Chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và người dân các  tỉnh Nam Trung Bộ đã  triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt, bảo đảm sinh kế cho người dân bền vững.

Mô hình trồng lạc trên đất lúa đem lại hiệu quả cao tại xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Mô hình trồng lạc trên đất lúa đem lại hiệu quả cao tại xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Hiệu quả từ những mô hình chuyển đổi

Khánh Hòa là một trong những địa phương  phải  chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Từ năm 2015, tỉnh Khánh Hòa xây dựng Đề án chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu nhằm chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, đất lúa không chủ động nước sang cây trồng cạn, sử dụng ít nước tưới và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, chuyển đổi cây hằng năm, cây lâu năm kém hiệu quả thành vùng chuyên canh cây ăn quả.

Tổng kinh phí hỗ trợ chuyển đổi hơn 48 tỷ đồng. Việc hỗ trợ người dân được tiến hành trên nhiều phương diện, bao gồm: cung cấp giống, cải tạo đất, cơ giới hóa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chuyển giao kỹ thuật…

Theo đó, tổng diện tích chuyển đổi cây trồng đến năm 2020 là 3.454 ha, trong đó chuyển đổi 2.444 ha đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng hằng năm khác. Đồng thời, chuyển đổi 1.010 ha đất trồng màu, trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả.

Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa, thực hiện đề án nói trên, nông dân toàn tỉnh đã chuyển đổi được gần 3.200 ha cây trồng. Tỉnh đang hình thành các vùng sản xuất tập trung như: cây lúa ở các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa; xoài Úc ở huyện Cam Lâm; sầu riêng, mía tím ở huyện Khánh Sơn; bưởi da xanh ở huyện Khánh Vĩnh; tỏi ở thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh...

Thực tế cho thấy, chuyển đổi cây trồng phải đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng. Lấy huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa làm thí dụ. Chuyển đổi cây trồng theo hướng giá trị cao, đến nay, Khánh Sơn đã có hơn 960 ha sầu riêng, 320 ha bưởi da xanh, 160 ha chôm chôm, 30 ha măng cụt, 300 ha mía tím và nhiều loại cây trồng khác.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT)  huyện Khánh Sơn Nguyễn Ngọc Hiếu, hiện, các loại cây ăn quả đang ra hoa nhưng thiếu nước nghiêm trọng. Ở nhiều vườn, cây đã héo. Hệ thống nước tưới ở đây chưa được đầu tư bảo đảm cho sự phát triển cây trồng, cho nên sau chuyển đổi, cây trồng có giá trị cao ở Khánh Sơn cứ vẫn trông chờ trời mưa.

Tại Phú Yên, để ứng phó biến đổi khí hậu, HĐND tỉnh  ban hành một  nghị quyết  về chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ  trồng lúa sang trồng cây hằng năm.

Từ đầu năm 2017 đến nửa đầu năm 2020, toàn tỉnh đã  chuyển đổi hơn 2.238 ha lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn khác (ngô lai, lạc, rau đậu thực phẩm, cây sen, mía…) đã thu được tổng lợi nhuận 74.216,7 triệu đồng, tạo ra giá trị 51.832,24 triệu đồng cho kinh tế trồng trọt tỉnh Phú Yên. Đáng chú ý từ năm 2016 đến nay, có 1.307,46 ha diện tích chuyển đổi được hỗ trợ 2,5 tỷ đồng.

Theo tính toán, tổng lợi nhuận  thu được từ diện tích chuyển đổi này đạt gần 30 tỷ đồng, tăng 223,6% so với trồng lúa. 

Huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) đã triển khai thành công nhiều mô hình sản xuất, từng bước đa dạng cây trồng, tránh rủi ro trong sản xuất trước thời tiết khắc nghiệt.

Theo Trưởng phòng NN và PTNT huyện Đồng Xuân Trần Quốc Huy, hơn 5 năm qua, ngoài cây lúa, địa phương còn thực hiện các mô hình sản xuất trên cây trồng khác, như: thâm canh cây đậu phộng (lạc) với diện tích 21 ha tại xã Xuân Phước, thâm canh cây mít tại xã Xuân Sơn Bắc, quy mô 7 ha và trồng rừng thâm canh gỗ lớn giống keo lá tràm tại các xã Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Đa Lộc với quy mô 60 ha. Qua đó, giúp người dân thay thế diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả; chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn trái và trồng rừng, tăng hiệu quả kinh tế.

Đơn cử xã Xuân Quang 2 có  tổng diện tích gieo trồng hằng năm khoảng 715 ha, tập trung chủ yếu là lúa, mía, sắn nhưng năng suất và sản lượng thấp do thiếu nước tưới, đầu ra bấp bênh...

Hội Nông dân huyện Đồng Xuân đã triển khai dự án Xây dựng mô hình liên kết nâng cao hiệu quả của vùng sản xuất đậu phộng thích ứng biến đổi khí hậu nhằm cải thiện sinh kế cho phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Phước Huệ, xã Xuân Quang 2.

Dự án này đã và đang giúp hơn 30 hộ dân sống trong vùng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất cây trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số.

Hộ gia đình ông Nguyễn Khắc Trường, ở thôn Phước Huệ có 1.000 m2 đất thường ngập lụt vào mùa mưa và nắng hạn vào mùa khô cho nên hằng năm chỉ trồng bắp. “Vụ đông xuân 2019-2020, gia đình tôi được chọn tham gia mô hình , nhờ chịu khó đầu tư chăm sóc và thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật nên hiệu quả mang lại khá cao, giúp tăng nguồn thu nhập”- ông Trường nói. 

Tương tự những năm qua, Bình Định đã chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Qua quá trình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, Bình Định xác định hai mô hình chuyển đổi có hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu: mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lạc và mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô.

Theo số liệu thống kê trong 5 năm (2016 - 2020), cây lạc có diện tích chuyển đổi trên đất lúa lớn nhất, với  5.675 ha. Các mô hình chuyển đổi trồng lạc có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20 - 24 triệu đồng/ha so với trồng lúa. Trồng lạc trên đất lúa còn có tác dụng cải tạo đất, hạn chế được sâu bệnh hại; tiết kiệm lượng nước tưới từ 40 - 50% so với trồng lúa, thích ứng với biến đổi khí hậu; cung cấp nguyên liệu để phát triển nghề ép dầu lạc.

Đối với mô hình trồng ngô, với thời gian sinh trưởng ngắn, nhu cầu nước tưới ít hơn so với lúa, phù hợp với chuyển đổi trên đất lúa. Chuyển đổi trồng ngô lai có hiệu quả kinh tế cao hơn so trồng lúa (lợi nhuận tăng hơn 5 triệu đồng/ha) và cung cấp nguồn thức ăn chăn nuôi, giải quyết vấn đề thức ăn cho chăn nuôi khi giảm diện tích  trồng lúa.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh phát triển mô hình trồng ngô sinh khối có hiệu quả kinh tế cao gấp ba lần so với trồng ngô lấy hạt; rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 20 - 30 ngày so ngô hạt, tăng hệ số sử dụng đất; tiết kiệm nước tưới từ 40 - 60% so trồng lúa, hạn chế được rủi ro do thời tiết; giảm chi phí công chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật.

Chủ động, tích cực  chuyển đổi theo kế hoạch, quy hoạch

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN và PTNT Phú Yên, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với Việt Nam nói chung và khu vực Nam Trung Bộ nói riêng. Chính vì vậy, cần nhận diện được những tác động tiêu cực của hiện tượng thiên tai cực đoan tại khu vực này và tìm giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời gian tới.

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên đã có kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030: thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa 4.030 ha diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây hằng năm, cây lâu năm và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa. Trong đó giải pháp thực hiện bảo đảm sinh kế cho người dân trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực trồng trọt là cơ cấu lại phân bổ vốn đầu tư công, xã hội hóa của ngành theo hướng bảo đảm các nguyên tắc phân bổ, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển trồng trọt chế biến, liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu tập trung. Triển khai thực hiện các dự án về hạ tầng để đáp ứng yêu cầu sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đề nghị các địa phương chủ động và tích cực tuyên truyền, rà soát và tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển mạnh đất lúa năng suất và hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn theo kế hoạch của ngành nông nghiệp...

Theo Quyền Giám đốc Sở NN và PTNT Bình Định Trần Văn Phúc, địa phương đã và đang thực hiện ba giải pháp chuyển đổi sản xuất phù hợp để bảo đảm sinh kế cho người dân một cách bền vững. Đó là giải pháp về trồng trọt; giải pháp nuôi trồng thủy sản và giải pháp về thủy lợi.

Theo đó, tỉnh Bình Định xây dựng kế hoạch và lồng ghép các mô hình khuyến nông, tập huấn, tuyên truyền về chuyển đổi cây trồng, mùa vụ; triển khai thực hiện các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa. Đối với sản xuất giống thủy sản, cần tiết kiệm nước, sử dụng nước giếng, tái sử dụng nước, hạn chế sản xuất đối tượng có giá trị thấp; đối với cá lồng hồ chứa cần thả giống lớn, mật độ thưa để rút ngắn thời gian nuôi; đối với nuôi tôm nước lợ cần tuân thủ lịch thời vụ nuôi tôm, giảm mật độ nuôi, tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Xây dựng kế hoạch sản xuất ngay từ đầu năm; tính toán chuyển dịch thời vụ hợp lý; tổ chức sản xuất vụ hè ngay sau khi kết thúc vụ đông xuân; tổ chức sản xuất vụ thu sớm hơn để tiết kiệm nguồn nước, tránh hạn cuối vụ và chuyển mạnh sang cây trồng cạn. 

Ngoài việc tiếp tục chuyển đổi diện tích đất lúa sang các loại cây trồng phù hợp, với nhiều nét đặc thù địa lý, khí hậu, thủy văn, Khánh Hòa đang là một trong những trung tâm cung cấp giống cũng như nuôi trồng thủy, hải sản.

Phó Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Khánh Hòa Võ Khắc Én cho biết, cả tỉnh có 427 cơ sở chuyên sản xuất con giống thủy, hải sản, tổng sản lượng sản xuất hằng năm khoảng 9,5 tỷ con. Nghề sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản tại Khánh Hòa đang phải đối mặt nhiều thách thức như: khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh hoành hành. Bệnh tôm sữa ở tôm hùm là một thí dụ. Do chưa có thuốc đặc trị cho nên tôm bị bệnh là  chắc  chắn chết, gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi.

Nhằm từng bước khắc phục tình trạng nêu trên, hạn chế rủi ro do nuôi tự phát, tỉnh Khánh Hòa quy hoạch các vùng nuôi, từng bước chuyển sang nuôi công nghiệp, hình thành các trang trại trên biển.

Mới đây, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Khánh Hòa) đã xây dựng thành công quy trình nuôi thương phẩm tôm hùm bông trong bể, cho ăn thức ăn công nghiệp. Mô hình này giúp giảm rủi ro như bão, lũ lụt, ô nhiễm môi trường.