Chủ động ứng phó với bão số 6

NDO -

NDĐT - Chiều 7-11, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức cuộc họp khẩn, triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 6 dự kiến sẽ đi vào đất liền trong vài ngày tới.

 Các phương tiện tàu thuyền đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân phường 6, thành phố Tuy Hòa đã vào nơi neo đậu an toàn.
Các phương tiện tàu thuyền đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân phường 6, thành phố Tuy Hòa đã vào nơi neo đậu an toàn.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Phú Yên, toàn tỉnh có 98 tàu/1.745 lao động đang hoạt động trên biển là. Đến 14 giờ chiều 7-11, có 242 tàu cá/1.502 lao động đang neo đậu tại các đảo và hoạt động ở các vùng biển thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, DK1 (nằm ngoài khu vực nguy hiểm); 56 tàu cá/243 lao động đang khai thác thủy sản gần bờ trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận. Tất cả chủ các phương tiện trên đều nhận được thông tin về tình hình diễn biến cơn bão số 6 trên biển Đông và chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, thường xuyên liên lạc được về gia đình và với bộ đội biên phòng.

Qua kiểm tra, rà soát, Phú Yên có gần 675 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, với khoảng 91.100 lồng nuôi trồng thủy sản; có 162 hộ chăn nuôi gia súc dọc hạ lưu sông Ba (nằm trong vùng nguy hiểm khi xả lũ). Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương, sở, ngành đã báo cáo cụ thể công việc chuẩn bị phòng chống bão số 6. Trong đó chú trọng phương án di dời dân tại những khu vực có khả năng ảnh hưởng trực tiếp do bão, hay những vùng trũng thấp dễ bị ngập lụt. Nhìn chung, các địa phương, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, sẵn sàng phương án ứng phó bão số 6.

Ông Đào Mỹ, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, rút kinh nghiệm vừa qua trong cơn bão số 5, toàn bộ người dân trên các lồng bè được thông báo vào bờ trước khi bão đổ bộ nên không thiệt hại về người, lần này bão số 6 dự kiến sẽ mạnh hơn, nên cần chủ động sớm hơn; vừa qua bão số 5 đánh chìm hàng chục tàu thuyền, đã được trục vớt lên bờ. Các địa phương và lực lượng cứu hộ tiếp tục hướng dẫn bà con nơi neo đậu, chằng chống an toàn hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Trần Hữu Thế chủ trì cuộc họp chiều nay phát biểu chỉ đạo yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục liên lạc kêu gọi các phương tiện trên biển biết diễn biến của bão, chủ động ra khỏi vùng nguy hiểm tìm nơi trú tránh an toàn; duy trì nghiêm chế độ trực; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Các địa phương cần xác định rõ ba nhóm người (lao động trên lồng bè nuôi thủy sản, sinh sống vùng xung yếu do triều cường, vùng trũng thấp) để chủ động di dời đến nơi an toàn; áp dụng các phương án, thậm chí phải cưỡng chế di dời người dân trong trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn khi bão lũ xảy ra. Các địa phương rút kinh nghiệm những hạn chế khi ứng phó với cơn bão số 5 vừa qua, khắc phục tâm lý chủ quan không chấp hành theo sự hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn của cơ quan chức năng. Đồng thời, các địa phương cũng cần chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu người dân khi bão vào đất liền; thực hiện chằng chống nhà ở, công trình, trường học; cơ số thuốc, thực phẩm hỗ trợ người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, lúc 13 giờ ngày 7-11, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc, 117,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 390 km về phía Đông Bắc, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115 km/giờ), giật cấp 14. Đến 13 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc, 110,2 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Quảng Ngãi - Phú Yên khoảng 110 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115 km/giờ), giật cấp 14, cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3. Do ảnh hưởng bão số 6, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to với khoảng 200-300 mm/đợt.

Triều cường xâm thực, uy hiếp hàng chục hộ dân ven biển Phú Yên

Nhiều ngày qua, 60 hộ dân hộ dân thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An (Phú Yên) đang gặp khó khăn bởi tình trạng triều cường xâm thực, ăn sâu vào đất liền, uy hiếp tài sản, tính mạng, trong khi cơn bão số 6 đang rất mạnh và dự kiến sẽ đổ bộ trực tiếp vào Phú Yên.

Nhà ông Phạm Diệp, thôn Mỹ Quảng Nam nằm sát biển, trước đây nhà cách mép nước vài chục mét, nay triều cường gây sóng lớn liên tục bổ vào bờ, kéo cát ra xa, đến nay mép nước biển đã sát sân nhà. “Gần 10 năm trở lại đây, do biến đổi khí hậu triều cường xâm thực sâu vào bờ biển đã "xóa sổ" con đường, uy hiếp vào nhà ở của chúng tôi, mỗi năm tôi phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để xây kè tạm, giữ đất, giữ móng nhà. Thế nhưng, kè tạm xây được một mùa lại bị sóng biển đánh vỡ, gia đình luôn sống trong cảnh bất an, nhất là trước diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa bão ngày càng hung dữ như hiện nay.” Ông Diệp nói trong lo lắng.

Gần trong xóm, gia đình ông Nguyễn Văn Vương cũng nơm nớp lo sợ mỗi khi nghe dự báo bão lũ. Trước kia, nhà cách biển vài chục mét, mưa gió, bão lũ không ảnh hưởng gì. Nhưng hiện nay nhà ông Vương chỉ còn cách mặt nước biển 5-7 mét khả năng biển sẽ lấn gây sập nhà bất cứ lức nào. Ông Vương nói: “ Đợt bão số 5 vừa rồi, gia đình phải chuyển đi ở nhờ nhà người quen và cứ mỗi lần nghe tin mưa bão là vợ chồng tôi và các con phải gói gém đồ đạc xin ở nhờ nơi khác. Mong muốn của chúng tôi là được tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng kè biển thôn Mỹ Quang Nam để bão đất đai, nhà ở ổn định cuộc sống.”

Trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, chủ tịch UBND xã An Chấn, huyện Tuy An, ông Nguyễn Văn Hồng cho biết, hai thôn Mỹ Quang Bắc và Mỹ Quang Nam nằm sát biển, thời gian gần đây liên tục bị triều cường, sóng biển xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của các hộ dân.

Đầu năm 2019, khu vực bờ biển thôn Mỹ Quang Bắc đã được đầu tư kè biển An Chấn với chiều dài 370m tại những vị trí xung yếu, góp hần khắc phục được tình trạng sạt lỡ do triều cường tại khu vực này. Riêng khu vực thôn Mỹ Quang Nam tiếp giáp với kè biển An Chấn có 60 hộ dân sống ở dọc bờ biển, thường xuyên bị triều cường, sóng biển xâm thực đe dọa nhưng chưa được đầu tư kè biển. Đặc biệt, trong ngày 30-10 vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 5 và triều cường dâng cao đã cuốn trôi toàn bộ tuyến đường thi công của công trình kè biển An Chấn (đường thi công đi qua khu vực thôn Mỹ Quang Nam) uy hiếp trực tiếp nhà ở, tài sản của 60 hộ dân thôn Mỹ Quang Nam. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, sản xuất, giúp người dân yên tâm vươn khơi bám biển, ổn định đời sống địa phương đã có văn bản kiến nghị UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên quan tâm đầu tư thêm 200m kè biển với kinh phí dự kiến khoảng 20 tỷ đồng để bão vệ bờ biển và 60 hộ dân.

Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết, qua kiểm tra thực tế thôn Mỹ Quang Nam có 60 hộ dân đang bị triều cường, sạt lỡ đe dọa. Trước mắt đơn vị có văn bản số 505/BC-BQL đề xuất tỉnh quan tâm, đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí khoảng 20 tỷ, xây dựng thêm 200m kè biển ở khu vực này. Thôn Mỹ Quang Nam nằm ngay cạnh kè biển An Chấn đã được xây dựng, để bảo vệ khu dân cư Mỹ Quang Bắc đã phát huy hiệu quả; nếu tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 200 mét kè tại thôn Mỹ Quang Nam sẽ tạo thành một vành đai bảo vệ an toàn khu dân hai thôn ven biển này.