Cần tính toán hài hòa bài toán giao thông ở thành phố Đồng Hới

NDO -

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình diễn ra khá nhanh nên cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp nhu cầu, nhất là hệ thống giao thông. Đồng Hới hiện đang thiếu các tuyến đường nối đông - tây thành phố nên gây ách tắc giao thông; trong lúc đó, tỉnh Quảng Bình khá “sốt sắng” đầu tư tuyến đường ven biển và chiếc cầu thứ 3 bắc qua sông Nhật Lệ khi nhu cầu chưa bức thiết.

Ngã tư cầu vượt Thuận Lý (Đồng Hới) luôn tắc đường trong thời gian cao điểm hằng ngày.
Ngã tư cầu vượt Thuận Lý (Đồng Hới) luôn tắc đường trong thời gian cao điểm hằng ngày.

Dân bức xúc vì đường tắc

Đồng Hới là đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh Quảng Bình. Những năm qua, hạ tầng giao thông của thành phố biển này được đầu tư xây dựng khá đồng bộ và hoàn chỉnh, kết nối với hệ thống đường bộ, đường sắt bắc - nam và đường hàng không quốc gia.

Nếu những tuyến dọc của Đồng Hới là đường quốc gia như quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh nhánh đông và đường tránh quốc lộ 1A qua địa bàn, được thiết kế, xây dựng bảo đảm chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì những đường ngang đều trong tình trạng chắp vá, vòng vèo hoặc xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và khách du lịch.

Trong quá trình quy hoạch thành phố Đồng Hới trước đây và đặc biệt là gần đây, Công ty Nikken (Nhật Bản) khi quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2035 đã nhấn mạnh đến việc xây dựng tuyến đường ngang đông - tây làm thành trục trung tâm đô thị.

Song thực tế cho thấy, các tuyến đường ngang hiện có của thành phố Đồng Hới đều chưa đáp ứng được yêu cầu đó, thậm chí có tuyến đầu tư còn dang dở do thiếu vốn. Tuyến đường ngang được xem là trục trung tâm đô thị Đồng Hới là đường Trần Hưng Đạo khá sầm uất, được xây dựng hàng chục năm nay song chỉ bốn làn xe, chiều dài khá hạn chế nên chưa đáp ứng nhiệm vụ liên kết vùng, có vai trò quan trọng trong giao thương và phát triển của Đồng Hới về phía tây.

Còn đường Lê Lợi là tuyến giao thông nội thành quan trọng, nối quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh nhánh đông nên có mật độ người và phương tiện qua lại rất đông nhưng hiện đang làm cầu nên người đi đường phải đi đường tạm. Giờ cao điểm luôn xảy ra ùn ứ. Thêm một con đường được kỳ vọng nối đông với tây thành phố là Nam Lý - Trung Trương (còn gọi đường Trần Quang Khải nối dài) lại bị bỏ dở 10 năm nay. Năm 2009, UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt và triển khai thực hiện dự án giai đoạn 1 (xây dựng đoạn nối từ ngã tư đường Trần Quang Khải - đường Hữu Nghị đến đường sắt bắc- nam).

Năm 2011, dự án bị cắt giảm vốn đầu tư đến nay vẫn chưa khởi động trở lại. Tuyến đường hiện còn dang dỡ tại nút giao với đường sắt bắc - nam. Trong khi đó, khu vực này rất đông dân cư, muốn đến trung tâm thành phố làm việc, học hành đều phải chen chúc nhau đi trên tuyến đường Tôn Thất Tùng vốn nhỏ hẹp và cong. Hầu như ngày nào tại điểm giao nhau giữa đường Tôn Thất Tùng với đường sắt cũng bị ách tắc gây nhiều bức xúc cho nhân dân.

Hiện nay, ùn tắc giao thông đang xảy ra ngày hằng trên các tuyến đường chính của thành phố Đồng Hới. Nguyên nhân là do tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng phương tiện giao thông, nhất là ô-tô cá nhân tăng rất nhanh, trong khi đường ít được mở rộng, nâng cấp. Vào giờ tan tầm, tình trạng người và phương tiện tham gia giao thông phải di chuyển rất chậm hoặc đứng yên chờ đợi diễn ra khá thường xuyên, nhất là tại các điểm giao thông trọng điểm của thành phố Đồng Hới.

Ông Võ Tiến ở phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới bức xúc: “Do thiếu các đường ngang từ trung tâm thành phố Đồng Hới lên phía tây nên hầu như tất cả người và phương tiện đều dồn về đường Trần Hưng Đạo gây ách tắc giao thông. Trước mắt, chưa làm đường được thì trong giờ cao điểm nên cấm xe tải trọng lớn lưu thông qua đây và điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu giao thông cho hợp lý để giảm tắc đường”.

Tuyến đường Nam Lý - Trung Trương dang dở do chưa có cầu vượt đường sắt.

Cầu dân sinh không mở, lại đầu tư cầu sang sông

Nhiều người dân Đồng Hới cho rằng, cần thiết nhất lúc này là tái khởi động dự án đường Nam Lý - Trung Trương, hiện chỉ thiếu chiếc cầu vượt đường sắt. Đây là tuyến đường quan trọng nối đông - tây thành phố, nếu được khơi thông sẽ giảm tải cho tuyến đường Trần Hưng Đạo và điểm thường xuyên kẹt xe cầu vượt Thuận Lý, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình, Phạm Văn Năm cho biết, quá trình phát triển của đô thị Đồng Hới đã bộc lộ những bất cập, hạn chế của hệ thống giao thông. Vì thế, cần phải quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông phù hợp, trong đó huy động vốn để xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông nối đông với tây thành phố, giảm giao cắt tại các nút giao thông trọng điểm. Đặc biệt, ưu tiên nhất lúc này là khởi động lại dự án để hoàn thiện tuyến đường Nam Lý - Trung Trương để chia sẻ lưu lượng người và phương tiện cho tuyến dường chính Trần Hưng Đạo.

Ngày 29-3, Sở GTVT Quảng Bình có văn bản gửi UBND tỉnh và Sở KH- ĐT Quảng Bình đề xuất danh mục dự án đường Nam Lý - Trung Trương (bao gồm cả cầu vượt đường sắt và thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giao đoạn 2021- 2025 của tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Quảng Bình, hiện, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến nội thành Đồng Hới tăng cao, nhất là điểm nút giao cắt giữa đường Tôn Thất Tùng và đường sắt bắc - nam ở phường Nam Lý. Do vậy, tuyến đường và cầu vượt đường tại vị trí này là hết sức cần thiết, góp phần điều tiết lưu lượng giao thông và bảo đảm an toàn tại vị trí giao cắt với đường sắt. Số vốn dự kiến đầu tư cho dự án dân sinh quan trọng này là 150 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Giám đốc Sở KH-ĐT Quảng Bình Phan Phong Phú cho rằng, việc thiếu các tuyến đường nối đông - tây Đồng Hới là thực tế đã được ghi nhận, nhưng hiện nguồn ngân sách của của tỉnh hạn hẹp, lại còn phải ưu tiên trả nợ các công trình đã đầu tư, nên việc đầu tư tuyến đường Nam Lý - Trung Trương phải đợi vốn.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Bình đang hết sức khẩn trương tiến hành các thủ tục và huy động nguồn vốn cho “đại dự án” là tuyến đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3. Riêng cầu Nhật Lệ 3 có số vốn dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng.

Nhiều người dân Đồng Hới cho rằng, thành phố hiện đã có hai cây cầu bắc qua sông Nhật Lệ, trong đó cầu Nhật Lệ 2 hoàn thành năm 2017 với số vốn gần 1.000 tỷ hiện chỉ lác đác người và phương tiện qua lại. Rõ ràng, cây cầu dây văng này mới chỉ mang ý nghĩa làm đẹp cho bộ mặt thành phố biển Đồng Hới chứ về mặt khai thác thì chưa bảo đảm mục tiêu đề ra.

Thiếu cầu dân sinh nhưng liệu đã cần thêm cầu sang sông Nhật Lệ? -0
 Trong khi cầu Nhật Lệ 2 ít phương tiện qua lại, tỉnh Quảng Bình chuẩn bị làm cầu Nhật Lệ 3.

Chính vì những yếu tố nêu trên, dư luận hiện nay cho rằng, trước mắt cần tập trung nguồn vốn nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội thành Đồng Hới, bảo đảm giao thông phục vụ đời sống và hoạt động du lịch, dịch vụ.

Đồng Hới ngày càng phát triển và mở rộng về phía tây khi sắp tới đây có thêm dự án đường cao tốc bắc - nam chạy qua. Tuy nhiên, việc thiếu các tuyến nối đông - tây thành phố sẽ gây nhiều khó khăn trong kết nối giao thông, ảnh hưởng lớn đến đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Hới.

Do vậy, tỉnh Quảng Bình cần sớm có giải pháp khắc phục những bất cập nêu trên, bởi nếu càng muộn càng thêm khó khăn và bức xúc cho người dân.