Cần sớm có biện pháp bảo đảm an toàn đê ở Tuyên Quang

Trên địa phận thành phố Tuyên Quang và huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) hiện có hơn 43 km đê sông Lô và 52 cống tiêu dưới đê. Thời gian gần đây, nhiều đoạn đê bị sạt lở nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng hành lang bảo vệ đê mà còn đe dọa tới thân đê, nguy cơ xảy ra vỡ đê khi nước sông lên cao.

Tuyến đê ở thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) bị sạt lở gần một nửa.
Tuyến đê ở thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) bị sạt lở gần một nửa.

Hệ thống đê trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được đầu tư xây dựng từ lâu (công trình được sửa chữa với quy mô lớn gần nhất đã hơn 20 năm), đến nay nhiều tuyến đê đã và đang xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông tới sát chân đê; mặt đê bị xuống cấp, có đoạn lún nghiêng ra phía sông (tuyến đê thuộc các xã Vân Sơn, Trường Sinh, Ðông Thọ, huyện Sơn Dương)... Những ngày đầu tháng 9 này, do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, mực nước sông Lô khu vực thành phố Tuyên Quang và huyện Sơn Dương dâng cao khiến cho tình hình sạt lở bờ sông Lô càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Có mặt tại xã Trường Sinh, một xã thuộc vùng hạ huyện Sơn Dương có hơn 9,3 km đê, chúng tôi chứng kiến mặt đê xuống cấp với nhiều "ổ trâu", "ổ voi"; mái đê cả hai bên đều xuống cấp không bảo đảm an toàn về các thông số kỹ thuật, nhiều chỗ bị xói lở do mưa lũ, có nơi hành lang bảo vệ đê còn bị người dân lấn chiếm để trồng cây hoặc sử dụng vào các mục đích khác. Tình trạng sạt lở đất bãi diễn ra khá nghiêm trọng, nhất là ở các thôn: Hưng Thành, Lương Thiện, Hưng Thịnh, Hưng Ðịnh, Phú Thọ, Quyết Thắng. Ông Ðỗ Văn Quyết ở thôn Hưng Thịnh cho biết, gia đình có hai thửa đất bãi để canh tác với tổng diện tích 1.700 m2, năm 2011 từ chân đê ra đến mép sông là hơn 90 m, thì nay do bãi bị xói lở nên chỉ còn hơn 10 m. Chủ tịch UBND xã Trường Sinh Ðỗ Xuân Trường cho biết, từ năm 2006 đến nay, tình trạng sạt lở thường xuyên xảy ra. Tại địa phận thôn Hưng Thịnh, điểm sạt lở dài đến 700 m, vị trí xung yếu nhất hiện nay đã lở vào một phần hai thân đê, với chiều cao vách ta-luy sạt lở từ 15 đến 20 m còn nhiều điểm vết lở cách chân đê chỉ khoảng 7 m. Tổng diện tích đất của người dân tại thôn Hưng Thịnh đã bị sạt lở khoảng 2,6 ha, là đất bãi, trồng ngô, trồng màu của người dân, việc sạt lở bờ sông đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Ở các thôn Phú Thọ 1 và 2, vị trí sạt lở gần nhất chỉ còn cách chân đê khoảng 5 đến 6 m với chiều dài sạt lở dọc bờ sông khoảng 35 m và đã xuất hiện hiện tượng sụt lún đê. Tại các điểm sạt lở này đã phải đặt biển cảnh báo "Khu vực sạt lở nguy hiểm ven sông" và hạn chế các phương tiện giao thông đi lại. Ðồng chí Ðỗ Xuân Trường cũng cho biết: khu vực này trước đây có một số doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác cát sỏi lòng sông nên đã khiến cao trình lòng sông tụt thấp, dẫn đến nền địa chất yếu, gây sạt lở soi bãi, lấn dần vào thân đê; mùa mưa lũ về nước dâng cao, tàu thuyền đi lại nhiều nên càng làm sạt lở mạnh.

Tại huyện Sơn Dương, nhiều đoạn đê qua địa bàn các xã Vĩnh Lợi, Cấp Tiến, Ðông Thọ, Quyết Thắng, Vân Sơn, Hồng Lạc cũng bị sạt lở nghiêm trọng, như đoạn đê thôn Phú Lương, xã Cấp Tiến với chiều dài sạt lở 750 m; tại thôn Cây Xi (cùng xã) có chiều dài sạt lở 950 m; tuyến đê thôn Xạ Hương, xã Ðông Thọ bị sạt lở với chiều cao vách ta-luy sạt từ 10 đến 12 m, chiều dài 900 m trong đó có hai vị trí sạt lở nguy hiểm đe dọa an toàn tuyến đê; tuyến đê thuộc thôn Mãn Sơn, xã Vân Sơn bị sạt lở mái ta-luy phía sông chiều dài sạt lở khoảng 13 m, chiều cao từ mép nước đến mặt đường (tuyến đê nằm trùng với tuyến đường huyện ÐH.04) cao khoảng 15 m, sạt lở gần chân đê nhất tại khu Ao Chùa cách chân đê chỉ còn khoảng 3 m, chính quyền đã cắm biển cảnh báo "Khu vực sạt lở nguy hiểm ven sông" các phương tiện giao thông không được đi qua khu vực này.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở chính là tình trạng khai thác cát sỏi quá mức cho phép trên lòng sông. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Sơn Lâm, tại khu vực thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh, năm 2012, UBND tỉnh Tuyên Quang đã cấp giấy phép khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông cho Công ty TNHH Thương mại Bảo Lâm có địa chỉ ở huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh với thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, công ty này đã nhiều lần khai thác ngoài chỉ giới và bị Thanh tra Sở lập biên bản đình chỉ, xử phạt. Nghiêm trọng hơn, tháng 1-2013, công ty đã sử dụng tàu cuốc và cẩu quăng để khai thác cát sỏi không đúng với thiết kế cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (chỉ cho phép khai thác bằng tàu hút và máy xúc) nên đã bị xử phạt vi phạm hành chính, tước giấy phép có thời hạn. Ðến tháng 6-2015, công ty đã có văn bản xin trả lại mỏ. Cũng trên đoạn sông thuộc khu vực xã Trường Sinh hiện nay, UBND tỉnh Tuyên Quang đã cấp phép cho Công ty cổ phần Khoáng sản Ngọc An. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, công ty có nhiều vi phạm đã bị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Công an tỉnh kiểm tra, phát hiện và xử phạt hành chính 80 triệu đồng vì khai thác cát sỏi trái với thiết kế được duyệt, đồng thời tước quyền khai thác vĩnh viễn. Ðồng chí Nguyễn Sơn Lâm cũng cho biết, năm 2016, trước những diễn biến phức tạp của việc khai thác cát sỏi, để bảo vệ bờ sông Lô và soi bãi ven sông, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có Thông báo số 88/TB-UBND yêu cầu dừng tất cả các hoạt động khai thác cát sỏi bằng tàu cuốc trên sông Lô. Thông báo này nay vẫn đang có hiệu lực.

Trao đổi về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang) Bùi Chí Thanh cho biết, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh giao UBND huyện Sơn Dương tiếp tục chỉ đạo UBND các xã có tuyến đê đi qua thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản, cấm các phương tiện lưu thông, hoạt động chăn thả gia súc và canh tác gần khu vực xảy ra sạt lở, đồng thời thành lập tổ tuần tra ngăn chặn các hoạt động khai thác cát sỏi trái phép, nắm bắt tình hình sạt lở trên toàn tuyến đê, kịp thời báo cáo khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, thường xuyên kiểm tra việc khai thác khoáng sản lòng sông, nhất là khu vực xã Trường Sinh, nếu có vi phạm đề nghị xem xét xử lý theo quy định. Trước mắt, để bảo vệ đất sản xuất, an toàn khu dân cư và công trình đoạn đê Hưng Thịnh xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với UBND tỉnh cho chủ trương xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở đoạn đê nêu trên với quy mô dài khoảng 400 m với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện mới bố trí được một tỷ đồng từ Quỹ Phòng chống thiên tai của tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí để xử lý khẩn cấp một số vị trí sạt lở nghiêm trọng thuộc tuyến đê tả sông Lô từ xã Vĩnh Lợi đến xã Trường Sinh với kinh phí dự kiến 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh những biện pháp cấp bách trước mắt, về lâu dài, để bảo đảm an toàn các tuyến đê, hạn chế tình trạng sạt lở, cần kiểm soát tốt việc khai thác cát, sỏi trên lòng sông, không để xảy ra việc khai thác quá mức, làm ảnh hưởng đến lòng sông.