Còn bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy

TP Hồ Chí Minh đang trong cao điểm mùa nắng nóng, điều kiện thời tiết này là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng cháy, nổ có nguy cơ diễn ra nhiều hơn. Những vụ cháy lớn gần đây đã gây thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản… là hồi chuông cảnh báo về sự chủ quan của người dân đối với "giặc lửa".

Lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh dập lửa một vụ cháy nhà ở kết hợp cơ sở kinh doanh tại quận 5.
Lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh dập lửa một vụ cháy nhà ở kết hợp cơ sở kinh doanh tại quận 5.

Chỉ tính trong tuần cuối tháng 3, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra hai vụ cháy rất lớn, làm chết chín người. Cụ thể, ngày 25-3, tại căn nhà trên đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8, ba thành viên trong một gia đình đã chết khi ngôi nhà bốc cháy vào giữa đêm. Các nỗ lực chữa cháy của người dân, lực lượng cứu hỏa sau đó đã không cứu được các nạn nhân, trong đó có một trẻ em. Trong khi người dân còn chưa hết bàng hoàng về vụ cháy thương tâm nêu trên, chỉ sau đó năm ngày (ngày 30-3), một vụ cháy thảm khốc khác xảy ra tại số nhà 899 đường Nguyễn Thị Ðịnh, khu phố 3, phường Cát Lái, TP Thủ Ðức. Thương tâm hơn, số nạn nhân trong vụ hỏa hoạn này lên tới sáu người. Các nạn nhân đều là thành viên trong một gia đình, trong đó có một trẻ sơ sinh. Thực tế cho thấy, có một đặc điểm chung là, các vụ cháy đều xảy ra vào buổi tối và ở các hộ gia đình. Mới đây, cũng do chập ổ cắm điện, số nhà 213 ở đường số 7, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân cũng bốc cháy trong đêm. Rất may, bốn thành viên trong gia đình đã may mắn thoát chết khi được các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) quận Bình Tân kịp thời cứu thoát.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh (PC07), năm 2020, thành phố xảy ra 269 vụ cháy, làm chết 11 người, bị thương 22 người. Trong đó, số vụ cháy, nổ nhà ở đơn lẻ là 103 trong số 269 vụ, chiếm hơn 38%. Ðáng nói, các thiệt hại về người (chết người) đều xảy ra ở loại hình nhà ở đơn lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh; ba tháng đầu năm 2021, dù chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng số người chết do các vụ cháy đã là chín người; một con số rất đáng buồn và báo động về tình trạng cháy, nổ trên địa bàn thành phố. Hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 450 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ, trong đó có khoảng 41.500 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; hơn 12.400 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Ngoài ra, thành phố còn gần 900 cơ sở hoạt động trước năm 2001 chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC (trước thời điểm Luật PCCC có hiệu lực);… Thống kê của UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, giai đoạn 2015-2020, toàn thành phố đã xảy ra hơn 4.800 vụ cháy, làm 75 người chết, 209 người bị thương, thiệt hại hơn 453 tỷ đồng tài sản các loại. Qua điều tra nguyên nhân, PC07 xác định, các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm, trong đó hơn 70% là do các sự cố liên quan chập điện. Có ba nguyên nhân dẫn đến các nguy cơ cháy, nổ lớn gồm: ý thức chấp hành về quy định an toàn PCCC của chủ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh còn hạn chế; người dân còn xem nhẹ công tác an toàn cho chính bản thân và gia đình; vi phạm các quy định an toàn trong việc sử dụng điện, sử dụng các thiết bị điện kém chất lượng.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó Trưởng phòng PC07 cho biết: Ðể các vụ cháy, nổ ít xảy ra thì nguyên tắc tối ưu là phòng ngừa. Nếu các vụ cháy đã xảy ra thì điều đầu tiên là mọi người cần bình tĩnh để xử lý đúng các bước dập lửa và CNCH (cắt nguồn điện, gọi điện báo lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, xử lý tình huống tại nơi xảy ra cháy,…). Qua những vụ việc vừa xảy ra có thể thấy, ý thức trong công tác PCCC là một vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, tâm lý chủ quan trong việc sử dụng các thiết bị điện, sắp xếp đồ đạc, hàng hóa thiếu khoa học vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, khiến nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn xảy ra tại các khu dân cư, doanh nghiệp.

Là một trong những đô thị lớn của cả nước, việc PCCC luôn là một vấn đề lớn của TP Hồ Chí Minh. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH song trên thực tế, công tác này vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Ðơn cử, đối với công tác PCCC tại các khu dân cư, hiện toàn thành phố có gần 2.000 đội dân phòng khu phố, ấp (đạt tỷ lệ 100%). Tuy nhiên, lực lượng này là lực lượng kiêm nhiệm, không chuyên trách cho nên việc thường trực công tác 24 giờ trong ngày là rất khó. Ngoài ra, lực lượng này cũng không có mức hỗ trợ cho nên khó thu hút được các đối tượng tham gia kiêm nhiệm nhiệm vụ. Ngoài ra, trong công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức PCCC nhiều đơn vị, cơ quan vẫn chưa chú trọng vấn đề này. Thí dụ, hiện Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố vẫn chưa bổ sung, cập nhật các kiến thức PCCC, các kỹ năng tự vệ, thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ vào chương trình giảng dạy và ngoại khóa cho học sinh…

Nhằm khắc phục các bất cập, hạn chế trong công tác PCCC, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công an, các bộ, ngành Trung ương. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh kiến nghị được ban hành và áp dụng các quy chuẩn PCCC đặc thù để phù hợp điều kiện phát triển của thành phố. Ðồng thời thành phố đề xuất về việc thành lập Hiệp hội PCCC đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh để tranh thủ các nguồn lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực PCCC; thực hiện sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định liên quan công tác PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh phù hợp nhất với điều kiện thành phố. Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, đề xuất Bộ Công an tăng mức xử phạt hành chính đối với các chủ đầu tư, ban quản lý các nhà cao tầng, chung cư không thực hiện các điều kiện về an toàn PCCC; bố trí nguồn lực, kinh phí để hiện đại hóa hạ tầng lĩnh vực PCCC, nhất là đối với các thành phố lớn; tăng cường tính trách nhiệm của lãnh đạo các UBND quận, huyện, xã, phường đối với công tác PCCC ở khu dân cư, cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Bài và ảnh: TRẦN QUANG QUÝ