Cải thiện chất lượng sống của người cao tuổi

Cả nước hiện có khoảng 11 triệu người cao tuổi (NCT) và con số này tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Thế nhưng hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho NCT hiện thiếu và yếu, đòi hỏi các ngành liên quan, chính quyền địa phương cần có những chính sách phù hợp để giúp NCT có một tuổi già khỏe mạnh, vui vẻ, tiếp tục đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho sự phát triển của địa phương, đất nước.

Theo dõi, kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi tại Trạm Y tế xã Phú Hồ, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: DƯƠNG NGỌC
Theo dõi, kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi tại Trạm Y tế xã Phú Hồ, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Già hóa dân số là một trong những xu hướng tất yếu ở mỗi quốc gia. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng 21 triệu người và vào năm 2050 tăng lên 27 triệu người. Hơn 65% số NCT sống tại nông thôn, làm nông nghiệp, thu nhập thấp và bấp bênh; một số NCT sức khỏe kém nhưng vẫn phải đi làm nông hoặc sống phụ thuộc con cháu. Chỉ khoảng 27% số NCT tại nước ta có lương hưu và thu nhập ổn định, còn lại 73% số NCT là đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống như sức khỏe, tinh thần và sống phụ thuộc con cháu. Chính vì NCT được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội thấp, cho nên vẫn còn rất nhiều NCT phải tự lao động và kiếm sống hằng ngày. Ðáng chú ý, mặc dù NCT có tuổi thọ trung bình khá cao (73,5 tuổi), nhưng tuổi khỏe mạnh lại khá thấp (khoảng 64 tuổi). Tình trạng mắc bệnh nan y, bệnh mãn tính, bệnh tuổi già chiếm tỷ lệ khá cao ở giai đoạn 64 - 70 tuổi. Gánh nặng bệnh tật kép (từ ba bệnh trở lên), gánh nặng kinh tế… làm cho chất lượng cuộc sống của phần lớn NCT rất khó khăn.

Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NCT Việt Nam Nguyễn Ðắc Hữu cho biết: Công tác chăm sóc và phát huy vai trò của NCT ở nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, lớn nhất là thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già ở nước ta chỉ khoảng 17 đến 20 năm... Ðiều này tạo ra không ít khó khăn trong việc hoạch định chính sách đối với NCT. Trong tổng số hơn 11 triệu NCT hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ NCT có cuộc sống khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già, họ vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống... Một bộ phận chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe; chưa được người thân quan tâm và phải sống cô đơn, không nơi nương tựa... Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT ở nước ta còn ít; hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT, chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn và cung ứng việc làm cho NCT. Vai trò của các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình... chưa thật sự được phát huy cũng là những khó khăn, thách thức đối với chất lượng sống của NCT.

Tại buổi tọa đàm "Tiến tới bình đẳng giới cho mọi lứa tuổi" nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế NCT vừa diễn ra tại Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, GS, TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, tuổi tác chỉ là con số. Hiện nay, rất nhiều NCT chỉ quanh quẩn ở nhà trông cháu, hoặc xem ti-vi, đọc sách, báo qua ngày; thiếu nhiều yếu tố làm cho tuổi già lành mạnh, sống khỏe. NCT có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, nhất là những người có trí tuệ. NCT là nguồn lực có thể tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chứ không phải là gánh nặng của xã hội. Tuy nhiên, để có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội, cần tạo điều kiện cho NCT được làm việc, cống hiến.

Theo Tổng cục Trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú, thế hệ trẻ hay thế hệ cao niên đều có giá trị theo cách riêng của mình. NCT vẫn là những thành viên tham gia tích cực, đầy đam mê và nhiệt huyết trong xã hội chứ không phải gánh nặng của xã hội. Vì vậy, cần phải tạo điều kiện cho NCT làm việc, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm quý báu cho xã hội. Tuy nhiên, công tác an sinh xã hội, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT ở nước ta còn thiếu và yếu; nhất là những vùng nông thôn, miền núi. Cho nên, cần phải tăng cường truyền thông nhằm xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe NCT; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh cho NCT. Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bao gồm cả trạm y tế xã, phường, thị trấn trong thực hiện chăm sóc sức khỏe cho NCT. Xây dựng và phổ biến mô hình, câu lạc bộ tại các địa phương để NCT có thể trao đổi kinh nghiệm sống, chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Mở rộng mạng lưới các cơ sở y tế, tăng cường trang thiết bị, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y tá, bác sĩ, điều dưỡng trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho NCT. Bên cạnh đó, khuyến khích, động viên NCT làm những công việc phù hợp trí tuệ, kinh nghiệm và sức khỏe, vừa có thêm thu nhập cải thiện đời sống, vừa nâng cao tinh thần để có thể "sống khỏe, sống mạnh, sống an vui tuổi già".