Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9

NDO -

Theo đúng chỉ đạo của tỉnh và phương án của từng địa phương, đơn vị, từ sáng sớm 29-10, trên địa bàn toàn tỉnh Phú Yên, đồng loạt triển khai công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9.

Công nhân xí nghiệp dịch vụ Điện lực Phú Yên đang thi công dựng lại cột điện bị ngã đổ tại xã An Mỹ, huyện Tuy An, Phú Yên (Ảnh: Trình Kế)
Công nhân xí nghiệp dịch vụ Điện lực Phú Yên đang thi công dựng lại cột điện bị ngã đổ tại xã An Mỹ, huyện Tuy An, Phú Yên (Ảnh: Trình Kế)

Tại huyện miền núi Đồng Xuân, bão số 9 đã làm 10 ngôi nhà sập và tốc mái, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở; hơn 1.000 cây xanh ven đường ngã đổ gây cản trở giao thông; nhiều cây ngã đổ vào đường dây điện gây mất điện tại 6 xã.

Thiệt hại nặng nhất là xã vùng cao Phú Mỡ. Một số tuyến đường liên thôn, liên xã như tuyến Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh đi làng Đồng, xã Phú Mỡ và tuyến Phú Lợi đi Phú Hải, xã Phú Mỡ sạt lở 8.000m3 đất, đá. Bờ kè thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ bị sập 30m. Trên địa bàn xã Xuân Lãnh và Phú Mỡ có 12 cột viễn thông bị gãy đổ, 2 trạm BTS bị tốc mái.

Trên tuyến đường từ xã Xuân Quang 1 đến xã vùng cao Phú Mỡ, sáng nay, từng tốp người thuộc các lực lượng với nhiều công việc hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão.

Tại thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1, đội quản lý đường bộ tập trung chặt dọn cây xanh thông tuyến giao thông. Hàng chục công nhân điện lực Đồng Xuân cũng đã có mặt tại hiện trường để khắc phục sự cố cây xanh ngã đổ lên đường dây điện, kịp cấp điện cho bà con.

Ông Nguyễn Hữu Từ, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân dẫn đầu đoàn công tác đã đến thăm hỏi tặng quà, động viên gia đình ông La O Thắng, thôn Phú Tiến, xã Phú Mỡ. Tại nhà La O Thắng, sáng nay có hàng chục cán bộ, dân quân lực lượng vũ trang đang giúp gia đình lợp lại mái ngói bị bão hất tung. Tại đây, ông Nguyễn Hữu Từ, đã động viên, chia sẻ khó khăn và mong muốn gia đình cố gắng vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương huy động phương tiện, lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục sự cố nhà ở bị sập, tốc mái do bão số 9; sớm rà soát những thiệt hại về nhà cửa, vật chất báo cáo để có giải pháp hỗ trợ kịp thời trong thời gian tới.

Phú Yên khẩn trương khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống người dân -0
 Lực lượng vũ trang địa phương đang hỗ trợ lợp lại mái nhà cho gia đình ông La O Thắng ở thôn Phú Tiến xã Phú Mỡ (Ảnh: Ngọc Sỹ)

Trong hai ngày qua, Công ty Điện lực Phú Yên đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, khắc phục sự cố về điện. Riêng trong ngày hôm nay, toàn Công ty huy động 45 nhóm công tác, với 284 người, 33 phương tiện xe cẩu, xe cẩu tải, xe bánh xích, xe bán tải… Đồng thời, huy động thêm nhân lực của các đơn vị xí nghiệp dịch vụ, đội quản lý vận hành, đơn vị xây lắp tiếp tục khắc phục sự cố. Đến  cuối giờ chiều nay ngày 29-10 đã khôi phục 1.532/1.689 TBA (166.017/176.982 khách hàng) mất điện do ảnh hưởng bão.

Tại thôn Hòa Đa, xã An Mỹ huyện Tuy An sáng nay, đơn vị Xí nghiệp dịch vụ Điện lực Phú Yên thuộc Công ty dịch vụ Điện lực miền trung với 18 cán bộ công nhân tổ chức dựng lại 10 cột điện đường dây 22KV bị ngã đổ do bão.

Ông Nguyễn Ngọc Nguyên, Phó Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ Điện lực Phú Yên trực tiếp chỉ đạo thi công tại đây cho biết, toàn bộ số cột điện bị ngã đổ nằm ở vị trí ruộng vườn của người dân, không thể đưa phương tiện cơ giới vào được, cho nên phải dùng biện pháp thủ công, khắc phục. Bằng mọi giá trong ngày hôm nay phải dựng xong, kịp tiến độ chung của ngành điện lực cấp điện cho toàn bộ khu vực này.

Phát huy vai trò xung kích tình nguyện của tuổi trẻ, ngay sau bão số 9, lực lực lượng đoàn viên trong tỉnh đã chủ động phối hợp các lực lượng của địa phương hỗ trợ các hộ dân có nhà cửa bị ảnh hưởng do bão gây ra. Tập trung dọn dẹp vệ sinh, thu dọn cây xanh ngã đổ trên các tuyến đường giao thông xung yếu theo nguồn thông tin tiếp nhận được.

Anh Phan Xuân Hạnh, Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên cho biết, kết quả đã hỗ trợ sửa chữa, phụ giúp dọn dẹp 150 nhà dân và thu dọn cây xanh ngã đổ trên các tuyến đường giao thông toàn tỉnh, với 1.100 lượt đoàn viên thanh niên tham gia.

Phú Yên khẩn trương khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống người dân -0
 Đoàn công tác của UBND huyện Đồng Xuân tặng quà cho người dân bị thiệt hại do bão số 9 tại xã vùng cao Phú Mỡ, Đồng Xuân, Phú Yên.

Riêng Đoàn Thanh niên Công an tỉnh và Đoàn Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trực ban tại đơn vị 100% quân số và sẵn sàng tham gia khắc phục hậu quả do bão gây ra khi nhận lệnh của chi huy đơn vị.

Đoàn Thanh niên Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 2 hộ dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa, phát quang cây xanh ngã đổ trên địa bàn xã Xuân Cảnh và phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu.

Có 100% đội TNXK trong khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh tổ chức trực tại các cơ quan, công sở, doanh nghiệp để ứng phó trước, trong khi bão đổ bộ vào và tổ chức dọn dẹp sau bão, dọn dẹp cây xanh đổ, gãy, dựng lại biển chỉ dẫn tại các trụ sở và chung quanh trụ sở đơn vị.

Các Đoàn trường đại học, cao đẳng trên địa bàn huy động lực lượng sinh viên các trường đại học, cao đẳng ra quân tổ chức dọn dẹp sau bão, dọn dẹp cây xanh đổ, gãy tại khuôn viên trường...

Bình Định khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9
Thống kê đến thời điểm này, bão số 9 ở tỉnh Bình Định đã khiến 5 người bị thương, 45 nhà sập, gần 4.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng, ngập nước; một số trạm y tế xã bị hư hỏng, tốc mái; gần 3.000ha hoa màu bị hư hỏng; nhiều tuyến đường giao thông, đê kè, kênh mương bị hư hỏng, sạt lở; 16 hồ chứa nước bị sạt mái taluy, hư hỏng bờ tràn; kè biển Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) bị sạt lở chiều dài khoảng 1.600m... Tổng thiệt hại ước tính gần 394 tỷ đồng.

Bão số 9 gây mưa to và gió lớn đã làm ảnh hưởng tới lưới điện tại Bình Định làm cho nhiều khu vực bị mất điện. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã 135 vụ sự cố lưới điện, làm mất điện 3.800 TBA phân phối, làm hỏng 3 TBA, gãy, đổ 73 cột điện, nghiêng 86 cột điện trung, hạ thế,… với gần 400.000 khách hàng bị mất điện…

Ngay từ đầu giờ chiều ngày 28-10, sau khi bão đi qua, các đơn vị đã triển khai công tác kiểm đếm một cách nhanh nhất, đánh giá tình hình thiệt hại và đề ra phương án xử lý khôi phục cấp điện cho khách hàng.

Tại các đơn vị bị thiệt hại nặng nề nhất, PC Bình Định đã khẩn trương huy động toàn bộ lực lượng trong nội bộ đơn vị, đơn vị ngoài để dựng lại 160 cột điện bị gãy đổ, nghiêng cột, kéo lại đường dây, khôi phục lưới điện với tinh thần khẩn trương, nhằm cung cấp điện cho khách hàng, chậm nhất là ngày 31-10.

Theo đó, với phương châm “4 tại chỗ” (nhân lực, vật tư thiết bị, phương tiện, hậu cần) đã được chuẩn bị đầy đủ, đến chiều 29-10, PC Bình Định đã cơ bản cấp điện lại cho hơn 300.000 khách hàng trên địa bàn tỉnh Bình Định. Dự kiến đến ngày 31-10, sẽ hoàn thành khắc phục sự cố lưới điện để cấp điện lại cho 100% khách hàng trong toàn tỉnh.

Trong sáng 29-10, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã tới thăm hỏi, động viên các gia đình đang có 26 người mất tích trên biển những ngày qua.

Phú Yên khẩn trương khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống người dân -0
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm và tặng quà cho gia đình có tàu cá bị chìm ở thị xã Hoài Nhơn. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã tặng quà các chủ tàu cá ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định và cho biết, hiện các tàu kiểm ngư đã tiếp cận vị trí hai tàu chìm và đang nỗ lực tìm kiếm 26 ngư dân mất tích. Chính phủ cũng đang sẵn sàng phương án điều máy bay và thủy phi cơ để hỗ trợ tìm kiếm trong điều kiện thời tiết thuận lợi thế này.

Tại các nơi đến thăm, ông Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Bình Định nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại, nhất là về người trong cơn bão số 9. Đồng thời, đề nghị tỉnh Bình Định cần nhanh chóng hỗ trợ 45 hộ có nhà bị sập xây dựng lại nhà, sớm ổn định cuộc sống. Rà soát, kiểm tra tình hình lúa giống để sẵn sàng cho vụ lúa đông xuân sắp tới, nếu thiếu thì đề nghị để T.Ư hỗ trợ. Ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, còn hai cơn bão nữa cũng rất phức tạp nên tỉnh chỉ còn vài ngày để tái thiết.

Theo đồng chí Bộ trưởng: “Ngày 4, 5-11 tới đây sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng dị thường mới, cụ thể là áp thấp nhiệt đới đang hình thành và khả năng trong những ngày tới sẽ hình thành áp thấp, thậm chí những cơn bão mới, cơn bão số 10, 11 và hướng nếu không có gì thay đổi thì cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng của chúng ta. Do đó, quỹ thời gian từ hôm nay chỉ còn khoảng 4, 5 ngày để chúng ta tập trung phục hồi, tái thiết thật nhanh, ứng phó thật nhanh”.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư tiếp tục hỗ trợ tỉnh tìm kiếm các ngư dân bị mất tích trên biển; bố trí nguồn vốn đầu tư ngắn hạn hoặc trung hạn, hỗ trợ tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng các khu neo đậu tàu thuyến trú tránh bão gắn với các cảng cá: Tam Quan, Đề Gi, Quy Nhơn, để vừa bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, vừa thúc đẩy phát triển ngành nghề khai thác, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần cùng với cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ và bố trí vốn giúp tỉnh nâng cấp 26 hồ chứa nước xung yếu và nâng cấp tuyến kè biển Tam Quan đã bị sạt lở.

Hơn 1.000 ha cây trồng ở Đắk Lắk bị ảnh hưởng bởi bão số 9
Ngày 29-10, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Đắk Lắk cho biết, cơn bão số 9 đã làm có một người chết huyện M’Drắk; sáu nhà dân ở huyện M’Drắk và Ea Kar bị tốc mái; hơn 1.000 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng, chủ yếu là cây ngô, sắn, mía ở địa bàn huyện M’Drắk…

Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9 -0
 Vườn tiêu của người dân ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk bị gió mạnh của cơn bão số 9 quật đổ.

Ngoài ra, còn có bốn điểm trường bị ảnh hưởng, trong đó huyện M’Drắk có ba điểm, gồm: Trường Nguyễn Trãi xã Ea Mdoal bị tốc mái; Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện M’Drắk bị sập 20m tường rào; Trường Ngô Quyền xã Cư M’ta bị bay bảng hiệu; huyện Krông Năng có một điểm tại Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh, xã Tam Giang, bị sập 30m tường rào…

Trong khi đó, theo thống kê của UBND huyện M’Drắk, do ảnh hưởng của bão số 9 trên địa bàn huyện có hai nhà tốc mái ở xã Cư Mta, Ea Mlây; nhiều tường rào trường học, bảng hiệu, cổng chào thôn buôn, tổ dân phố… bị đổ hư hỏng nặng; hơn 1.000 diện tích cây hoa màu: ngô, mì, gừng cũng bị hư hỏng. Thiệt hại do mưa bão gây ra, tập trung chủ yếu ở xã Cư Prao, Krông Á, Cư Mta. Hệ thống hạ tầng và nhiều trụ điện bị đổ ngã gây mất điện toàn huyện trong ngày 28-10…

Cơn bão làm một người chết là ông Y Bê Niê, sinh năm 1980, trú tại buôn Chóa, xã Krông Jing. Lãnh đạo UBND huyện M’Drắk đã đến thăm hỏi gia đình bị nạn và chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và các xã kiểm tra, thống kê tình hình thiệt hại do ảnh hưởng hưởng của bão số 9 tới đời sống và sản xuất của người dân để có kế hoạch hỗ trợ.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các lực lượng Biên phòng duy trì nghiêm kíp trực sẵn sàng lực lượng, phương tiện; đồng thời rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở đất đá, ngập lụt, lũ ống, lũ quét để phối hợp các lực lượng nhanh chóng có biện pháp di dời nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đến nơi an toàn; chú ý bảo đảm an toàn cho tổ, đội công tác và chốt phòng, chống Covid-19 trên biên giới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thành lập lực lượng phản ứng nhanh tại cơ quan Bộ Chỉ huy, túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã có Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tập trung rà soát, triển khai công tác bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, vùng có có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống vùng ngập sâu, chia cắt đến nơi an toàn.
Đồng thời, chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ”; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân biết và chủ động khắc phục hậu quả thiệt hại do bão, lũ gây ra, sớm ổn định cuộc sống của nhân dân.

Khẩn trương khắc phục lưới điện hư hại do bão số 9

Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9 -0

Do ảnh hưởng của bão số 9, hệ thống lưới điện trên địa bàn các tỉnh duyên hải miền trung và khu vực Tây Nguyên bị hư hỏng rất nặng, với 3,8 triệu khách hàng bị mất điện. Lưới điện truyền tải quốc gia có sáu sự cố đường dây 500kV, chín sự cố đường dây 220kV, 32 sự cố đường dây 110kV.

Về lưới điện phân phối, tổng cộng có 3,8 triệu khách hàng ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk bị mất điện do dự cố về đường dây, trạm biến áp, cột... Thiệt hại nặng nhất là là ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam.

Ông Ngô Tấn Cư, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền trung (EVNCPC) cho biết, ngay khi bão vừa tan, các đơn vị điện lực chủ động triển khai lực lượng tại chỗ đi kiểm tra, chặt hạ cây cối ngã đổ vào đường dây, cột điện, dựng lại trụ bị nghiêng, thay trụ gãy, đổ, kiểm tra sửa chữa các trạm biến áp bị sự cố. Với mục tiêu khôi phục lưới điện trong thời gian sớm nhất, công nhân điện đã làm việc trong đêm để khắc phục hư hỏng, sự cố.

1_5_khac_phuc_dien-1603981897090.jpg

Tại Đà Nẵng, đến 18 giờ chiều nay, 29-10, hầu hết các khu vực đã được cấp điện trở lại, chỉ trừ một số thôn thuộc huyện Hòa Vang đang tạm thời mất điện vì nước vẫn còn ngập sâu. Theo ông Lê Hồng Cương, Giám đốc Điện lực Đà Nẵng, việc khôi phục và cấp điện vẫn mới chỉ bước đầu để phục vụ sản xuất, đời sống. Về lâu dài sẽ phải kiểm tra toàn diện và tiếp tục sửa chữa, khắc phục để bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Đến 15 giờ ngày 29-10, các đơn vị đã khôi phục được 36 đường dây 110kV (còn bảy đường dây đang mất điện), khôi phục 26/26 trạm biến áp 110kV.

Hiện vẫn còn 576 xã, phường trị trấn đang mất điện, trong đó, nhiều nhất là tỉnh Quảng Nam 222 xã; Quảng Ngãi 159 xã, phường, thị trấn; Bình Định 47 xã, phường, thị trấn... công suất phụ tải chưa có điện là 518 MW chiếm 23% phụ tải toàn EVNCPC.

Để giúp các địa phương bị thiệt hại nặng, EVNCPC đã điều động thêm 1.412 kỹ sư, công nhân và gần 100 phương tiện, máy móc, thiết bị các loại từ các Công ty Điện lực Khánh Hòa, Đắk Nông, Đắk Lăk, Gia Lai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Công ty Dịch vụ Điện lực miền trung và các đơn vị xây lắp… để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng khắc phục sự cố, rút ngắn thời gian để sớm cung cấp điện trở lại bảo đảm sinh hoạt, đời sống của người dân cũng như khắc phục hậu quả sau bão. Trong đó, ưu tiên các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam.

Mưa lũ nghiêm trọng ở miền trung