Chuẩn bị đối phó bão số 6

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, bão số 6 có khả năng đổi hướng, di chuyển chậm về phía tây và có khả năng mạnh thêm. Ðến 16 giờ hôm nay (8-11), vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 270 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền tránh bão số 6. Ảnh: THUẬN HÓA
Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền tránh bão số 6. Ảnh: THUẬN HÓA

Vùng nguy hiểm trên Biển Ðông trong 24 giờ tới do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh là phía bắc vĩ tuyến 11,5 độ vĩ bắc; phía đông kinh tuyến 112,0 độ kinh đông. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10 đến 15 km và có khả năng mạnh thêm. Ðến 16 giờ ngày 9-11, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 230 km về phía tây bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.

★ Theo Tổng cục Thủy lợi, tại khu vực Bắc Trung Bộ, dung tích các hồ chứa thủy lợi bình quân đạt 70 đến 85%, hiện còn 53 hồ chứa bị hư hỏng và 20 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp. Khu vực Nam Trung Bộ ở mức thấp, dung tích bình quân đạt 55 đến 75%, trong đó 24 hồ chứa bị hư hỏng và 34 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp. Riêng khu vực Tây Nguyên, dung tích bình quân các hồ chứa đang đạt mức cao từ 80 đến 90%. Có năm hồ đang xả và 41 hồ chứa bị hư hỏng, 23 hồ chứa đang sửa chữa.

★ Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT) đang đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục có công hàm đề nghị Phi-li-pin tạo điều kiện cho các ngư dân trên 31 tàu của tỉnh Bình Ðịnh được vào tránh, trú và hỗ trợ cứu nạn. Ngoài ra, để chủ động đối phó bão số 6, các tàu khác phải có thông báo kịp thời để di chuyển, vòng tránh vào nơi neo nậu, tránh trú an toàn.

★ Sau bão số 5, kè biển Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Ðịnh) xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng. UBND tỉnh đã huy động lực lượng đắp bao cát, gia cố tạm đoạn kè bị sạt lở. Trước đó, UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp và giao các cơ quan chức năng xử lý sự cố. Ngoài ra, sự cố sạt mái tuyến đê Ðông, huyện Tuy Phước trên chiều dài 127 m đang được các cấp chính quyền lên kế hoạch sửa chữa.

★ Ngày 7-11, Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT làm việc với UBND tỉnh Bình Ðịnh về công tác khắc phục hậu quả bão số 5. UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 2.000 tấn gạo để cứu trợ nhân dân bị ảnh hưởng bão lũ và 100 tỷ đồng khôi phục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng do lũ, bão. Tại buổi làm việc, đoàn công tác yêu cầu tỉnh chỉ đạo các đơn vị, các cấp chính quyền địa phương, các lực lượng và người dân tiếp tục tập trung ứng phó bão số 6; chủ động các phương án di dời dân ra khỏi vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đất nơi an toàn.

★ Ðợt mưa lũ do ảnh hưởng bão số 5 đã làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, tổng thiệt hại ước tính hơn 367 tỷ đồng. Tỉnh đã huy động lực lượng khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục, đồng thời kiến nghị T.Ư xem xét hỗ trợ 250 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, hiện nay, bão số 6 trên Biển Ðông có diễn biến phức tạp, tỉnh cần tiếp tục huy động các nguồn lực để vừa khắc phục hậu quả, vừa chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão.

★ Các trận mưa bão vừa qua đã làm luồng đường thủy nội địa Hội An - Cù Lao Chàm (Quảng Nam) bị bồi lấp nặng, tàu thuyền công suất lớn khó vào âu thuyền hoặc các vũng neo đậu trú mưa bão. Trong bão số 5 vừa qua, nhiều ngư dân buộc phải đưa tàu cá tránh trú bão tại âu thuyền Thọ Quang (TP Ðà Nẵng). UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Cục Ðường thủy nội địa Việt Nam sớm triển khai nạo vét, khơi thông và lắp đặt các phao báo hiệu dẫn luồng để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ra vào cảng.

★ Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xảy ra mưa lớn, làm ngập phần lớn diện tích thôn Hiệp Trí, xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Sạt lở đã làm hư hỏng nghiêm trọng một đoạn đường dân sinh và xói lở, hư hỏng một số nhà dân.

★ Tính đến sáng 6-11, các hồ chứa trong tỉnh Bình Thuận đã tích được 78% dung tích thiết kế, một số hồ tích đầy nước. Nếu lượng mưa ở lưu vực các hồ đạt 30 mm, thì sẽ có 12 hồ phải điều tiết qua tràn. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo cho nhân dân ven sông, suối, hạ lưu trục thoát lũ các hồ chứa, các cửa sông, để biết và có phương án chủ động phòng, tránh an toàn khi hồ xả lũ.

★ Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đầu tiên xảy ra ở Hưng Yên và hiện lan ra cả nước, gây tổng thiệt hại 5,7 triệu con lợn. Ðến nay, chu kỳ dịch bệnh đã rơi vào điểm thấp nhất. 60% số xã trên cả nước qua 30 ngày không tái phát dịch. Riêng tại Hưng Yên, 100 xã không còn xuất hiện lợn mắc bệnh.

★ Tại tỉnh Nam Ðịnh, đến hết tháng 10-2019, DTLCP đã xuất hiện tại hơn 37.350 hộ, số lợn phải tiêu hủy hơn 263.240 con (chiếm 33% tổng đàn). Hiện vẫn còn 116 trong số 229 xã, phường, thị trấn của toàn bộ 10 huyện, thành phố có dịch. Nhiều nơi đã qua 30 ngày không phát hiện DTLCP, nhưng sau đó tái phát dịch. UBND tỉnh Nam Ðịnh yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tế để triển khai tái đàn theo nguyên tắc thận trọng, an toàn và phải được kiểm soát chặt chẽ.

★ Mặc dù ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo người chăn nuôi chậm tái đàn, bởi mầm bệnh DTLCP còn tiềm ẩn trong môi trường và khả năng tái phát dịch rất cao, nhưng nhiều hộ chăn nuôi đua nhau tái đàn. Hiện tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh khoảng 142 nghìn con; trong đó mới tái đàn hơn 20 nghìn con.

★ Chiều 7-11, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức cuộc họp khẩn, triển khai công tác ứng phó bão số 6. Toàn tỉnh hiện có 98 tàu (1.745 lao động) đang hoạt động trên biển, gần 675 ha nuôi trồng thủy sản, với khoảng 91.100 lồng nuôi trồng thủy sản; 162 hộ chăn nuôi gia súc dọc hạ lưu sông Ba (nằm trong vùng nguy hiểm khi xả lũ). Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương, sở, ngành đã báo cáo cụ thể công việc chuẩn bị phòng, chống bão số 6. Trong đó chú trọng phương án di dời dân tại những khu vực có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp do bão, hay những vùng trũng thấp dễ bị ngập lụt.

Cá chết hàng loạt ở hồ Ðại An (Quảng Trị)

Ngày 7-11, tại hồ Ðại An, TP Ðông Hà (Quảng Trị) xảy ra hiện tượng cá rô phi chết đồng loạt, nổi trắng mặt hồ. Trước đó, từ tối 6-11, cá rô phi trong hồ đã nổi lên mặt nước và bơi ngửa. Ðến sáng 7-11, cá đồng loạt chết. Chính quyền địa phương đã huy động công nhân môi trường dùng thuyền di chuyển quanh hồ, vớt được hàng tấn cá chết, vận chuyển đi xử lý, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Hiện Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị đã lấy mẫu nước trong hồ Ðại An và ở các cống nước thải ra hồ này để tìm nguyên nhân cá chết.