Các tỉnh miền trung khôi phục sản xuất nông nghiệp

NDO -

Hội nghị thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp khu vực miền trung sau thiên tai do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức ngày 27-11 tại TP Đông Hà, có ý nghĩa rất quan trọng đối với vụ sản xuất đông xuân của nông dân các tỉnh vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đồng thời bàn các giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững...

Người dân Quảng Trị cải tạo ruộng đồng, chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân.
Người dân Quảng Trị cải tạo ruộng đồng, chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân.

Trước mắt trồng rau, nuôi tôm, gia cầm, cá
 
 Chỉ trong thời gian giữa tháng 9 đến tháng 11-2020, miền trung phải hứng chịu chín cơn bão, xen vào đó là hai đợt áp thấp. Đây là hiện tượng dị thường của thiên tai chưa từng có. Nhiều tỉnh miền trung có mưa lớn, gây lũ lụt lịch sử, tại tỉnh Quảng Trị lượng mưa đo được trong thời gian ngắn đến gần 4.000 mm.
 
 Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) bão và lũ đã làm hơn 1.530 ngôi nhà dân các tỉnh miền trung sập đổ; 239 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính hơn 30 nghìn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề về thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp. Hơn 43 nghìn gia súc, hơn 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi… Các địa phương thiệt hại nặng nề nhất là tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình.
 
 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, bão lũ gây thiệt hại nặng nề cho địa phương này với 53 người chết, hai người mất tích và 46 người bị thương; hơn 2.000 nhà dân bị hư hỏng; 110 nghìn lượt nhà dân bị ngập sâu. Sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng nề, nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, thông tin liên lạc, công trình nước sinh hoạt nông thôn… hư hỏng nặng. Tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh khoảng 4.300 tỷ đồng, trong đó sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông nghiệp thiệt hại gần 3.000 tỷ đồng. Lũ rút, các tỉnh miền trung có tổng diện tích đất nông nghiệp bị đất, đá, bùn vùi lấp hơn 2.600 ha, riêng tỉnh Quảng Trị chiếm 1.645 ha. Độ vùi lấp nơi cao nhất là tại huyện Đa Krông của tỉnh Quảng Trị, bùn, cát, sạn vùi lấp đến 8 m so với mặt bằng cũ. Để khôi phục sản xuất, tỉnh đã huy động công nhân sửa chữa cống lấy nước đầu kênh bị bồi lấp; khơi thông 30 km kênh chính, kênh cấp 1, cấp 2; hàn gắn được 2,4 km kênh mương bị cuốn trôi, sửa chữa trạm bơm, nạo vét bể hút, bể xả để chuẩn bị bơm tưới kịp thời phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021.
 
 Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương chủ động khắc phục hậu quả sau bão, lũ bằng các biện pháp cụ thể. Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho các tỉnh bị thiệt hại kịp thời khôi phục đời sống, sản xuất ban đầu. Theo Bộ trưởng NN và PTNT, để thúc đẩy phục hồi nông nghiệp sau lũ cũng như vụ đông xuân sắp tới, trước mắt Bộ đã hỗ trợ giống rau để người dân sản xuất vừa có thực phẩm phục vụ đời sống vừa giúp có thu nhập ngắn hạn. Cùng với đó là ưu tiên nuôi tôm, gia cầm và cá, vì chỉ cần sau ba tháng chăn nuôi nông dân sẽ có thu hoạch; thúc đẩy cùng lúc các biện pháp trồng trọt, chăn nuôi... Bộ đã hỗ trợ 23 tấn hạt giống ngô, gần 16 tấn hạt giống rau cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, Bộ còn hỗ trợ 13 tấn lúa, ngô giống các loại. Bộ cũng hỗ trợ cho các tỉnh hơn 1,1 triệu con gà giống các loại, 19 nghìn con vịt, ngan và 300 tấn thức ăn hỗn hợp cho gia cầm; 2,2 triệu liều vắc-xin Newcastle và Gumboro; 150 nghìn liều vắc-xin khác; 85 nghìn lít và 120 tấn hóa chất khử trùng. Bộ kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ, đến ngày 23-11, các doanh nghiệp đã hỗ trợ 140 triệu con tôm thẻ chân trắng; 50 tấn thức ăn; 30 tấn hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường cho gần 500 hộ dân và 600 kg cá bố mẹ gồm cá chép, cá rô-phi, cá trắm cỏ cho các Trung tâm giống của tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình.
 
 Cần một kế hoạch lâu dài
 
 Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương quan tâm đến kế hoạch phục hồi lâu dài và ứng phó với thiên tai cho các tỉnh miền trung. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị, ngoài các biện pháp phục hồi sản xuất nông nghiệp khẩn cấp như chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, mong muốn Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành giúp tỉnh khắc phục các công trình thủy lợi, giao thông; triển khai các dự án cấp bách như đê và hệ thống thoát lũ Phổ Lợi - Mộc Hàn - Phú Khê ở huyện Phú Vang, nâng cấp đập Cửa Lác và hệ thống đê biển. Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị, để sống chung với thiên tai và biến đổi khí hậu, cần tiếp tục cho tỉnh Hà Tĩnh triển khai Đề án 1002 về “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”, cũng như kinh phí làm nhà cho người dân vùng thường xuyên ngập lũ sống chung an toàn với lũ. Lập và rà soát lại quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch thủy lợi sông Cả (sông liên tỉnh) từ đó giúp định hướng xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước, công trình chặn lũ, bố trí dân cư, sử dụng đất ở bãi sông một cách phù hợp nhưng bảo đảm yêu cầu thoát lũ.
 
 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, nguồn kinh phí đề nghị hỗ trợ để khắc phục thiệt hại các công trình thủy lợi, đê, kè, sạt lở bờ sông, biển và nước sạch nông thôn theo nhu cầu đầu tư trong kế hoạch dài hạn 2021 - 2030 của địa phương lên đến gần 2.650 tỷ đồng. Trước mắt, đề nghị Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ ưu tiên tăng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho tỉnh Quảng Trị nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng. Ngoài thiệt hại về nông nghiệp, trong đợt mưa, lũ vừa qua, trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị xảy ra nhiều điểm sạt lở núi đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người dân bốn xã Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Lập và xã Húc, cho nên tỉnh mong muốn Bộ NN và PTNT quan tâm bố trí sớm kinh phí cho tỉnh triển khai các dự án di dân đến nơi an toàn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ ngân sách trung ương.
 
 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, cần đánh giá lại toàn bộ mọi mặt của đợt thiên tai lịch sử vừa qua một cách khoa học nhất để đưa ra được đối tượng, quy trình sản xuất, giải pháp tổng thể phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. Tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, thích ứng biến đổi khí hậu. Từ đó, chúng ta cần xác định sống chung với các hiện tượng lũ lụt, mưa bão, biến đổi khí hậu là bình thường để tìm ra đối tượng sản xuất phù hợp, quy trình kỹ thuật cụ thể. Các tỉnh bị thiệt hại có tổng chiều dài hơn 160 km kè với 800 điểm sạt lở. Vì vậy cần có nghiên cứu chi tiết để khôi phục vì còn liên quan đến khu dân cư, cần làm trọng điểm. Với an toàn hồ đập, có 1.200 hồ chứa, đập ở sáu tỉnh miền trung vừa bị bão lũ, địa phương cần phối hợp với T.Ư để giải quyết. Về nhà tránh lũ, đầu tuần sau, Bộ NN và PTNT có hội thảo với Bộ Xây dựng và một số địa phương để giải quyết nội dung này.
 
 Lãnh đạo Bộ NN và PTNT khẳng định, cả ba vùng ven biển, đồng bằng và miền núi của các tỉnh miền trung đều bị ảnh hưởng thiên tai rất nặng nề. Dải ven biển bị tổn thương lớn, sạt lở bờ biển quá nhiều. Dải đồng bằng các vùng trũng luôn ngập lũ. Dải sườn núi phía tây sạt lở như vậy cần phải di dân đến nơi an toàn. Do đó đòi hỏi chúng ta cần phải tính toán lại chiến lược phát triển cả ba vùng này để có quy hoạch tổng thể phát triển nhằm đảm bảo làm sao không chỉ thích ứng mà còn thích ứng một cách chủ động, bền vững bằng các nhóm giải pháp nguồn lực trung hạn, dài hạn, ODA để bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Tới đây, Bộ kiến nghị với Chính phủ, Trung ương tiếp tục có những chương trình, dự án tổng thể, cụ thể cho từng vùng, địa phương. Có như vậy chúng ta mới bảo đảm mục tiêu thích ứng một cách chủ động và biến nguy cơ thành cơ hội phát triển.