Đào tạo kép, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề

NDO -

Chuyển giao đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước và nước ngoài được xem là mô hình “đào tạo kép”, giúp sinh viên có hai tấm bằng cao đẳng, cùng nhiều cơ hội việc làm trong nước cũng như quốc tế. Đây có thể coi là hình thức du học nghề tại chỗ, hấp dẫn nhiều thí sinh.

Đào tạo nghề điện tử - điện lạnh tại Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ (Ảnh: HTTC).
Đào tạo nghề điện tử - điện lạnh tại Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ (Ảnh: HTTC).

Chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế 

Trong đợt tuyển sinh năm học 2020-2021, Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (Đồng Nai) thu hút thí sinh vào các ngành học như: Chế tạo thiết bị cơ khí, Công nghệ ô-tô, Điện công nghiệp, Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp… Trong đó, hai ngành học của nhà trường đào tạo theo tiêu chuẩn của CHLB Đức là Công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí; Công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà.

Tại Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi, nhà trường đã hợp tác với tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) để đầu tư xây dựng trường trở thành Trung tâm đào tạo nghề Xanh chất lượng cao và là Trung tâm đào tạo quốc tế cho Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar. Việc hợp tác với tổ chức JICA (Nhật Bản) cũng được trường triển khai để hỗ trợ, cung cấp trang thiết bị đào tạo, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên cho các nghề điện và cơ khí đạt tiêu chuẩn Nhật Bản. Ngoài ra, trường cũng đã hợp tác với Australia theo chương trình phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skill) hỗ trợ nhà trường xây dựng năm nghề đạt chuẩn APEC: Hành chính logistics, Quản lý kho hàng, Quản lý giao nhận hàng hóa, Giám sát kho hàng, Xếp gỡ cơ giới tổng hợp.

Hợp tác quốc tế đã trở thành nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), các trường tham gia đào tạo trình độ cao đẳng cho các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo tiêu chuẩn Australia, Đức đều có chung các tiêu chí như: cơ sở vật chất hiện đại, học viên được học tập trên các trang thiết bị tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế, đội ngũ giáo viên có trình độ.

Là một trong những cơ sở tham gia đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ (Đông Anh, Hà Nội) được triển khai đào tạo hai nghề là nghề điện tử công nghiệp và nghề quản trị mạng máy tính. Trong quá trình học, sinh viên sẽ được học tập trong môi trường hiện đại, với các trang thiết bị tiên tiến theo tiêu chuẩn của Australia. Giáo viên tham gia giảng dạy là những giáo viên đã được đào tạo tại Australia cùng giảng viên và chuyên gia Học viện Chisholm trực tiếp giảng dạy. 
Tăng lợi thế cho sinh viên khi ra trường
Đối với sinh viên, lợi ích việc học chương trình đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc tế còn được thấy rõ khi cạnh tranh tìm việc làm. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp hai bằng cao đẳng của trường tại Việt Nam và trường đối tác. Như tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, sinh viên theo học ngành Quản trị khách sạn và Kỹ thuật chế biến món ăn chuyển giao từ Đức được phía bạn tài trợ kinh phí và giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp. Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên được cấp hai bằng tốt nghiệp cao đẳng của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội và của Viện Tiểu thủ công nghiệp và kỹ năng nghề Leipzig.

Ngoài kỹ năng nghề được quốc tế công nhận, người tốt nghiệp các chương trình đào tạo thí điểm còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất đạt trình độ B1 trở lên đến B2 theo Khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động trong khu vực ASEAN và quốc tế. Từ đó, sinh viên có cơ hội tìm việc tại các công ty quốc tế trong và ngoài nước, có thể tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hay liên thông lên bậc đại học tại các nước phát triển. 

Tổng kết chương trình đào tạo thí điểm 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế được chuyển giao từ Australia được ông Vũ Xuân Hùng đưa ra cho thấy, khảo sát việc làm của 724 sinh viên theo học chương trình này tại 25 trường cao đẳng trong cả nước ghi nhận những dấu hiệu tích cực. 

Cụ thể, 477/ 724 sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Trong đó, có 40 em đã đi làm hoặc đang hoàn thiện thủ tục đi làm việc ở nước ngoài. 214 em làm việc trong các công ty liên doanh nước ngoài hoặc 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. 204 em làm việc tại các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp khác của Việt Nam. 19 sinh viên tự khởi nghiệp, một số em đã tự nguyện ở lại trường để trở thành những nhà giáo giáo dục nghề nghiệp…

Không chỉ hình thành nên một mô hình đào tạo mới về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay, chương trình này còn giúp xã hội nhìn nhận tích cực về vai trò của giáo dục nghề nghiệp, tới việc “định giá” lại sinh viên học nghề trong thị trường lao động. 

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (HCEM) cho rằng, doanh nghiệp cũng như xã hội cần thay đổi cái nhìn về chất lượng của trường nghề. “Bây giờ, người học tại các trường cao đẳng là kỹ thuật viên. Thậm chí có những trường đưa sinh viên đi thi tay nghề khu vực và thế giới, giành cả giải thưởng cấp độ thế giới, thì các bạn sinh viên ấy đã đạt cấp chuyên gia chứ không còn là công nhân, kỹ thuật viên nữa”, ông Ngọc nhấn mạnh. 

Bảo đảm lợi ích khi khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề