Đề xuất thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai ở Trung ương

NDO -

NDĐT - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với tờ trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cần có Quỹ Phòng chống thiên tai ở Trung ương để tiếp nhận nguồn lực quốc tế và điều tiết nguồn lực giữa các Quỹ trong nước cho công tác phòng chống thiên tai.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng.

Sáng 11-11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Quỹ Phòng chống thiên tai Trung ương sẽ làm đầu mối điều tiết nguồn quỹ cấp tỉnh

Báo cáo thẩm tra nói rõ, về Quỹ phòng, chống thiên tai, đa số ý kiến tán thành với thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai (PCTT) ở Trung ương vì cho rằng, đây là đầu mối quan trọng để tiếp nhận và sử dụng các nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho PCTT ở Việt Nam; điều phối nguồn quỹ PCTT cấp tỉnh.

"Luật PCTT hiện hành không quy định về Quỹ PCTT Trung ương, chỉ có quy định về Quỹ PCTT cấp tỉnh - là nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để hỗ trợ hoạt động PCTT ở địa phương. Thực tiễn PCTT cho thấy, ở địa phương thiên tai xảy ra nhiều thì nhu cầu sử dụng Quỹ PCTT lớn nhưng nguồn thu của Quỹ lại thấp (do quy định về miễn giảm đóng góp tại Nghị định 94/2014/NĐ-CP). Do vậy, cần có sự điều tiết giữa các Quỹ PCTT cấp tỉnh từ nơi thừa sang nơi thiếu. Mặt khác, có một số nguồn lực từ một số Chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ trực tiếp cho khắc phục hậu quả thiên tai nhưng pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế tiếp nhận, sử dụng”, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nói.

Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với việc cần có Quỹ PCTT ở Trung ương để tiếp nhận nguồn lực quốc tế và điều tiết nguồn lực giữa các Quỹ trong nước cho công tác PCTT. Tuy nhiên, cần quy định làm rõ nguồn thu của Quỹ; cơ chế sử dụng Quỹ PCTT ở Trung ương để tránh chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước; việc điều chuyển giữa Quỹ PCTT Trung ương với Quỹ PCTT cấp tỉnh; giữa các Quỹ PCTT cấp tỉnh với nhau.

Đối với Quỹ PCTT cấp tỉnh, Báo cáo thẩm tra nói rõ, qua báo cáo UBND của 27 tỉnh/thành phố và thực tiễn giám sát ở các địa phương về PCTT đều tán thành việc cần có Quỹ PCTT. Do vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo rà soát, sửa đổi quy định trong văn bản hướng dẫn Luật cho phù hợp với thực tiễn PCTT ở các địa phương.

Cũng theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, để bảo đảm tính khả thi trong điều kiện thu chi ngân sách nhà nước hiện nay, phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động PCTT và yêu cầu quản lý nhà nước về PCTT trong tình hình mới, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành quy định về bảo đảm ngân sách nhà nước cho PCTT, sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước cho PCTT như Dự thảo Luật.

“Đề nghị cần bổ sung quy định trong Dự thảo Luật về: ưu tiên bố trí ngân sách cho PCTT từ nguồn kế hoạch trung hạn; có cơ chế đặc thù đối với quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho PCTT, đặc biệt là hoạt động ứng phó khẩn cấp, khắc phục sự cố thiên tai để phù hợp với tính chất, mức độ, quy mô và tần suất thiên tai; nên có mục chi riêng về PCTT trong mục lục ngân sách nhà nước hằng năm”, Báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Cần phân định rõ trách nhiệm về phòng chống thiên tai

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai có đề xuất sửa đổi tại Điều 30 quy định về Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai: “Bổ sung trách nhiệm của Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT trong việc tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp kết quả triển khai thực hiện các nguồn lực hỗ trợ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ quy định chi tiết về quy trình hỗ trợ, khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai để phù hợp với thực tế chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai”.

Về nội dung này, Báo cáo thẩm tra cho rằng không phù hợp với chức năng của một cơ quan hoạt động kiêm nhiệm; quy định về thẩm quyền huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ tại điểm d khoản 2 Điều 33 là chưa phù hợp với Luật Hoạt động Chữ thập đỏ Việt Nam; chưa tương thích giữa thẩm quyền với trách nhiệm, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT giữa các điều luật, có nội dung quy định trong Luật, có nội dung lại giao Chính phủ quy định.

Qua giám sát thực tế và Báo cáo của UBND 27 tỉnh/thành phố thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai trên cả nước giai đoạn 2014 – 2018, ý kiến tại các Hội nghị, Hội thảo về PCTT thì nhiều địa phương đề nghị kiện toàn, nâng tầm hoạt động của Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PCTT từ tỉnh đến cơ sở theo hướng chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTT, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong công tác này.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị, trong Luật cần phân định rõ trách nhiệm của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các cấp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

“Kiện toàn hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT trong Luật theo hướng: bổ sung quy định trách nhiệm của các Ban này trong Luật cho tương ứng với thẩm quyền được giao; quy định về điều kiện bảo đảm cho Ban này hoạt động như nguồn lực tài chính, trang thiết bị; quy định vị trí pháp lý của bộ máy giúp việc cho các Ban ở các cấp chính quyền để tạo điều kiện chuyên môn hóa lực lượng PCTT; nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, chỉ huy PCTT ở địa phương, đặc biệt là cấp xã”, Báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều được Chính phủ trình Quốc hội chỉ đề nghị sửa đổi, bổ sung tại 23 khoản tại 19/47 Điều của Luật PCTT và 8/48 điều của Luật Đê điều. Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo tổng kết thực thi hai Luật và giám sát thực tế việc thực thi chính sách pháp luật về PCTT giai đoạn 2014 – 2018, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, có một số vấn đề cần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế và yêu cầu PCTT và quản lý đê điều trong tình hình mới như: Các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng; Huy động nguồn lực ngoài NSNN, đặc biệt là nguồn lực tài chính từ khu vực doanh nghiệp cho công tác PCTT và quản lý đê điều; Cơ chế khai thác lợi ích từ việc đầu tư xây dựng công trình PCTT, đê điều để đầu tư trở lại cho công tác PCTT; Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn; chuyên môn hóa nguồn nhân lực trong PCTT; Áp dụng khoa học- công nghệ trong PCTT và quản lý đê điều để tạo sự chủ động trong quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực cho PCTT…

Để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, theo sự chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bên cạnh những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, Ủy ban trân trọng đề nghị tập trung thảo luận sâu thêm về một số vấn đề sau đây: về các loại hình thiên tai, các công trình PCTT đề nghị bổ sung; Quỹ phòng chống thiên tai ở trung ương; Tài chính cho phòng chống thiên tai; sử dụng bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng; xử lý công trình, nhà ở hiện có ở bãi nổi và cù lao; quy định về xây cầu qua sông có đê; đổi tên Ban chỉ đạo, chỉ huy về phòng chống thiên tai.