Chương trình làm sạch sông Hồng và cầu Long Biên

NDO -

NDĐT- Trong hai ngày 12 và 13-10, Phái đoàn Liên hiệp châu Âu đã hỗ trợ tổ chức Keep Hanoi Clean tổ chức chiến dịch dọn rác tại sông Hồng và cầu Long Biên, Hà Nội.

Các tình nguyện viên tham gia dọn rác.
Các tình nguyện viên tham gia dọn rác.

Đây là một trong những hoạt động của Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu 2019 tại Việt Nam. Chương trình thu hút khoảng 400 tình nguyện viên tham gia dọn rác, trong đó có đại diện của Phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU), đại diện các nước thành viên EU và giới trẻ tại Hà Nội.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ bổ nhiệm của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti, cho biết, EU tự hào vì được hỗ trợ chiến dịch này. EU đang tham gia chiến dịch hằng năm trên toàn cầu để dọn dẹp các bãi biển. Mặc dù Hà Nội không có bãi biển, nhưng việc dọn dẹp quanh nơi sống của chúng ta là một thí dụ tốt về hành động mà tự ta có thể thực hiện. Nếu muốn phát triển bền vững hơn, chúng ta phải bảo đảm làm sao để thiên nhiên có thể tiếp tục cung cấp được những lợi ích cho ta như không khí sạch, nước sạch, thực phẩm sạch và thuốc nhờ nguồn đất và đại dương lành mạnh. Để đạt được điều này, chúng ta phải thay đổi hành vi và trân trọng thiên nhiên hơn. Mục tiêu của chiến dịch không những là để dọn dẹp mà còn để nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Phía sau chợ Long Biên có một cộng đồng nhỏ với khoảng 300 - 500 người sinh sống trong các căn nhà tôn mà không tiếp cận các dịch vụ dọn rác thải. Ngõ nhỏ dẫn tới các căn nhà quá dài và hẹp nên công ty vệ sinh môi trường không thể tiếp cận để thu dọn rác do các cư dân thải ra. Do không có nơi đổ, phần lớn người dân vứt rác ra khu vực trũng ngay cạnh song. Khi nước dâng lên, khu vực này tràn ra sông Hồng. Khi không đổ rác ra song, người dân thường đốt rác.

Chương trình làm sạch sông Hồng và cầu Long Biên ảnh 1

Keep Hanoi Clean đã tổ chức một chiến dịch dọn rác vào tháng 11 năm 2017 và đạt được kết quả đáng khích lệ. Công ty Môi trường đô thị ước tính, khoảng 14 tấn rác đã được dọn đi trong chiến dịch. Khu vực được dọn dẹp giữ được sạch sẽ trong năm tháng sau khi dọn rác, nhưng dần dần trở lại tình trạng ban đầu.

Sự kiện đã thu hút rất nhiều tình nguyện viên Việt Nam và nước ngoài. Bạn Đức Hiếu, tình nguyện viên của Keep Hanoi Clean chia sẻ niềm vui vì được góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ môi trường, dọn dẹp rác thải tại khu vực này. Với bạn, sự kiện hôm nay thật ý nghĩa và rất thiết thực.

Người sáng lập của Keep Hanoi Clean James Joseph Kendall cho biết, sẽ lên kế hoạch cho một hệ thống thu dọn rác với sự tham gia của chính quyền và người dân, bảo đảm hệ thống thu dọn rác sẽ được triển khai trước tháng 4 năm sau. Sau đó, một chiến dịch dọn dẹp nữa sẽ được tổ chức vào tháng tư năm sau.

Trong phạm vi chương trình, khu dân cư sẽ được cung cấp các thùng rác lớn. Các hộ dân sẽ chia sẻ nhiệm vụ hằng ngày để đẩy các thùng rác lớn ra khu phố, nơi có thể thực hiện thu dọn rác. Ở khu vực chân cầu Long Biên, có rất nhiều hộ nghèo. Việc thực hiện chương trình sẽ như một nỗ lực dành cho các hộ dân gánh trách nhiệm giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, có lợi về mặt kinh phí đối với cộng đồng cũng như làm giảm lượng rác thải xả ra sông Hồng.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Tuần lễ Ngoại giao khí chậu châu Âu 2019, Phái đoàn EU tại Việt Nam phối hợp các đại sứ quán thành viên, các đối tác giới thiệu một loạt hoạt động nhằm tăng cường nhận thức của công chúng đối với nhu cầu cấp bách trong việc chống biến đổi khí hậu.

Các hoạt động đã được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hội An từ ngày 27-9 tới 13-10. Đó là khai trương hệ thống điện sử dụng tấm lợp năng lượng mặt trời tại một trường tiểu học ở Đà Nẵng; hội thảo và thảo luận với sinh viên Đại học Đà Nẵng; đạp xe ở Hội An; chiếu phim “Truy tìm rạn san hô” với nội dung về sự ấm lên của đại dương và tác động tới các rạn san hô và sinh vật biển, sau đó là phần thảo luận với giới trẻ.

Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu năm nay hướng tới giới trẻ, những người có tương lai chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Hiện nay, biến đổi khí hậu là một thực tế cấp bách và nếu chúng ta không hành động, nó sẽ ngày càng ảnh hưởng tới tương lai của giới trẻ cũng như các thế hệ con cháu. Đã tới lúc đáp ứng lời kêu gọi hành động.

Việt Nam được đánh giá là nằm trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng trầm trọng nhất của biến đổi khí hậu và các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra. Phù hợp với cam kết quốc tế của mình về biến đổi khí hậu và Mục tiêu Phát triển Bền vững, EU đang tích cực giúp Việt Nam giảm nhẹ thiệt hại nhờ đổi mới lĩnh vực năng lượng, và ứng phó biến đổi khí hậu nhờ việc tài trợ cho các nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp thích nghi phù hợp.

Trong khoảng thời gian từ năm 2014 tới 2020, EU dành ngân sách 350 triệu Euro cho các chương trình liên quan tới môi trường, tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu tại Việt Nam, cũng như cho các dự án đầu tư bền vững.