Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng:

Công tác tìm kiếm, cứu nạn được đặt lên hàng đầu

NDO -

Ngay sau khi dự viếng lễ tang 13 liệt sĩ tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268 - Quân khu 4 (TP Huế), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Quân khu 4 về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tại khu vực sông Rào Trăng và công tác khắc phục thiệt hại do mưa bão.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT); lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các Bộ: Quốc phòng, Công An, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Tìm ứng phó sự cố thiên tai - TKCN, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT-TKCN.

Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã báo cáo tình hình thiệt hại do mưa lũ tại địa phương. Theo đó, mưa bão đã làm 27 người chết (12 người chết do mưa lũ, hai công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, 13 người trong Đoàn công tác tại khu vực Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67 - Trạm Kiểm lâm sông Bồ, 15 người đang mất tích tại khu vực nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, hiện chưa liên lạc được; 13 người bị thương. Hàng chục ngôi nhà sập và hư hỏng; gần 85.000 nhà dân ngập trong nước. Nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại… Tổng thiệt hại do mưa lũ ước tính đến nay khoảng 1.126 tỷ đồng.

Đồng chí Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, công tác hỗ trợ lương thực và tìm kiếm người mất tích tiếp cận người mất tích tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 bằng đường thủy hiện đang vẫn rất khẩn trương. Ngoài ra, các phương tiện máy móc, trang thiết bị, nhân lực được đẩy mạnh để thông tuyến đường vào Thủy điện Rào Trăng 4, Rào Trăng 3 cũng như bảo đảm an toàn cho lực lượng cứu hộ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Công tác tìm kiếm, cứu nạn được đặt lên hàng đầu -0
Các lực lượng cứu hộ đã lên phương án và tích cự tiếp cận hiện trường Thủy điện Rào Trăng 3 bằng cả đường bộ và đường không. 

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo cứu trợ cho dân vùng bị ảnh hưởng của lũ; hai tấn lương khô; 10 nghìn thùng mì tôm; 20 tấn hóa chất benkocid để phục vụ công tác tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch bệnh sau lũ; hỗ trợ 200 tỷ đồng để khôi phục hạ tầng dân sinh thiết yếu, nhà ở cho nhân dân; hỗ trợ khẩn cấp nguồn vốn ngân sách Trung ương để sớm khắc phục hậu quả thiên tai với kinh phí khoảng 738 tỷ đồng…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã nêu nhiều ý kiến về hậu quả và các giải pháp khắc phục mưa lũ những ngày qua. Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 cho biết, tại hiện trường, mưa rất lớn nên công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Các lực lượng đang tiếp cận hiện trường bằng cả đường bộ và đường không. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện tiếp tục khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn các công nhân còn mất tích. Trong thời gian tới, Quân khu 4 đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội, công an để huy động lực lượng, tổ chức tìm kiếm đạt hiệu quả cao nhất.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Công An cho biết, cũng đã huy động 100% quân số của công an các địa phương, chủ động tổ chức và phối hợp lực lượng của Bộ Quốc phòng trong công tác tìm kiếm cứu nạn. “Chưa khi nào phải huy động lực lượng lớn như thế”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nói và khẳng định, trong những ngày tới, sẽ tiếp tục huy động và tăng cường lực lượng khẩn trương tìm kiếm nạn nhân tại Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) cũng như hỗ trợ các địa phương trong vùng để khắc phục hậu quả thiên tai.

Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, 212 xã của năm tỉnh tại khu vực miền trung với 130 nghìn hộ dân hiện đang ngập sâu do mưa lũ. Tuy tình trạng ngập lụt rất nghiêm trọng, nhưng cho đến thời điểm này, toàn bộ các hồ chứa lớn đều đang được vận hành an toàn. Yếu tố nguy hiểm nhất hiện nay là tình trạng mưa bồi trong các ngày 16, 17 và 18-10, khi các hồ chứa đều đã đầy nước. Bộ trưởng cũng cho biết, dự báo trong một tuần tới, sẽ tiếp tục có thêm một áp thấp nhiệt đới với cường độ mạnh hơn hướng về miền trung. Trong những ngày tới, Bộ NN và PTNT sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra tất cả các hồ chứa trên cả nước để chủ động trong công tác phòng chống lũ.

Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các quân khu, đơn vị trong toàn quân yêu cầu sẵn sàng huy động, đồng thời chú trọng kiểm tra, bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, công trình, doanh trại. Tại Thủy điện Rào Trăng 3, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu sẵn sàng lực lượng dự bị để thay thế, bổ sung khi cần thiết. Trong những ngày tới, khi thời tiết thuận lợi hơn, sẽ huy động cả không quân, máy bay không người lái, các phương tiện hiện đại khác.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với những đau thương, mất mát của gia đình các nạn nhân thiệt mạng do mưa lũ, trong đó có các cán bộ, chỉ huy, chiến sĩ trong quân đội.

Trong thời gian tới, tình hình mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp, mục tiêu đặt ra là nhanh chóng tìm kiếm những người mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 còn chưa thực hiện được. Trong khi đó, rạng sáng 18-10 đã xảy ra sạt lở đất vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ quân đội tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Tình hình rất nghiêm trọng, khẩn trương.

Phó Thủ tướng yêu cầu trước hết phải tập trung để tìm kiếm, cứu nạn những người còn mất tích càng sớm càng tốt, thực hiện với phương châm “bốn tại chỗ”. Đây là nhiệm vụ hàng đầu của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Phải chủ động ứng phó các sự cố, thiên tai, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ; giảm thiểu thiệt hại tài sản và tính mạng của người dân.

Các Bộ Quốc phòng, Công an và các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương huy động nhân lực, phương tiện để tìm kiếm các nhạn nhân tại Thủy điện Rào Trăng 3 và vụ sạt lở tại Quảng Trị trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, tiếp tục giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các địa phương, đặc biệt các tỉnh miền trung, tiếp tục rà soát các khu vực nguy hiểm để chủ động sơ tán người dân, công nhân tại các công trình đang thi công. Kịp thời hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men.

Đối với những kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên Huế về hỗ trợ khẩn cấp cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN và PTNT tổng hợp để sớm hỗ trợ cho người dân.

* Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đã xác định được danh sách 17 công nhân của Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 mất tích sau khi xảy ra tai nạn sạt lở đất tại khu nhà điều hành của nhà máy vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 12-10. Hiện nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy hai thi thể trong số 17 công nhân mất tích, trong đó mới xác định danh tính của anh Trần Văn Lộc (sinh ngày 12-7-1995), ở xã Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Danh sách 17 công nhân mất tích:

1. Phan Chí Thanh (sinh ngày 6-9-1996), quê quán: 11/24 Lương Văn Can, phường An Cựu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Lê Văn Phú (sinh ngày 21-3-1995), quê quán: Tổ 16, khu vực 4, phường Xuân Phú, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

3. Huỳnh Ngọc Quý (sinh ngày 20-11-1993), quê quán: xã Dương Hoàn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

4. Nguyễn Vũ Đăng Khoa (sinh ngày 10-5-1997), quê quán: 116 Ngự Bình, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

5. Nguyễn Bá Tuyến (sinh ngày 13-4-1989), quê quán: xã Phong Xuân, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

6. Đặng Hữu Phong (sinh ngày 20-2-1994), quê quán: Xuân Hòa, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

7. Đặng Hữu Nam (sinh ngày 30-9-1991), quê quán: Xuân Hòa, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

8. Lê Đình Hà (sinh ngày 15-4-1990), quê quán: phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk lắk.

9. Trần Văn Lộc (12-7-1995), quê quán: xã Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Knông.

10. Bùi Đức Thọ,  quê quán: Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

11. Ngô Viết Huy (sinh ngày 12-2-1996), quê quán: Tổ 8, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

12. Lê Văn Sáng (sinh ngày 15-2-1985), quê quán: xóm Xuân Tây, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.

13. Lê Thanh Hải (sinh ngày 20-10-1983), quê quán: xóm Xuân Tây, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

14. Trương Đình Nội (sinh ngày 3-5-1986), quê quán: xóm Xuân Tây, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

15. Nguyễn Thái Học (sinh ngày 2-3-1981), quê quán: thôn Trạch Thượng 2, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

16. Tạ Văn Nghĩa (sinh ngày 14-8-1998), quê quán: xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

17. Lê Văn Thịnh (sinh ngày 7-10-1995), quê quán: xã Nga Thái, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.