Chung tay chăm sóc trẻ em vùng biên giới

Trên vùng đất biên cương cháy nắng, cằn khô Tây Ninh, có những tổ chức, cá nhân đầy lòng nhân ái thực hiện nhiều hành động nhân văn vì trẻ em, dành tất cả cho trẻ em. Không chỉ làm theo lời Bác Hồ dạy: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, Đảng bộ, chính quyền tỉnh còn có nhiều cách để đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống, làm cho “thế giới ngày mai” thêm bình an, hạnh phúc.

Bà Nguyễn Thị Bảnh (ngồi giữa) cùng các cháu“nội, ngoại”.
Bà Nguyễn Thị Bảnh (ngồi giữa) cùng các cháu“nội, ngoại”.

Vừa đi học về, hai chị em Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Lan sà vào lòng bà Nguyễn Thị Bảnh. Không cần đợi bảo, hai đứa bé mồ côi này nhanh tay phụ “bà ngoại” nhặt rau củ quả, rửa sạch để nấu cơm. Bà Bảnh năm nay tròn 70 và đã làm việc không lương ở Cơ sở Bảo trợ xã hội Bách Hoa Trang (huyện Hòa Thành) gần 12 năm. Ngoài làm “bà ngoại” của Liên, Lan (mồ côi mẹ), người phụ nữ nông dân chân đất này còn làm “bà nội” của bé Lâm Quang Tiến (mồ côi cha), làm cả “bà nội lẫn bà ngoại” của bé Lê Ánh Hồng (mồ côi cả cha lẫn mẹ) và 12 đứa bé tội nghiệp khác. May mắn cho những đứa trẻ là từ khi được nhận nuôi, đều được đi học, được học thêm ngoại ngữ và hầu hết đều được chính quyền, thầy giáo, cô giáo trong xã xin giúp học bổng, miễn học phí.

Trong gian bếp, đong đúng 15 lon gạo/lần, bà Nguyễn Thị Phiếm (bảo mẫu) và ông Huỳnh Thanh Hùng (giáo viên), Nguyễn Văn Sáu (Giám đốc) cùng nấu cơm cho 16 người ăn trưa. Bà Phiếm kể: “Rau củ quả đều do cơ sở xin, lâu ngày mọi người biết cho nên tiểu thương ở chợ bán thứ gì không hết thì mang cho. Bởi vậy hầu như chúng tôi làm ở đây đều làm thiện nguyện vì cơ sở thiếu thốn lắm, các cháu luôn ăn “chay”, lâu lâu mới có trứng, ít thịt mỡ, còn sáng thì ăn mì gói. Cơ sở quy mô nhỏ phải tằn tiện, chắt bóp, chỉ tội cho tụi nhỏ thiếu thốn tình yêu của cha mẹ, ăn uống còn thiếu chất”. Bà Phiếm rụt rè lau đôi mắt đỏ hoe khi được đề nghị chụp hình, người chụp cũng đỏ hoe mắt vì cảm động trước các cụ bà, cụ ông tuổi cao sức yếu vẫn luôn dành cho trẻ em những gì thơm thảo nhất. Ở mảnh đất khó Tây Ninh, có rất nhiều mô hình bảo trợ xã hội của tư nhân như trên, trải rộng các huyện vùng biên.

Tại khu vực do Nhà nước quản lý, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Tây Ninh đang nuôi dạy 19 cháu khuyết tật, bị bệnh nan y, bị bỏ rơi với mức chi 1,35 triệu đồng/cháu/tháng. Giám đốc Cao Thị Ngọc Hân chia sẻ: “Đã có hàng trăm lượt trẻ đến sinh sống, học tập và trưởng thành, rồi rời trung tâm nhưng trong vài năm gần đây, có sáu cháu tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Làm nghề này, dù thu nhập thấp nhưng cán bộ giáo viên trung tâm đều rất vui khi nhìn các con trưởng thành”. Gần đó và cùng trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh đang chăm sóc 53 học sinh mù. Ở đây, các em đều được học chữ nổi, học các nghề thủ công. Sản phẩm các em làm ra còn có thể bán, thu về lợi nhuận, dẫu không nhiều.

Theo dự thảo Báo cáo chính trị của Tỉnh ủy Tây Ninh, nhờ thực hiện các chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, miễn giảm học phí, cấp học bổng… đến năm 2020, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn khoảng 1% tổng số trẻ em trên địa bàn tỉnh (2.477 em trên tổng số 244.996 em), 100% trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập với cộng đồng và có cơ hội phát triển. Nhiều cá nhân, tổ chức còn chung tay cùng chính quyền các cấp chăm lo cho trẻ em. Thí dụ, chương trình “Nâng bước em đến trường” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh triển khai sáng tạo, giàu nghĩa tình với 73 em học sinh (trong đó có 15 em người Cam-pu-chia). Mỗi tháng, học sinh nghèo được các đồn trợ cấp 500 nghìn đồng/em; mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” với cách thức các đồn biên phòng nhận chăm lo việc ăn, ở, học cho 11 học sinh Khmer, trẻ mồ côi, trẻ em nghèo...

Bên cạnh đó, nhiều đoàn thể, ngành cũng có các hoạt động vô cùng ý nghĩa. Có thể kể đến các cấp bộ Đoàn TNCS Tây Ninh trong đại dịch Covid-19 vừa qua đã thành lập 19 đội phản ứng nhanh, 15 tổ lưu động với 1.261 thành viên…, qua đó hỗ trợ 69 điểm trường tiểu học và THCS trên địa bàn tiến hành dọn dẹp vệ sinh và khử trùng các lớp học, lắp đặt 66 bồn rửa tay cho các em; hay các cấp hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ Tây Ninh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần chăm lo phụ nữ, trẻ em như trao học bổng, khám chữa bệnh miễn phí, tặng xe đạp cho nữ sinh nghèo; các cấp hội của Hội Bảo trợ Người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em Tây Ninh đã tổ chức trao tặng quà, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền nhiều tỷ đồng/năm. Hội cũng luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện Luật Trẻ em, bảo đảm Công ước quốc tế về quyền trẻ em… Chính vì vậy mà ngay từ giữa nhiệm kỳ 2015-2020, Tây Ninh đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; duy trì chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS. Việc huy động trẻ năm tuổi ra lớp đạt 99,7%; huy động trẻ sáu tuổi ra lớp đạt 100%. Ngoài ra, công tác xã hội hóa giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực. Số trường, học sinh, giáo viên ngoài công lập, nhất là cấp mầm non tăng nhanh. Tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) giảm còn rất thấp…

Một khía cạnh khác, báo cáo UBND tỉnh Tây Ninh với đoàn công tác của Quốc hội vừa qua ghi nhận, tổng số trẻ em bị xâm hại (từ năm 2015 đến tháng 6-2019) là 353 em. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em là người thân thích. Nạn nhân chủ yếu là các trẻ em gái, địa bàn xảy ra là nông thôn (chiếm 87,7%), qua đó truy tố 196 vụ với 205 bị can. Thời gian qua, các văn bản UBND tỉnh ban hành về công tác trẻ em đều bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực tế tình hình địa phương, đáp ứng yêu cầu phòng, chống xâm hại trẻ em. Tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, hỗ trợ hằng tháng cho 195 trẻ em theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ và 11.900 lượt trẻ em khác bằng cách thăm tặng quà, trao học bổng, tặng xe đạp, tư vấn tâm lý, động viên; chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ bị xâm hại; bố trí nơi ở an toàn, cách ly trẻ khỏi môi trường có nguy cơ tiếp tục bị bạo lực.

Mới đây, những người lính trẻ mang “quân hàm xanh” địa bàn Tây Ninh đã trực tiếp trao 200 áo mưa, 2.000 quyển tập, 200 hộp sữa, 200 phần ăn sáng… tặng trẻ em nghèo khu vực biên giới Long Phước (huyện Gò Dầu). Những món quà nho nhỏ, dễ thương trị giá chỉ vài triệu đồng, nhưng cũng đủ nói lên những gì mà lớp trẻ nơi biên cương dành cho trẻ em vùng biên giới.