Các địa phương chủ động ứng phó bão số 6

NDO -

NDĐT- Để phòng tránh gió bão và mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 6, ngày 8-11, thành phố Đà Nẵng và các tỉnh miền trung như Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đã thực hiện các biện pháp chủ động đối phó, kêu gọi tàu trú ẩn và sẵn sàng sơ tán người dân.

Hàng nghìn tàu cá đã về neo đậu tại âu thuyền tránh bão tại phường Thọ Quang (Đà Nẵng). (Ảnh: THANH TÙNG)
Hàng nghìn tàu cá đã về neo đậu tại âu thuyền tránh bão tại phường Thọ Quang (Đà Nẵng). (Ảnh: THANH TÙNG)

Sáng nay, 8-11, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) thành phố Đà Nẵng đã có công điện gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương… yêu cầu thực hiện các biện pháp chủ động đối phó với diễn biến của bão số 6.

Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN đề nghị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển. Đối với những tàu thuyền đã vào bờ, cần khẩn trương tìm nơi neo đậu, tổ chức chằng buộc, tránh bị va đập, hư hỏng, chìm tàu…

Đồng thời, đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Chỉ huy BĐBP, Công an thành phố, các lực lượng khác sẵn sàng bố trí nhân lực, phương tiện hỗ trợ các địa phương tổ chức di dời, sơ tán nhân dân ở các vùng ngập sâu khi có mưa bão lớn.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, chủ động cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn nếu mưa lớn, gió mạnh, nhất là khu vực huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, quận Cẩm Lệ.

56 tàu hàng ở Bình Định đã neo đậu an toàn

Các địa phương chủ động ứng phó bão số 6 ảnh 1

Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (ngoài cùng bên trái trực tiếp kiểm tra công tác gia cố kè biển xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, bị sóng đánh sập sau cơn bão số 5 vừa qua. Ảnh: CÁT HÙNG

Ngày 8-11, tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận, triển khai công tác ứng phó với bão số 6, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, tỉnh chủ động triển khai phương án bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Đến sáng 8-11, tất cả các tàu cá trong vùng bão đã ra khỏi vùng nguy hiểm; 56 tàu hàng cũng đã được bố trí, neo đậu an toàn, trước đó hơn 20 tàu hàng đã được yêu cầu đi khỏi vịnh Quy Nhơn.

Tỉnh đang tập trung triển khai các biện pháp ứng phó bão số 6 theo phương châm bốn tại chỗ; khẩn trương di dời 1.300 hộ dân ở những vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, bị triều cường đến nơi an toàn. Công việc này sẽ hoàn thành trước 12 giờ ngày 10-11.

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu tất cả các ngành, địa phương dừng tất cả các cuộc họp để dành thời gian triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 6.

UBND TP Quy Nhơn phải huy động lực lượng gia cố xong đoạn kè biển Nhơn Hải bị bão số 5 làm sập đổ và tổ chức di dời các hộ dân sinh sống sát đoạn kè này đến nơi an toàn. Sở GD&ĐT cho học sinh nghỉ học ngày thứ 2 (11-11) và tùy vào điều kiện thực tế bão lũ, tiếp tục cho học sinh nghỉ học nếu thấy cần thiết.

Các đơn vị lực lượng vũ trang phải túc trực 24/24 giờ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động khi có lệnh. Từ ngày 9-11, tuy là ngày nghỉ nhưng tất cả các cơ quan, đơn vị phải ứng trực 24/24 giờ.

Đối với việc neo đậu các tàu hàng, tàu cá tại cảng Quy Nhơn, tỉnh cũng rút kinh nghiệm qua bão số 5 để bố trí neo đậu an toàn, khoa học hơn.

Tỉnh đã thành lập các tổ xung kích để ứng phó với bão số 6, rà soát lại các công trình, nhất là hồ chứa để bảo đảm an toàn. Kè Nhơn Hải đang gặp nguy hiểm bị hư hỏng sau bão số 5, có 91 nhà dân đang gặp nguy hiểm trên bờ kè này và đang thực hiện các biện pháp gia cố, tính toán phương án di dời dân.

Quảng Ngãi sẵn sàng sơ tán 47.800 người dân vùng ảnh hưởng bão, lũ

Các địa phương chủ động ứng phó bão số 6 ảnh 2

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi giúp ngư dân neo cột tàu cá tránh bão. (Ảnh: HIỀN CỪ)

Chiều 8-11, tại cuộc họp triển khai công tác ứng phó với bão số 6, UBND tỉnh Quảng Ngãi xác định các vùng trọng điểm chịu ảnh hưởng gồm sáu huyện: Lý Sơn, Đức Phổ, Ba Tơ, Mộ Đức, Minh Long và Nghĩa Hành.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 6 và mưa, lũ lớn có thể xảy ra sau bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng các phương án ứng phó.

Cụ thể, tiếp tục duy trì thông tin liên lạc, hướng dẫn tàu thuyền tìm nơi trú tránh an toàn; sẵn sàng lực lượng chủ động sơ tán hơn 47.800 người dân vùng trọng điểm có nguy cơ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 6, vùng có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Trong đó, di dời 3.614 hộ với 13.633 nhân khẩu nằm trong vùng trọng điểm có nguy cơ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 6 thuộc các huyện: Lý Sơn, Đức Phổ, Mộ Đức và TP Quảng Ngãi.

Tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các đơn vị lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 đã ký kết hợp đồng với tỉnh sẵn sàng tham gia cùng địa phương hỗ trợ nhân dân ứng phó với bão.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở ngành chức năng cho biết, toàn bộ 96 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi với 2.290 lao động hoạt động trên vùng biển quần đảo Trường Sa cũng đã được liên lạc, kịp thời di chuyển trú tránh bão số 6; tạm dừng hoạt động tuyến giao thông đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn và cho học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học trong ngày 11-11.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính yêu cầu các sở, ngành và địa phương tuyệt đối không được chủ quan với bão số 6.

Căn cứ vào phương án đã duyệt, các địa phương phải hoàn thành việc di dời dân nằm trong vùng trọng điểm có nguy cơ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 6 trước 14 giờ ngày 10-11.

Tỉnh Quảng Ngãi sẽ thành lập hai sở chỉ huy tiền phương tại huyện đảo Lý Sơn và Đức Phổ nhằm kịp thời chủ động ứng phó thiên tai.

Quảng Nam kêu gọi 21 tàu cá hoạt động trên biển vào nơi trú ẩn

Chiều 8-11, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam đã phát thông tin, kêu gọi thuyền trưởng 21 tàu cá, cùng với 544 lao động đang còn hoạt động trên biển khẩn trương vào nơi tránh trú bão an toàn.

Các địa phương chủ động ứng phó bão số 6 ảnh 3

Nhiều tàu thuyền đã vào nơi tránh trú bão. (Ảnh: QUỐC VIỆT)

Theo đó, hiện có sáu tàu hoạt động ở khu vực biển Hoàng Sa, 10 tàu hoạt động ở khu vực biển Trường Sa và năm tàu hoạt động cách bờ biển Quảng Nam từ 5-15 hải lý.

Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi nhận được thông tin về bão số 6, các cơ quan chức năng đã thường xuyên thông tin về hướng đi, diễn biến của bão để các tàu chủ động tìm nơi trú tránh an toàn nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra.

Đối các huyện miền núi, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương sẵn sàng triển khai phương án “4 tại chỗ” hướng người dân phòng tránh và ứng phó kịp thời khi có lũ quét, sạt lở đất do ảnh hưởng của bão số 6 gây ra…

* Phú Yên cấm biển, cho học sinh nghỉ học, di dời dân tránh bão số 6

Các địa phương chủ động ứng phó bão số 6 ảnh 4

Các tàu cá của ngư dân Phú Yên neo đậu an toàn tại các cảng cá thành phố Tuy Hòa (Ảnh: TRÌNH KẾ)

Chiều 8-11, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương đã ký lệnh cấm biển. Theo đó, bắt đầu từ 7 giờ ngày 9-11, Chủ tịch UBND các địa phương huyện Đông Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa thông báo cấm không cho các loại tàu thuyền hoạt động khai thác đánh bắt trên biển.

Các cơ quan đơn vị liên quan và các địa phương ven biển triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức cá nhân hoạt động khai thác đánh bắt thủy hải sản trên biển nghiêm túc thực hiện vào nơi tránh trú bão theo quy định, tuyệt đối không cho người ở lại trên tàu.

UBND tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ thông tin về tình hình diễn biến thời tiết để chủ động thông báo cho ngư dân (chủ phương tiện tàu thuyền) hoạt động, hành nghề đánh bắt trên biển trở lại sau bão, có kế hoạch sản xuất cho phù hợp, an toàn.

Để an toàn cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên cũng ban hành văn bản yêu cầu các phòng giáo dục đào tạo, các đơn vị trực thuộc cho học sinh nghỉ học ngày 11-11 để phòng tránh bão số 6 an toàn.

Tỉnh Phú Yên có gần 10 nghìn người làm việc trên 91 nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản ven biển các huyện Đông Hòa, Tuy An và thị xã Sông Cầu. Theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các địa phương đã nắm bắt được số điện thoại của tất cả lao động trên các lồng bè, để chủ động yêu cầu di dời kịp thời đến nơi an toàn, vào bờ tránh trú.

Theo ông Nguyễn Siêng, Phó Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Hòa, địa phương này hiện có 162 hộ sản xuất, chăn nuôi gia súc trên các bãi bồi dọc sông Ba. Đây là vùng nguy hiểm khi có lũ đổ về từ thượng nguồn, kết hợp các thủy điện xả lũ. Ông Siêng cho biết thêm, đã cử lực lượng gặp trực tiếp hoặc điện thoại thông báo đến từng hộ dân sản xuất dọc sông Ba, tuyệt đối không được chủ quan trước diễn biến phức tạp của bão số 6. Đồng thời chuẩn bị lực lượng tiến hành cưỡng chế sơ tán, bắt buộc người dân di dời ra khỏi khu vực xung yếu, nguy hiểm.

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, tỉnh hiện có 298 tàu cá với 1.745 lao động đang hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển. Trong đó, 242 tàu với hơn 1.500 ngư dân đánh bắt xa bờ, đang tránh trú tại các đảo và hoạt động ở các vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, DK1. Tất cả các tàu cá đều nhận được thông tin về tình hình diễn biến cơn bão số 6 trên Biển Đông, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm và thường xuyên liên lạc với đất liền.