Cần quy trình quốc gia chung thống nhất

NDO -

Ngày 21-2-2021, Bộ Công thương có Công văn số 901/BCT-TTTN đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 (trước đó, Sở Công thương Hải Dương đã đề nghị Bộ Công thương có ý kiến với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, báo cáo Chính phủ chỉ đạo các địa phương xem xét, thống nhất cách áp dụng các biện pháp phòng dịch cho người, phương tiện, hàng hóa).

Cần quy trình quốc gia chung thống nhất

Tại cuộc họp ngày 23-2 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, khi bàn về kết nối tiêu thụ hàng hóa của Hải Dương, Bộ Công thương cho biết, các nhà tiêu thụ lớn đã sẵn sàng, nhưng hiện đang gặp khó khăn trong khâu tổ chức lưu chuyển (hiện mỗi tỉnh làm một cách khác nhau cho nên rất vướng). Trong khi đó,  việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm Covid-19 của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 7-2-2021 hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp, dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trên thực tế, sau khi huyện Cẩm Giàng xuất hiện ổ dịch Covd-19 mới, tỉnh Hải Dương phong tỏa "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Người muốn ra vào qua chốt phải xuất trình được đủ giấy tờ, thủ tục theo quy định.  Hải Phòng yêu cầu người từ vùng dịch vào Hải Phòng phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 thì mới được ra vào.

Cũng vì quan ngại dịch lây lan, hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh có dịch Covid-19 và giáp ranh gặp nhiều ách tắc do các địa phương thiếu thống nhất nhận thức và quy trình chung về vận chuyển hàng hóa trong các trường hợp này. Chẳng hạn, theo Sở Giao thông vận tải Hải Dương, TP Hải Phòng yêu cầu các phương tiện từ Hải Phòng đi Hải Dương qua Quốc lộ 5 (QL5) được hướng dẫn đi từ ngã tư Quán Toan phải lưu thông qua cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, còn các phương tiện xuất phát từ Hải Dương phải quay đầu trở lại. Điều này đã dẫn tới nhiều xe chở hàng hóa ở các địa phương như Kim Thành, Kinh Môn… giáp địa phận Hải Phòng nằm trên QL5 lại phải đi vòng qua cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, xuống nút giao Gia Lộc (Hải Dương) để vòng trở lại các địa phương này. Lượng xe tải dồn lên cao tốc lớn, cộng với việc Hải Phòng tiến hành chặn xe ở cửa ngõ thành phố để kiểm dịch đã dẫn đến tình trạng ùn tăc trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng cho biết, khi Hải Phòng cấm xe lưu thông trên QL5 khiến việc vận chuyển nhiên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi về các nhà máy Hải Dương gặp rất nhiều khó khăn, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp (DN) vận tải. Việc Hải Phòng cấm người từ vùng dịch vào thành phố khiến DN vận tải không tìm được lái xe. Trong khi lái xe ra vào Hải Dương, Hải Phòng đều phải xét nghiệm cho kết quả âm tính thì mới cho vào, việc này không chỉ mất thời gian mà còn tốn thêm tiền xét nghiệm.

Tổng cục Đường bộ đề nghị Sở Giao thông vận tải Hải Phòng căn cứ theo Chỉ thị 05 của Thủ tướng và phối hợp các cơ quan đơn vị liên quan có phương án tháo gỡ cho phương tiện vận chuyển hàng hóa của Hải Dương đi Hải Phòng. Các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc chung tay tháo gỡ với tinh thần tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông, khi bảo đảm các điều kiện về phòng chống dịch. Ngày 19-2, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành công văn hỏa tốc hướng dẫn về quy trình lưu thông hàng hóa và tiêu thụ nông sản.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Hải Dương cũng ban hành quy trình tương tự. Cụ thể, ngày 23-2, ô-tô chở hàng nông sản từ huyện Cẩm Giàng qua chốt kiểm dịch xã Cẩm Hưng nhanh chóng được phun khử khuẩn sau khi xuất trình đủ giấy tờ. Ở phía bên kia barie, ô-tô và tài xế khác đợi sẵn để đón nhận trung chuyển hàng. Trước khi hàng hóa được trung chuyển, hai tài xế xuất trình các giấy tờ và giấy xác minh không liên quan hay tiếp xúc với các trường hợp F1, F2, F3 tại địa phương. Hai thùng xe được đấu nối với nhau để tạo thuận lợi cho việc chuyển hàng. Trước khi sắp xếp hàng, cán bộ y tế thực hiện phun khử khuẩn thùng xe. Quá trình này thường kết thúc trong khoảng từ 20-30 phút. Hoàn tất quá trình chuyển hàng hóa, lái xe hai bên trở về các tỉnh - nơi họ xuất phát.

Đại dịch Covid-19 là một thách thức và thảm họa y tế và kinh tế, đặt ra nhiều vấn đề chưa từng có cho cả thế giới và Việt Nam. Công tác phòng chống dịch nhất định sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất kinh doanh, đó là điều không tránh khỏi. Kiểm soát và thích nghi hiệu quả với dịch bệnh là một quá trình dài và đòi hỏi những nhận thức, giải pháp mới, thậm chí “là không tưởng nhất” như khẳng định của Thủ tướng Pháp. Chính phủ đã giao địa phương có phương án phòng chống dịch. Trong khi đó việc phòng dịch lại phải theo hướng dẫn của Bộ Y tế về quy định người ở vùng dịch đi đến vùng khác. Bởi vậy, việc Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành cùng phối hợp xử lý, thống nhất nhận thức về “các hàng rào kỹ thuật” và triển khai thông suốt quy trình lưu thông hàng hóa, tránh “ngăn sông cấm chợ” là cấp thiết, cả trước mắt và lâu dài, nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và kéo theo các hệ lụy tiêu cực nặng nề khác cho phát triển kinh tế-xã hội quốc gia và địa phương, như khẳng định trong công văn nêu trên của Bộ Công thương.