ. Từ đó, giúp họ tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn tín dụng khoảng 16 nghìn tỷ đồng.