Các tỉnh biên giới chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, ngày hôm qua (21-2), ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Dự báo, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng một số nơi thuộc vùng núi Bắc Bộ.

Hôm nay (22-2), không khí lạnh ảnh hưởng các tỉnh Ðông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng một số nơi ở Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày hôm nay, ở các tỉnh Ðông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông; ở các tỉnh Ðông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trời rét về đêm và sáng với nhiệt độ thấp nhất từ 17 đến 20°C, vùng núi từ 14 đến 17°C. Phía bắc vịnh Bắc Bộ và khu vực bắc Biển Ðông, gió chuyển hướng đông bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7; biển động.

★ Ngày 21-2, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO Việt Nam) cho biết, sẽ hỗ trợ Cục Thú y kiểm soát dịch tả lợn châu Phi. FAO Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo cho người chăn nuôi cần khai báo trường hợp nghi lợn nhiễm bệnh cho cơ quan thú y; tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, vệ sinh khu chăn nuôi, chợ và phương tiện vận chuyển. Ðồng thời, không bán lợn chết và dùng lợn bệnh làm thức ăn cho động vật; không vận chuyển lợn, sản phẩm có nguồn gốc từ lợn ra, vào vùng có dịch.

Người dân cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn, báo ngay cho cơ quan thú y khi phát hiện lợn chết. Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Trung Quốc vào năm 2018, FAO đã hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Thú y để xây dựng kế hoạch hành động quốc gia Việt Nam về đáp ứng và kiểm soát khẩn cấp dịch; tổ chức hội thảo về chuẩn bị phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cho các cán bộ thú y…

★ Ngày 21-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức họp khẩn với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan việc triển khai đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, chỉ đạo xây dựng và ban hành kế hoạch hành động ngăn chặn, ứng phó khẩn cấp với khả năng dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn; tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn lợn cụ thể nhằm ứng phó và kiểm soát kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.

★ Tại tỉnh Ðồng Nai, để đối phó với dịch tả lợn châu Phi, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đang thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh trên đàn lợn. Sắp tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí tiêm vắc-xin cho hơn 20 nghìn con lợn của các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và cung cấp thông tin về dịch tả lợn châu Phi cho các hộ dân chăn nuôi lợn.

★ Ngày 21-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh đã có công điện khẩn chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn vi-rút dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh. Theo đó, Sở đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp, để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả; phân công cụ thể trách nhiệm trong giám sát, báo cáo dịch bệnh từ cơ sở đến cấp huyện.

Tại Kiên Giang, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng hữu quan phối hợp tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn trên toàn tỉnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu lợn và sản phẩm từ lợn vào địa bàn. Ðặc biệt, chú trọng khu vực vùng biên tiếp giáp Cam-pu-chia, tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; giám sát, kiểm soát chặt chẽ và xử lý dịch bệnh hiệu quả.

★ Ngày 21-2, Cục Thú y cho biết, tám phòng thí nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y T.Ư và các chi cục Thú y vùng đã được chỉ định có thẩm quyền xét nghiệm chính xác bệnh tả lợn châu Phi và được miễn phí giải trình tự gien, xét nghiệm bằng nhiều phương pháp (như PCR truyền thống, Real-time PCR, ELISA). Cục đề nghị các cơ quan thú y địa phương và các đơn vị khác gửi mẫu về tám phòng thí nghiệm này để xét nghiệm, xác định chính xác bệnh dịch. Việc kịp thời phát hiện mầm bệnh có ý nghĩa rất quan trọng để có cơ sở tổ chức phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, hạn chế tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi...

★ Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, từ đầu tháng 1-2019, bệnh lở mồm long móng (LMLM) xuất hiện trên đàn lợn tại 30 xã. Các địa phương đã tiêu hủy gần 900 con lợn với tổng trọng lượng hơn 47 tấn. Thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch, đến nay, có 29 trong tổng số 30 xã đã qua 21 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh LMLM. Tỉnh đang tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin LMLM cho đàn lợn nái, lợn đực giống, trâu, bò, dê; phát động đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

★ Mùa khô năm 2019, dự báo xảy ra hạn hán cục bộ tại một số huyện phía đông và đông nam tỉnh Gia Lai. Tỉnh chỉ đạo ưu tiên nhu cầu nước vùng hạ du và dòng chảy tối thiểu trên sông theo quy định; bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Ðồng thời, yêu cầu chính quyền các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, bảo đảm an toàn công trình tích nước để điều chỉnh kế hoạch cấp nước khi nguồn nước thay đổi. Khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm; xây dựng phương án phòng, chống hạn phù hợp cho từng vùng sản xuất.

★ Hiện, nắng nóng kéo dài kết hợp gió mạnh và triều cường có khả năng đẩy độ mặn xâm nhập sâu, nhanh, mạnh vào các cửa sông, nội đồng tại tỉnh Long An. Tỉnh đang tập trung tuyên truyền, phổ biến thông tin đến người dân nâng cao ý thức về tình hình hạn, xâm nhập mặn. Khuyến cáo người dân thực hiện theo đúng lịch thời vụ đã được ban hành và sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, hợp lý, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đối với khu vực thường xuyên thiếu nước.

★ Ngày 21-2, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết, với sự tham gia tích cực của cộng đồng cùng sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, 19 cá thể động vật hoang dã quý hiếm đã được giải cứu trong tháng 1-2019, trong đó, tám cá thể động vật hoang dã được người dân tự nguyện chuyển giao, gồm hai con tê tê, một vọoc chà vá chân nâu, một trăn và bốn con khỉ. Những cá thể này đều được đưa về các khu bảo tồn thiên nhiên hoặc thả về tự nhiên.

Phát hiện 177 vụ bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu

Sau hai năm thực hiện đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất của Thủ tướng Chính phủ, tại bốn tỉnh trọng điểm về tôm của cả nước gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang, phát hiện 177 vụ vi phạm về hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, xử phạt hơn 5,4 tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN và PTNT), cơ quan địa phương đã bước đầu triển khai có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Nhưng, việc thực hiện vẫn chỉ tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu; tỉnh Sóc Trăng chưa phát hiện, xử lý được trường hợp vi phạm nào trên địa bàn. Ngoài ra, cả bốn địa phương nêu trên chưa có trường hợp nào áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động.