Cô giáo 9x người Bố Y và hành trình "gieo chữ" nơi rẻo cao

NDO -

Chín năm "gieo chữ" ở một trong những xã nghèo nhất cả nước, cô giáo Lò Thị Lan đã trở thành một người mẹ đặc biệt của nhiều thế hệ học sinh người dân tộc thiểu số, hình tượng giáo viên hết mực yêu nghề trong mắt đồng nghiệp Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Dìn Chin (Trường Dìn Chin).

Cô Lò Thị Lan và học trò vượt rừng núi tìm nước sạch sau giờ tan học.
Cô Lò Thị Lan và học trò vượt rừng núi tìm nước sạch sau giờ tan học.

Cô trò cùng vượt núi gánh nước

Ở xã Dìn Chin (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), cứ mỗi buổi sáng sớm và sau giờ trống tan trường văng vẳng, người dân địa phương lại thấy cô giáo Lồ Thị Lan cùng các học trò Trường Dìn Chin xách can, quày quả đòn gánh đi lấy nước ở khe suối cách trường gần 1km.

Gọi là "lấy nước", nhưng thực tế là hứng từng giọt nước. Ở nơi mệnh danh là "Trường Sa cạn" này, mỗi giọt nước đều quý giá như vàng. Để hứng được hai can nước, cô và trò phải xếp hàng, chờ nước trong vài giờ đồng hồ.

Cô giáo trẻ đã nhiều lần thử tìm các khe nước khác nhưng đều không được vì quá xa và hiểm trở. Có lần, mang được can về thì nước đã bị đổ phần lớn, chân tay cô cũng xước xát hết cả.

Nguồn nước quá hiếm, thầy trò trường Dìn Chin phải tận dụng nước vo gạo để rửa rau, xong xuôi lại dùng nước đó rửa bát. Mỗi khi trời mưa, cả trường phải cấp tập tranh thủ giặt giũ, rửa dọn, trữ nước... Vất vả là vậy, nhưng chín năm qua, cô Lồ Thị Lan chưa từng một lần có ý định bỏ dở ước mơ "trồng người" nơi rẻo cao.

Từ những ngày đầu nhận công tác, cô giáo SN 1990 được giao nhiệm vụ kèm cặp khối lớp 1. Đây là đối tượng học sinh khó do chưa được làm quen với trường lớp, đặc biệt là môi trường học bán trú.

"100% học sinh tại trường Dìn Chin là người dân tộc thiểu số. Ngôn ngữ khác biệt khiến việc giao tiếp, học tập của các em luôn bị hạn chế. Nhiều em luôn đứng ở ranh giới bỏ học để phụ giúp gia đình. Các thầy cô thường xuyên phải tìm đến nhà, vận động đồng bào cho các em đi học", cô Lan nhớ lại.

Cô giáo 9x người Bố Y và hành trình
 Hằng ngày, cô Lò Thị Lan là người chuẩn bị giường nghỉ cho học sinh nội trú.

Bản thân là người dân tộc Bố Y, từ trong thâm tâm, cô Lồ Thị Lan hiểu rằng: học vấn, kiến thức là con đường duy nhất để các em không bị mù chữ, lớn lên không phải suốt đời làm nương, làm rẫy mà vẫn bị đói nghèo đeo đẳng. Chính vì thế, mỗi buổi đi vận động phụ huynh cho con em tới trường là một lần cô Lan hun đúc thêm quyết tâm dạy dỗ học sinh nên người.

Miệt mài xây những "bậc thang"  

Chín năm là khoảng thời gian không hề ngắn ngủi. Nếu biết trước tương lai, ắt hẳn sẽ có nhiều người sẵn sàng lựa chọn con đường khác, thay vì bỏ ra ngần ấy thời gian miệt mài "trồng người" ở một trong những huyện vùng cao nghèo nhất cả nước.

Thế nhưng, trái với những suy nghĩ ấy, cô giáo trẻ Lồ Thị Lan chỉ luôn tâm niệm một điều duy nhất: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, vậy gian khổ sẽ dành phần ai? Khi quyết định chọn nghề giáo, tôi chỉ mong được đóng góp một chút sức lực nhỏ bé để đặt những bậc thang đầu đời cho thế hệ sau này".

Cô giáo 9x người Bố Y và hành trình
Cô Lan ân cần hướng dẫn học sinh làm bài tập trên lớp. 

"Tôi tin rằng, bất cứ người thầy nào cũng sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc khi thấy học trò bắt đầu biết đọc, viết, làm những phép tính đầu tiên, dần trưởng thành để trở thành người có ích cho xã hội. Mỗi khi bước lên bục giảng, nhìn những gương mặt ngây thơ đang chăm chú chờ vào giờ học, mọi vất vả trong tôi như tan biến, nhường chỗ cho tình mẫu tử và lòng yêu nghề thiết tha", cô Lan chia sẻ.

Thầy giáo Trần Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Dìn Chin nhận định: "Sự nhiệt huyết, giản dị, gần gũi và tình yêu nghề đặc biệt khiến cô Lồ Thị Lan luôn được phụ huynh học sinh tin tưởng, yêu mến. Sự nỗ lực của cô Lan đã trở thành động lực không nhỏ giúp các đồng nghiệp tự tin, gắng sức hơn trong công tác giảng dạy".

Nhiều năm nay, cô Lò Thị Lan luôn là giáo viên dạy giỏi, lao động tiên tiến cấp trường, cấp huyện.

Mới đây, cô đã trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long thực hiện nhằm vinh danh các giáo viên người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện khó khăn.