Để áo dài Việt Nam trở thành di sản văn hóa

Trải qua các thời kỳ lịch sử, áo dài truyền thống Việt Nam với các hình thức thiết kế, mầu sắc đa dạng và phong phú đã xuất hiện khắp năm châu trong các cuộc thi sắc đẹp, sự kiện chính trị, văn hóa nghệ thuật; góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Áo dài tượng trưng cho sự thướt tha, đằm thắm, yêu kiều của người phụ nữ Việt, là nét văn hóa dân tộc. Thế nhưng cho đến bây giờ, áo dài vẫn chưa được công nhận là di sản văn hóa một cách chính thức, hợp pháp.

Có lẽ, không một phụ nữ Việt Nam nào lại không có cảm giác yêu thương và tự hào khi khoác lên mình tà áo dài duyên dáng. Nếu như trước đây, phụ nữ chỉ mặc áo dài trong những dịp trọng đại, lễ, Tết truyền thống thì ngày nay, họ mặc trang phục này ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Tại một số trường học, công sở, áo dài trở thành đồng phục. Đây có thể nói là một việc làm nhằm tôn vinh nét đẹp, giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam trong mỗi người phụ nữ nói riêng, người dân Việt Nam nói chung. Thời gian qua, dư luận cả nước “dậy sóng” khi tại các diễn đàn thời trang quốc tế, một số ca sĩ, người mẫu trong khu vực và trên thế giới mặc những bộ áo dài Việt Nam biến tướng, gây phản cảm. Thậm chí ngay ở trong nước, một số người trong làng giải trí cũng đã khai thác một cách quá đà sự gợi cảm của tà áo dài, gây bức xúc trong dư luận. Điều này tạo ra một làn sóng bảo vệ “quốc phục” trên mạng xã hội.

Đã đến lúc, chúng ta cần có những biện pháp bảo vệ áo dài Việt Nam với hướng đi phù hợp trên cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Nhiều ý kiến đặt vấn đề cần đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho áo dài Việt Nam. Song, các chuyên gia thời trang cho rằng điều này không khả thi, do việc bảo  hộ kiểu dáng thời trang cần gắn liền với những mẫu thiết kế, nhà thiết kế cụ thể, không thể áp dụng với một loại áo chung chung chứ chưa nói tới việc áp một quy chuẩn chung trên toàn thế giới.

Câu chuyện bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm cho chủ trương. Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Di sản. Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng khởi động Dự án chọn lễ phục nhà nước với mẫu lễ phục áo dài nữ nhận được 100% ý kiến đồng tình. Việc công nhận áo dài nữ là di sản văn hóa sẽ là cơ sở để chúng ta hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO ghi danh áo dài vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Dù còn nhiều tranh cãi và sẽ còn mất nhiều thời gian để khẳng định thương hiệu tà áo dài Việt Nam trên thế giới. Thế nhưng, sức sống của trang phục áo dài vẫn được hầu hết người dân nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng coi như quốc phục. Câu chuyện tạo cơ sở pháp lý cho tà áo dài, bảo vệ hình ảnh cho áo dài là câu chuyện không của riêng ai. Đã đến lúc, chúng ta cần xây dựng một bộ quy chuẩn về thiết kế áo dài, là cơ sở, hệ quy chiếu cho những sáng tạo, cách tân là việc làm cần thiết hiện nay.