Các địa phương khẩn trương ứng phó bão số 9

NDO -

Sau khi rà soát, bắt đầu từ sáng 27-10, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã khẩn trương tập trung sơ tán hàng chục nghìn hộ dân sinh sống ở các địa phương ven biển đến nơi trú ẩn an toàn để phòng tránh bão số 9.

Lực lượng chức năng giúp người dân xã Tam Hải (huyện Núi Thành) đi tránh bão.
Lực lượng chức năng giúp người dân xã Tam Hải (huyện Núi Thành) đi tránh bão.

Công tác sơ tán dân tránh bão số 9 tại xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) được các cơ quan lên kế hoạch từ hôm qua và đã được thông báo đến từng hộ dân ở Long Thạnh Tây. Do vậy, nên từ 8 giờ sáng nay, 27-10, tất cả 96 hộ dân, với 250 nhân khẩu trong thôn Long Thạnh Tây đã bắt đầu thu gom một số vật dụng sinh hoạt thiết yếu để rời khỏi nơi cư trú, vào đất liền.

Quảng Nam khẩn trương sơ tán gần 15 nghìn hộ dân ven biển -0
 Đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam kiểm tra công tác sơ tán dân tại huyện Núi Thành.

Theo đó, trong sáng nay, lực lượng quân đội của Sư đoàn 315 (Quân khu 5), Ban Chỉ huy Quân sự huyện Núi Thành cùng công an, dân quân tự vệ xã Tam Hải  đã bố trí phương tiện gồm: Bốn xe ô-tô, hai ca nô, một phà và nhiều xe máy để đưa người dân thôn Long Thạnh Tây qua sông đến Nhà văn hóa đa năng xã Tam Giang (huyện Núi Thành) tránh trú bão.

Cũng trong sáng nay, các lực lượng chức năng đã hỗ trợ chính quyền xã Tam Hải thực hiện di dời 84 hộ, với 284 nhân khẩu xóm Chùa và 92 hộ, với 305 nhân khẩu xóm Gành (thôn Xuân Mỹ) đến Nhà văn hóa kết hợp tránh trú bão thôn Xuân Mỹ, Trường mẫu giáo Sao Biển, Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Lở… để trú bão.

Được biết, UBND xã Tam Hải cũng chuẩn bị 115 thùng mì ăn liền, 70 bình nước uống (loại 20 lít/bình), gần 200 lít xăng và bốn máy phát điện để phục vụ người dân trong hai ngày tránh trú bão.

Quảng Nam khẩn trương sơ tán gần 15 nghìn hộ dân ven biển -0
Lực lượng chức năng giúp người dân chằng chống nhà cửa tại Cù Lao Chàm. 

Không riêng gì xã đảo Tam Hải, hiện tại, công tác sơ tán dân đang được các địa phương ven biển như: Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành… khẩn trương thực hiện. Theo số liệu báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh Quảng Nam đến trưa nay, toàn tỉnh đã thực hiện sơ tán 14.839 hộ, 42.950 khẩu đến nơi trú ẩn an toàn; trong đó, di dời tập trung 2.994 hộ, với 8.530 khẩu và xen ghép 11.845 hộ, với 34.420 khẩu.

Trong chiều nay, nhiều địa phương đã tiếp tục triển khai công tác sơ tán dân,  Chủ tịch UBND xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ) Nguyễn Thanh Bình cho biết, do địa hình xã Tam Thanh nằm dọc theo bờ biển, nên ngoài việc vận động người dân khẩn trương thực hiện, công tác chằng chống nhà cửa, xã đang tập trung sơ tán khẩn cấp hơn một nghìn hộ dân đến nơi trú ẩn trước 15 giờ chiều nay.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu, các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương trong tỉnh cần tiến hành rà soát, khẩn trương đưa người dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị bão lũ, sạt lở đất trước 18 giờ ngày 27-10; đồng thời, có phương án ứng cứu kịp thời khi bão lũ xảy ra... nhằm sớm khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống người dân vùng bão lũ.

Thủy điện bắt đầu xả lũ, Phú Yên sẵn sàng di dời gần 10 nghìn dân

Cùng với lệnh cấm biển của Chủ tịch UBND tỉnh, ngày 27-10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên cũng đã có công văn hỏa tốc, yêu cầu các trường cho học sinh nghỉ học, phòng tránh bão số 9.

Các địa phương khẩn trương ứng phó bão số 9 -0
Người dân TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, chèn chống nhà cửa chống bão. 

Theo đó, học sinh mầm non, tiểu học, THCS; THPT, giáo dục thường xuyên tạm nghỉ học ngày 28-10. Nếu bị ngập lụt, sạt lở và ảnh hưởng nghiêm trọng do bão số 9 gây ra, các cơ sở giáo dục chủ động tiếp tục cho học sinh tạm nghỉ học.

Giáo viên phải nhắc nhở học sinh nâng cao cảnh giác, không đến những nơi có vùng nước sâu, dễ gây sạt lở; không tụ tập bạn bè đi xem nước lũ ở sông, suối, hồ, nơi có vùng nước nguy hiểm; giáo viên chủ nhiệm thiết lập đường dây nóng liên lạc với phụ huynh, thông tin về tình hình học sinh. Cùng với đó, các trường học, cơ sở giáo dục phải tăng cường công tác bảo vệ hồ sơ tài liệu dạy - học.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên, đến 15 giờ chiều 27-10, mực nước hồ Thủy điện Sông Ba Hạ đạt 102/105m, xả lũ về hạ du 900m3/s; Thủy điện Krông H’Năng ở mức 252/255m, xả lũ 120m3/s.

Ba địa phương vùng hạ du sông Ba chịu ảnh hưởng trực tiếp đã lên phương án di dơi dân khi có tình huống xấu xảy ra, là huyện miền núi Sơn Hòa, 1.244 hộ với 4.345 người; huyện Phú Hòa, 899 hộ, 3.446 người; TP Tuy Hòa, 467 hộ, 1.819 người.

Cũng chiều 27-10, Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 9 tại tỉnh Phú Yên.

Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết, toàn tỉnh có 4.099 tàu cá với 18.100 lao động, đến 17 giờ ngày 27-10, hiện có 166 tàu cá/990 lao động đang hoạt động trên các vùng biển (hoạt động xa bờ 126 tàu/786 lao động, 40 tàu/204 lao động hoạt động gần bờ, tất cả tàu cá đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến bão số 9 trên biển Đông chủ động di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm. 

Các khu tránh trú, cảng biển Vịnh Xuân Đài, Vịnh Vũng Rô đã tiếp nhận 15 tàu vận tải 136 thuyền viên đang lưu trú, tránh bão. Hiện tất cả 3.400 người trên các bè nuôi thủy sản thị xã Sông Cầu đã vào bờ an toàn.

Tại thị xã Đông Hòa vẫn còn 260 người dân trên cá nuôi thủy sản ở vịnh Vũng Rô chưa lên bờ tránh trú bão theo quy định. Chính quyền thị xã Đông Hòa đang khẩn trương vận động, đôn đốc các hộ dân lên bờ tránh trú bão, nếu các hộ dân vẫn tiếp tục không tuân thủ địa phương sẽ có biện pháp cưỡng chế theo quy định. Các lực lượng quân đội, biên phòng, công an tỉnh đã được phân công nhiệm vụ, trực sẵn sàng khắc phục các tình huống do mưa bão, hỗ trợ người dân các khu vực ung yếu di dời đến nơi an toàn.

Tại buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, qua kiểm tra thực tế một số bộ phận người dân Phú Yên vẫn còn chủ quan cho rằng bão sẽ không vào Phú Yên, đề nghị tỉnh cần có giải pháp quyết liệt thực hiện các phương án di dời dân đến nơi an toàn; tiếp tục kiểm tra lại tàu thuyền, người dân ở trên các lồng bè. Đồng chí yêu cầu các lực lượng quân sự, bộ đội biên phòng cần phối hợp tốt với các lực lượng chức năng của tỉnh tiếp tục kiểm tra lại các khu vực xung yếu; sẵn sàng phương tiện, lực lượng duy trì ứng trực, sẵn sàng tác chiến, không chủ quan, lơ là xem nhiệm vụ phòng chống bão là nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Đến 18 giờ ngày 27-8, theo dự báo bão số 9 còn cách biển Phú Yên hơn 300km, gió giật cấp 14, vận tốc đạt 22km/giờ. Trên đất liền Phú Yên có mưa. Do ảnh hưởng của bão số 9, ngày 25-10, trong lúc đi đánh cá trên biển, thuyền của ông Đặng Lượng, sinh năm 1985 xã An Ninh Tây, huyện Tuy An bị sóng lớn đánh chìm, ông Lượng tử vong, thi thể của ông Lượng cũng đã được lực lượng chức tìm thấy đưa về gia đình mai táng.

Đà Nẵng khẩn trương ứng phó với bão số 9
Sáng 27-10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có công điện khẩn về việc chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra.

Các địa phương khẩn trương ứng phó bão số 9 -0
Cắt tỉa cây xanh đề phòng gãy đổ khi bão về. 

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ thành phố đến xã phường khẩn trương kiểm tra tình hình ứng phó với thiên tai, nhằm bảo đảm công tác ứng phó bão số 9 được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và an toàn cao nhất cho người dân cũng như các lực lượng thường trực, ứng cứu.

UBND TP Đà Nẵng thành lập ba Đoàn công tác do các Phó Chủ tịch UBND TP làm Trưởng đoàn có sự tham gia của các sở, ngành, địa phương liên quan tham gia để kiểm tra chỉ đạo và chỉ huy trực tiếp công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 9 ở từng quận, huyện.

Việc di dời dân ở những khu vực nguy hiểm phải hoàn thành trước 18 giờ ngày 27-10, tuyệt đối không để người dân ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng bắt đầu từ 18 giờ ngày 27-10; yêu cầu người dân rời khỏi các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá. Ai không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế và xử lý theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND các quận, huyện thành lập ngay những đoàn công tác kiểm tra, công tác ứng phó với bão số 9 ở từng phường, xã. Thông báo đến từng hộ dân về yêu cầu không được ra khỏi nhà nếu không có việc thực sự cần thiết, bắt đầu từ 20 giờ ngày 27-10 cho đến khi có thông báo mới. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 28-10, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt.

Khi bão đổ bộ, thành phố yêu cầu tất cả mọi người dân, cán bộ công chức, lực lượng chức năng... phải tìm nơi tránh trú an toàn, chỉ ra ngoài làm nhiệm vụ, ứng cứu khi có lệnh của người có thẩm quyền.

Ngay từ sáng sớm 27-10, người dân Đà Nẵng đã chủ động triển khai việc chằng chống nhà cửa, chặt bớt cây cối. Theo ghi nhận của phóng viên, dọc ven biển các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, dân quân tự vệ, Đoàn Thanh niên... đã hỗ trợ ngư dân đưa ghe, thuyền, ngư lưới cụ… lên bờ, chằng buộc an toàn để tránh bão. Đến đầu giờ chiều, tất cả các thuyền thúng, ghe đều được đưa lên bờ, neo đậu tại các bến. Một số tàu lớn cũng được hỗ trợ cẩu lên bờ.

Đang dùng dây thừng buộc chiếc thuyền nhỏ vào gốc cây cạnh âu thuyền Thọ Quang, bà Trần Thị Mười, 52 tuổi, ở tổ 8, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà vui vẻ cho biết: Sáng nay, bà con hàng xóm đã giúp khiêng chiếc thuyền nhỏ lên bờ, nhiều người mang thêm bao tải, xúc cát đổ vào, buộc kỹ đưa về dằn lên mái tôn nhà bà Mười để đề phòng gió lớn làm tốc mái. Bà Trần Thị Mười chia sẻ: Sáng nay bà cũng đã tranh thủ ra chợ mua thêm thực phẩm như gạo, nước mắm, thịt cá... dự trữ trong vài ngày tới, được sự giúp đỡ của nhiều người trong cùng khu phố, nên cũng đỡ vất vả phần nào”.

Trên các bãi cát dọc đường Võ Nguyên Giáp, rất nhiều người dân mang bao tải nhỏ ra lấy cát về chèn lên mái nhà. Tại các cửa hàng bán vật liệu, dây thừng, sắt, thép, bao bố… lượng người dân đến mua tăng vọt; các thiết bị điện sạc pin, đèn pin.... cũng được người dân tìm mua.

Trên các tuyến đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê), Tôn Đức Thắng và Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu), Nguyễn Đình Tứ (quận Cẩm Lệ), Hùng Vương (Hải Châu)... người đến mua khá tấp nập. Anh Vũ Văn Mạnh ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đang mua một số dây thép loại lớn và thiết bị điện, sạc pin, đèn pin… cho hay: “Trước thông tin bão đổ bộ với cường độ lớn như vậy, tuy Đà Nẵng dự báo không phải là tâm bão nhưng cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn, vì vậy tôi cũng cần phải chuẩn bị kỹ. Tranh thủ giờ nghỉ trưa để về chằng lại các cửa sổ, kiểm tra mái nhà, vợ tôi cũng mua thực phẩm cho nhiều ngày tới đề phòng trường hợp bị ảnh hưởng trong nhiều ngày”.

Tại các công trình đang thi công, tất cả cần cầu lớn đều được hạ xuống, chằng buộc an toàn đề tránh đổ, rơi vào nhà dân hoặc gây nguy hiểm cho người đi đường. Công nhân thi công đã đóng lại các tấm tôn che bụi, hoặc tháo dỡ nếu không bảo đảm an toàn, tránh để tôn bay gây nguy hiểm. Trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị đều đã gia cố thêm thanh sắt, tấm nhựa để tránh vỡ kính, bung cửa. Tại huyện Hòa Vang, chính quyền huyện thông báo đến từng hộ dân, nhất là những vùng thấp trũng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, yêu cầu mọi người di dời đến những nhà kiên cố, cao và an toàn trước khi bão đổ bộ.

Bình Định di dời gần 65.000 nhân khẩu
 

Các địa phương khẩn trương ứng phó bão số 9 -0
 Đồng chí Hồ Quốc Dũng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiểm tra chỉ đạo phòng chống bão tại xã Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn.

Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Chủ động đối phó với bão số 9, hôm nay, lãnh đạo tỉnh Bình Định chia làm bốn đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác đối phó với bão. Ưu tiên trong tâm trong hôm nay là di dời dân, kêu gọi 138 tàu thuyền còn đang trên biển di chuyển tìm nơi tránh trú. Toàn tỉnh Bình Định dự kiến di dời khoảng 15.000 hộ dân với gần 65.000 nhân khẩu. Công tác di dời dân cơ bản đã hoàn thành trước 17 giờ 00, ngày 27-10. Từ 22h00 ngày 27-10, tỉnh Bình Định cấm người dân ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn.

Đồng thời, trong chiều 27-10, ông Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định gửi văn bản đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Vùng 3 Cảnh sát biển hỗ trợ phương tiện ra lai dắt các tàu cá đang trôi tự do trên vùng biển tỉnh Phú Yên vào bờ.

Tại huyện An Lão, do ảnh hưởng từ bão số 8 kèm mưa lớn đã khiến một số tuyến đường bị sạt lở. Sau khi thực tế hiện trường, ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu chính quyền địa phương phải kiên quyết sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùng nguy hiểm. Tại các điểm sạt lở phải cắt cử lực lượng túc trực để phân luồng giao thông, gắn biển cảnh báo người dân.

Trong khi đó, đến chiều 27-10, các lực lượng vũ trang thuộc Bộ chỉ huy Quân sự và Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cũng đã triển khai lực lượng đến các địa phương dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 9 và có thể xảy ra ngập lụt sau bão. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đã triển khai lực lượng cơ động cả người và phương tiện theo bốn hướng: thị xã Hoài Nhơn, huyện Tây Sơn, huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn và tổ chức lực lượng dự bị sẵn sàng hỗ trợ nhân dân chống bão trên các hướng.

Đến khoảng 15 giờ ngày 27-10, trên địa bàn tỉnh Bình Định bắt đầu có mưa và gió, chính quyền các địa phương vẫn gấp rút cùng người dân di dời đến địa điểm cao, chắc chắn. Hàng ngàn hộ dân sử dụng bao cát chằn chống mái nhà trước cơn bão nguy hiểm này.

Chiều 27-10, trao đổi với Nhân Dân điện tử qua điện thoại, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn cho biết các lực lượng chức năng của thị xa đang khẩn trương giúp dân di chuyển đến vùng an toàn và tổ chức các hộ dân không tự giác di chuyển. Công việc này sẽ hoàn thành trước 21 giò đêm 27-10.

Sáng cùng ngày, Bộ chỉ huy biên phòng Bình Định, thành đội Quy Nhơn, Công an Thành phố Quy Nhơn cùng các lực lượng thanh niên xung kính của thành phố đã đến xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn hỗ trợ hàng trăm hộ dân chằng chống nhà cửa và thanh thải các vật cản dễ gây sát thương trong bão…

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định, đơn vị đã huy động sẵn sàng 1.912 chiến sĩ cùng 29 ô tô các loại; 2 xe đặc chủng; 21 tàu ST-660 và ST 450; 4 chiếc xuồng; 165 nhà bạt; 3.675 áo phao các loại và nhiều vật dụng khác để phục vụ cho công tác phòng chống bão số 9. Bộ Quốc phòng cũng đã có cam kết sẽ chi viện cho Bình Định 4.000 quân và trang thiết bị để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trong mưa bão, thiên tai.

Nghệ An ra công điện khẩn ứng phó với bão số 9
Ngày 27-10, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có Công điện khẩn số 39/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó với bão số 9, yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng, ngành thủy sản, ngành giao thông và gia đình các chủ tàu tiếp tục tập trung, rà soát, kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi trú tránh an toànKiểm tra phương án sơ tán dân, vùng ven biển, cửa sông theo phương án đã được phê duyệt.

Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về bão, mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở đất; Thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh; Chính quyền các cấp sẵn sàng triển khai theo phương án đã được phê duyệt để sơ tán dân những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là đối với các hồ chứa xung yếu, công trình đang thi công, chủ động vận hành đón lũ, bảo đảm an toàn công trình và hạ du. Tổ chức thông tin cảnh báo cho chính quyền và nhân dân vùng hạ du bị ảnh hưởng về việc vận hành xả lũ, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp để chủ động phòng, tránh.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hầm, mỏ khai thác khoáng sản; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra. Quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò; các tuyến đường giao thông, các ngầm, tràn bị ngập, sạt lở, tiến hành cắm tiêu, cử người trực, gác, cấm đường, phân luồng, hướng dẫn giao thông đi lại để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Kiểm tra, triển khai phương án tuần tra, canh gác, bảo đảm an toàn đê điều theo các cấp báo động và các công trình thủy lợi, đê điều đang thi công. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý sự cố các công trình theo phương châm “4 tại chỗ”. Kiểm tra an toàn và vận hành công trình trong các hệ thống thủy nông, chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống úng ngập, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Kiểm tra, rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư ở vùng thấp trũng, cửa sông.

Các cơ quan, đơn vị cứu hộ cứu nạn sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Đề nghị các Sở, Ban, ngành theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công, chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.

Đài thông tin Duyên hải Bến Thủy và các phương tiện thông tin đại chúng tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và mưa lớn để các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh...

Nghệ An mặc dù xa tâm bão số 9, nhưng từ chiều tối và đêm 27-10, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc của bão số 9 kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển tỉnh Nghệ An có gió đông bắc cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4 đến 6m. Khu vực ven biển tỉnh Nghệ An có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5 đến 0,7m. Đặc biệt, phía Nam Nghệ An xảy ra một đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 28-10 đến ngày 31-10, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 200 đến 400 mm/đợt và có nơi trên 500 mm/đợt.

Quảng Ngãi cấm người dân ra đường kể từ 22 giờ ngày 27-10
Để bảo đảm an toàn về người, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành lệnh cấm người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà, không được rời khỏi nơi trú tránh bão kể từ 22 giờ ngày 27-10.

Các địa phương khẩn trương ứng phó bão số 9 -0

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân kiểm tra công tác ứng phó tại các xã ven biển của tỉnh. 

Ngoài việc cấm người dân ra đường, chiều 27-10, UBND tỉnh Quảng Ngãi còn phát đi Công văn hỏa tốc giao Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị, cơ quan mình và diễn biến cơn bão số 9 xem xét cho người lao động tạm thời nghỉ việc ngày 28 và 29-10. Đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc và triển khai các phương án phòng, chống bão số 9 tại đơn vị mình, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người.

Sáng 27-10, sau khi kiểm tra công tác ứng phó bão số 9 tại một số địa phương trong tỉnh, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, vấn đề ưu tiên trong việc ứng phó với bão số 9 ở Quảng Ngãi là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân và an toàn các công trình trọng điểm, các công trình đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện ven biển.

Bình Thuận chủ động phòng, chống bão số 9
Chiều 27-10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục có Công điện Hỏa tốc số 03 gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban ngành của tỉnh; các đơn vị có liên quan tập trung triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 9.

Các địa phương khẩn trương ứng phó bão số 9 -0
 

Theo đó, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 tại các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố để theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thiên tai, diễn biến và hướng di chuyển của bão số 9. Kiên quyết không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống nhằm chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, giảm tối đa thiệt hại về người, tài sản, công trình cơ sở hạ tầng khi bão đổ bộ.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các địa phương ven biển kiểm tra, rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, trong vùng nguy hiểm ảnh hưởng của bão thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và về nơi tránh trú bão an toàn; quản lý chặt chẽ việc ra khơi hoạt động của các tàu, thuyền, duy trì thông tin liên lạc với các chủ phương tiện để hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời các tình huống sự cố, tại nạn có thể xảy ra trên biển. Hướng dẫn, bố trí việc neo đậu tàu thuyền, phương tiện vận tải tại các bến cảng, khu neo đậu an toàn trước khi bão số 9 đổ bộ và xả lũ hồ chứa.

UBND và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương ven biển, nhất là các khu vực đang bị sạt lở (Phước Thể, Bình Thạnh - Tuy Phong, Hàm Tiến, Mũi Né, Đồi Dương, Tiến Thành - Phan Thiết,...) thường xuyên kiểm tra, theo dõi, cắm biển cảnh báo để thông báo cho người dân, khách du lịch biết, chủ động sơ tán người và tài sản các hộ dân bị sạt lở, uy hiếp trực tiếp đến nơi an toàn. Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi nơi nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão đổ bộ, nhất là người ở trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, trên tàu thuyền, trong các nhà không an toàn, các khu dân cư ven biển, cửa sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập sâu. Tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, trụ sở, cơ sở y tế, các khu công nghiệp, khu du lịch,... ven biển chịu tác động trực tiếp của bão đổ bộ.
Các Sở, ngành và các đơn vị liên quan tăng cường trực ban, kiểm tra, bảo đảm an toàn tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; theo dõi tình hình mưa, lũ, lưu lượng về hồ để vận hành an toàn hồ chứa theo quy trình, bảo đảm an toàn công trình và an toàn của người dân ở khu vực hạ du hồ chứa.

Báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, tổng số tàu thuyền toàn tỉnh hiện có là 7.357 chiếc/41.890 lao động. Tính đến 17 giờ 30 phút ngày 27-10-2020, số tàu thuyền hoạt động trên biển là 943 chiếc với 4.471 lao động, tất cả các tàu thuyền đều thông tin liên lạc với đài bờ, đồn biên phòng khu vực để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ xử lý tình huống. Trong đó,  có 151 tàu thuyền đánh bắt xa bờ với 1.231 lao động, khu vực hoạt động ở vùng biển Trường Sa, Côn Sơn và vùng biển Côn Sơn-Thổ Chu. 792 tàu đánh bắt ven bờ với 3.240 lao động, khu vực hoạt động vùng ven biển Bình Thuận (từ 10 hải lý trở vào). Đang neo đậu tại các bến 6.414 chiếc/37.491 lao động. Tàu thuyền các tỉnh bạn đang neo đậu trong tỉnh: 160 chiếc/940 lao động. Phương tiện thủy nội địa đang neo đậu là: 48 phương tiện/251 thuyền viên.

Toàn tỉnh hiện có 94 lồng bè/49 lao động, các chủ bè nuôi thủy sản đã được UBND các địa phương, bộ đội biên phòng thông báo biết tin về tình hình thời tiết, ảnh hưởng của bão số 9, gió mạnh, sóng lớn để gia cố, chằng buộc an toàn (khi có lệnh cấm sẽ đưa 49 lao động lên bờ theo quy định).

Các địa phương ven biển rà soát các khu dân cư ven biển, ven sông, vùng trũng, ngập lụt, sạt lở sẵn sàng phương tiện, lực lượng và kế hoạch sơ tán dân vùng nguy hiểm khi bão ảnh hưởng hoặc mưa, lũ, ngập lụt; chuẩn bị tốt theo phương châm "bốn tại chỗ" để ứng phó với các tình huống, sự cố có thể xảy ra.