Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão số 9

NDO -

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, đến 18 giờ ngày 28-10, trên đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định gió và cường độ mưa đã giảm, chỉ còn một số vùng miền núi Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Kon Tum có mưa vừa đến mưa to. Vì thế người dân cần tiếp tục đề cao cảnh giác, đề phòng mưa to hoặc gió lốc cục bộ, gây sạt lở đất đá, ngập úng...

Bão số 9 gây nhiều thiệt hại tại Đà Nẵng.
Bão số 9 gây nhiều thiệt hại tại Đà Nẵng.

Ở một số vùng ven biển, vẫn còn gió cấp 4, cấp 5. Với ảnh hưởng rộng, tốc độ di chuyển rất chậm khi vào đất liền, bão số 9 có diễn biến phức tạp, gây mưa trên diện rộng. Lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai đang lên, ở mức trên BĐ1, riêng thượng lưu sông Kôn (Bình Định) trên BĐ3.

Dự báo trong tối 28-10, rạng sáng mai, một số thủy điện ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định xả lũ để bảo đảm an toàn, mực nước một số sông có thể tăng cao.

Thống kê ban đầu cho thấy, đã có một người thiệt mạng ở Gia Lai do sập lán khi đang trú bão, ở Bình Định có hai người bị thương do bão. Đã có 34 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, (Quảng Ngãi: chín, Bình Định: 23, Phú Yên: một, Gia Lai: một) 56.163 nhà bị tốc mái, chủ yếu ở Quảng Ngãi với 53.390, Bình Định 2.588, Phú Yên 44, Gia Lai 109, Kon Tum 32. 31 trụ sở cơ quan ở Quảng Ngãi bị tốc mái, hư hỏng; 35 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng, trong đó Quảng Ngãi 28; Gia Lai ba, Kon Tum 4. Một số tuyến giao thông ngập lụt, hư hỏng, một cầu treo ở huyện Kon Rẫy (Kon Tum) bị cuốn trôi, chia cắt 115 hộ/680 người thôn 11, xã Đắc Ruồng. Hai tàu của Bình Định bị chìm trên biển; ba chiếc tàu cá nhỏ bị chìm (Phú Yên hai; Bình Thuận một).

Thống kê sơ bộ của Tổng Công ty Điện lực miền trung (EVNCPC) tính đến 17 giờ ngày 28-10, bão số 9 gây sự cố mất điện tại 34 đường 110kV và 17 trạm biến áp 110kV; 21.863 trạm biến áp trung thế, với hơn hai triệu khách hàng tại 804 xã, phường, thị trấn; ước công suất phụ tải không cung cấp điện được tại 10 tỉnh miền trung - Tây Nguyên là 1.043 MW, chiếm 41% phụ tải toàn EVNCPC ở thời điểm hiện tại.

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão -0
 Công nhân Điện lực Đà Nẵng khắc phục sự cố để cấp điện trong chiều và đêm 28-10.

Đến 19 giờ tối 28-10, mới chỉ khôi phục, cấp điện được 4.953 trạm, còn 16.910 trạm đang tiếp tục được các đơn vị điện lực huy động vật tư, nhân lực tối đa để khẩn trương xử lý, khôi phục cấp điện cho khách hàng bảo đảm an toàn trong thời gian sớm nhất theo phương châm khắc phục đến đâu cấp điện đến đó.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các địa phương, ngành chức năng tiếp tục theo dõi sát diễn biến của bão, mưa lũ sau bão; Tổng hợp thiệt hại và triển khai ngay việc khắc phục hậu quả, nhất là tỉnh Quảng Ngãi, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão số 9; Triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn thuyền viên trên hai tàu cá Bình Định; sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; Kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông trên toàn tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cho đến khi bão tan; Vận hành hồ chứa phù hợp, giảm lũ cho hạ du và bảo đảm an toàn công trình, đặc biệt trên sông Vu Gia - Thu Bồn. Tăng cường lực lượng trực ban, chia sẻ thông tin kịp thời về công tác chỉ đạo điều hành ứng phó khắc phục hậu quả. Các tỉnh bắc miền trung và Tây Nguyên cần tiếp tục ứng phó mưa lũ khu vực thấp trũng. 

Tại TP Đà Nẵng, mặc dù gió đã giảm, nhưng UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức ứng trực, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, thiết bị để kịp thời xử lý tại những vị trí xung yếu về thoát nước, có nguy cơ xảy ra ngập úng tại khu vực đô thị.

Đối với các trạm bơm chống ngập phải thuê máy phát điện dự phòng để ứng phó sự cố mất điện, bảo đảm máy vận hành liên tục khi có mưa lớn; Bố trí nhân lực và chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm công suất lớn để kịp thời xử lý ngập úng tại các khu vực dân cư có địa hình thấp trũng.

Tại âu thuyền trú bão Thọ Quang, có một trong số 32 phao neo bị đứt xích trôi dạt, gây nguy hiểm cho hơn 20 tàu đang neo đậu trú bão. Lực lượng chức năng đã khẩn trương gia cố, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền neo đậu, không để thiệt hại xảy ra.

Hiện trên các tuyến đường ven biển như Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa... sóng lớn kết hợp triều cường gây sạt lở nhiều vị trí kè bảo vệ, mặt đường. Nhiều nhà hàng, quán ăn, tường rào bị sập, tốc mái, hư hỏng. Lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt để khắc phục tạm, bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các địa phương chưa cho phép cho người dân trở về từ nơi sơ tán cho đến khi có chỉ đạo của Ban Chỉ huy; phối hợp các lực lượng vũ trang, sở, ban, ngành tiếp tục công tác ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu người bị nạn; tổ chức cứu trợ khẩn cấp: hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm cần thiết cho các khu sơ tán tập trung và các hộ bị thiệt hại về nhà cửa, sản xuất, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ mất nhà cửa hoặc bị hư hỏng nặng.  

Yêu cầu UBND các xã, phường tuyên truyền hướng dẫn người dân không được chủ quan, hạn chế trường hợp bị tai nạn trong lúc dọn dẹp sau bão, nhất là các khu vực còn ngập nước; sửa chữa nhà cửa bị hư hại sau bão; chú ý nguồn điện, đồ dùng điện...).

Tổ chức vệ sinh môi trường không để xảy ra dịch bệnh do môi trường thiếu vệ sinh sau thiên tai; thống kê thiệt hại ban đầu để tổ chức khắc phục, hỗ trợ người dân khắc phục sản xuất, dựng lại nhà cửa… nhanh chóng ổn định đời sống và sinh hoạt; khẩn trương phục dựng lại cây xanh ngã đổ theo phân cấp quản lý.

Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, sẵn sàng lực lượng giải phóng làn đường phục vụ công tác ứng cứu, cứu nạn; chốt chặn tại những tuyến đường nguy hiểm, khu vực ngập sâu, sạt lở trên các tuyến giao thông chính.

* Tại Phú Yên, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị trong việc di dời sơ tán tại chỗ đối với các khu vực ven biển, sông bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, ngập lụt khoảng 11.308/44.218 hộ, nên Phú Yên không thiệt hại về người.

Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão số 9 -0
 Công ty Điện lực Phú Yên tập trung khắc phục sự cố, kịp cung cấp điện, ổn định đời sống nhân dân.

Riêng về nhà ở, có 45 nhà bị sập, hư hỏng (trong đó: một nhà sập hoàn toàn 100%; năm nhà bị hư hỏng từ 50-70%; 39 nhà bị hư hỏng từ 30-50%). Thiệt hại về nông, ngư nghiệp: 27,2 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, xói lở. Tàu thuyền: hai chiếc thuyền nhỏ bị chìm.  

Bị ảnh hưởng lớn nhất do bão số 9 gây ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên là hệ thống mạng lưới điện, 12 trụ ngã đổ, hư hỏng đường dây và làm mất điện tại 51/110 xã, phường, thị trấn với 85 nghìn khách hàng. Ngay sau khi bão tan, Công ty Điện lực Phú Yên huy động cán bộ, công nhân viên tập trung khắc phục.

Ông Thái Minh Châu, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên cho biết, trước bão, đơn vị đã có phương án cụ thể, phân công ứng trực và chuẩn bị nhân vật lực tại chỗ để khắc phục ngay. Ngay sau khi tạnh gió, công ty huy động 35 nhóm/155 người dùng xe cẩu, xe tải và các phương tiện khác để cùng hỗ trợ. Đến 15 giờ chiều nay, đã khôi phục được 976/1751 trạm biến áp (TBA). Tất cả đang khẩn trương xử lý khắc phục, khôi phục cấp điện bình thường trở lại cho nhân dân ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất.

Trước, trong và sau bão, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên có các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó tại các địa phương.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh tiếp tục có công văn chỉ đạo các địa phương việc chủ động triển khai công tác ứng phó, khắc phục bão số 9 và mưa lũ sau bão, yêu cầu các cấp, các ngành, đoàn thể khẩn trương, chủ động phối hợp địa phương giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, tại các vùng bị thiệt hại nặng; thống kê, báo cáo tình hình thiệt hại và công tác triển khai khắc phục hậu quả bão số 9 và mưa lũ.

Các lực lượng vũ trang trong tỉnh ra quân hỗ trợ giúp đỡ người dân địa phương dọn dẹp vệ sinh môi trường, đắp đường, sửa chữa lại nhà cửa bị hư hỏng, góp phần sớm ổn định đời sống nhân dân.

Các nhà ở hư hỏng nhẹ hầu hết các hộ tự sửa chữa và cơ bản đã tạm thời ổn định. Lực lượng đoàn viên, thanh niên xung kích trong toàn tỉnh, huy động ra quân tham gia khắc phục hậu quả bão số 9, như: Vệ sinh môi trường, dọn dẹp cây xanh ngã đổ, giúp người dân dựng lại nhà cửa. Về nhà ở, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức hỗ trợ giải quyết kịp thời, bảo đảm chính xác, đúng đối tượng và trình tự theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và người dân tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra và sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản khi có mưa lũ sau bão.

Đồng thời, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực, vận hành điều tiết xả lũ hợp lý và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Mưa lũ nghiêm trọng ở miền trung