Ý KIẾN Cử tri

Cơ hội kích cầu du lịch trong nước

Khi tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, chúng ta nên chú trọng thị trường trong nước và có những giải pháp để kích cầu du lịch nội địa bằng những giải pháp cụ thể.

Trước hết, cần tăng cường truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch, bảo đảm an toàn điểm đến từng địa phương; xúc tiến và duy trì đường bay khi Chính phủ cho phép khôi phục các đường bay; nghiên cứu khảo sát và đánh giá thị trường khách; bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; liên kết phát triển du lịch; triển khai các đề án lớn liên quan lĩnh vực du lịch. Tập trung phát triển thị trường du lịch trong nước để giữ khách nội địa, giữ nhân sự cho ngành du lịch, khuyến khích toàn xã hội hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" để khôi phục thị trường du lịch Việt Nam. Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đưa ra các giải pháp thu hút sự góp sức của các hãng hàng không, các khách sạn, công ty lữ hành, qua đó, các chương trình kích cầu mạnh mẽ, cụ thể hơn, thu hút khách trong nước.

Ông LÊ TẤN THANH TÙNG

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam (VITOURS)

Người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn

Sau gần một năm ngưng chăn nuôi, bỏ trống chuồng trại vì ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, khoảng hai tháng trở lại đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ chăn nuôi ở địa phương bắt đầu tái đàn lợn. Thế nhưng thời điểm này, người chăn nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn, vì giá một con lợn giống lên đến ba triệu đồng, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Ngoài ra, các loại chi phí đầu vào như giá thức ăn cũng tăng cao, trong khi hầu hết những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã cạn vốn. Tuy nhiên, nuôi lợn đã trở thành nghề truyền thống giúp các hộ chăn nuôi duy trì cuộc sống hơn 20 năm nay, cho nên dù khó khăn vẫn cố gắng vay vốn đầu tư sửa chữa chuồng trại, mua con giống để tái đàn. Hơn lúc nào hết, thời điểm này, chúng tôi rất mong ngành chức năng cần khai thông các chính sách, nhất là giúp người nông dân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Cùng với đó, hỗ trợ hướng dẫn thực hiện vệ sinh thú y, chuồng trại, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học phòng, chống dịch bệnh. Có như vậy, mới hy vọng nhanh chóng tái đàn lợn, bảo đảm cuộc sống của gia đình, đồng thời góp phần kéo giảm giá thịt lợn trên thị trường, vốn đang ở mức rất cao.

Ông BÙI VĂN KẾT (Xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Ðồng Nai)

Một số chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đạt hiệu quả rõ nét

Qua theo dõi báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, tôi chia sẻ với Chính phủ về những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong điều kiện khó khăn chung đó, nhưng Chính phủ đã quan tâm hỗ trợ những đối tượng khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, cho nên người dân ai cũng phấn khởi. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng, trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như Chương trình 132, 134, 168… về giải quyết đất ở, đất sản xuất; xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, đường giao thông; hỗ trợ cây, con giống…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều chương trình, dự án đầu tư nêu trên ở Tây Nguyên chưa mang lại hiệu quả. Nguyên nhân là do đầu tư dàn trải, thiếu sự kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành, nhất là trước khi đầu tư không tham khảo ý kiến của người dân, người được hưởng lợi trực tiếp cho nên nhiều công trình, dự án vừa đầu tư xong đã hư hỏng, xuống cấp, không phát huy hiệu quả, bỏ không, gây lãng phí lớn ngân sách và bức xúc, mất niềm tin trong nhân dân. Vì vậy, Chính phủ, QH cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn vốn, chương trình, dự án đầu tư, đồng thời cần phát huy Quy chế dân chủ ở cơ sở, người dân được tham gia ý kiến, giám sát các chương trình, dự án đầu tư để các chương trình, dự án thật sự phát huy hiệu quả.

Ông Y DRUN

(Buôn Kô Dung A, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Ðôn, tỉnh Ðắk Lắk)

Cần nghiên cứu những cách làm đột phá để phục hồi kinh tế

Chính phủ đã có nhiều quyết sách quan trọng để phục hồi nền kinh tế của nước ta bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19. Ðể nền kinh tế có thể phục hồi, cả chính quyền các cấp lẫn các doanh nghiệp (DN) không chỉ cần giải pháp quyết liệt mà còn phải có tư duy đột phá. Ðó là những cách làm hoàn toàn mới cho một giai đoạn "hồi phục kinh tế như sau thời chiến và sống chung với dịch" sắp tới.

Có ba nhóm giải pháp cần được nghiên cứu kịp thời. Ðó là, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, các điều kiện cụ thể để triển khai và áp dụng giải pháp hỗ trợ DN trong từng lĩnh vực cụ thể. Thay đổi hoàn toàn các bước cấp phép, thủ tục hành chính bằng cách đưa ra các quy trình hành chính mới tối giản. Với thủ tục hành chính, không chỉ là giảm quy trình nào đó từ năm xuống bốn hay ba bước, mà cần có những chính sách ưu tiên mới giảm thiểu thủ tục đối với các nhóm dự án ưu tiên như y tế, giáo dục... Ngoài ra, từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng ta có cơ hội để nhìn rõ những bất cập trong cơ cấu của từng tổ chức, công ty, cả tỉnh, thành phố hay phạm vi toàn quốc để tái cấu trúc, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào các nhóm ngành cần thiết và có ưu thế phát triển.

Tiến sĩ NGUYỄN CAO TRÍ

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh), Thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực

Doanh nghiệp thủy sản cần hỗ trợ vốn, thị trường

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản tại Cần Thơ đang gặp rất nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu chủ lực như: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… sụt giảm mạnh, kéo dài. Nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn, hàng tồn kho nhiều, làm chi phí tăng lên. Trong đó, khó khăn nhất là những doanh nghiệp thủy sản vừa và nhỏ do thiếu vốn hoạt động, tiền trả lương công nhân, dễ bị phá sản.

Vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành có nhiều gói hỗ trợ tài chính, giãn nộp thuế, bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn còn khó khăn và lãi suất còn cao trong điều kiện khó khăn hiện nay. Do đó, Chính phủ cần có chính sách giảm lãi suất vay, kéo dài thời gian cho vay, thời gian trả nợ, nới lỏng các điều kiện vay thế chấp, tín chấp; giảm hoặc loại bỏ những loại phí hồ sơ xuất khẩu, phí giao dịch, phí gửi hồ sơ, phí thanh toán… để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp; hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới cho doanh nghiệp thủy sản vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ông VÕ VĂN NHÌ

Giám đốc Công ty TNHH nuôi trồng, chế biến thực phẩm sạch Tân Phát (phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

Thực hiện nghiêm túc việc hỗ trợ người dân

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, nhất là người nghèo. Trước tình hình đó, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, trong đó có gói hỗ trợ an sinh hơn 62 nghìn tỷ đồng. Ðể tiền hỗ trợ kịp đến tay người dân, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương trích ngân sách và cấp phát ngay cho bà con.

Tuy nhiên, cử tri chúng tôi băn khoăn việc hỗ trợ các nguồn tiền đó phải đến đúng đối tượng, đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Thực tế là ở Quảng Bình, việc hỗ trợ, bồi thường cho người dân do ô nhiễm môi trường biển năm 2016 đã xảy ra sai phạm ở một vài nơi, một số cán bộ cơ sở vi phạm đã bị xử lý. Vì vậy, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan phải lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát việc hỗ trợ, bảo đảm đúng người, không bỏ sót đối tượng trong diện thụ hưởng; đồng thời giám sát chặt chẽ để phát hiện và xử lý nghiêm minh vi phạm trong thực hiện chính sách đối với hộ nghèo.

Ông NGUYỄN SƠN

(Xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)